Anh Luận (phải) hiện sở hữu số lượng lớn cá tra dầu bố mẹ có trọng lượng “khủng” |
DUY TÂN |
Sở hữu hàng trăm con cá “khủng”
Trang trại nuôi cá quý hiếm của anh Luận rộng 14 ha, được chia làm 3 khu, gồm: khu nuôi cá chính, khu trung chuyển cá, khu bảo tồn. Hiện anh sở hữu đàn cá bố mẹ gồm 10 loại, tổng trọng khoảng 5 - 7 tấn, như: cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ… Đây là các loài cá quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở khu vực ĐBSCL do việc đánh bắt quá mức, thay đổi môi trường, dòng chảy... Ngoài ra, anh còn nuôi một số “thủy quái” sông Amazon như cá hồng vĩ, cá hải tượng.
“Tôi đang nuôi bảo tồn và dự định nghiên cứu nhân giống đàn cá tra dầu bố mẹ. Đàn cá tra dầu có hơn 100 con, trọng lượng từ 30 - 60 kg/con và hàng ngàn con trọng lượng trên 10 kg/con. Ngoài ra, còn bảo tồn cá vồ cờ, hồng vĩ, hải tượng… Riêng cá hô đã được tôi nhân giống thành công”, anh Luận nói.
Hầu hết cá tra dầu tại trang trại của anh Luận có trọng lượng từ 10 - 60 kg/con |
DUY TÂN |
Anh Luận từng khởi nghiệp với nghề ươm nuôi cá tra giống, nhưng do giá cả bấp bênh nên thua lỗ kéo dài. Năm 2015, nhận thấy thị trường có ít người ươm cá quý hiếm nên anh tìm mua cá bố mẹ về nuôi bảo tồn và nhập cá bột về nuôi bán giống, bán thương phẩm.
“Lúc đó, hễ nghe ở đâu bắt được các loại cá khủng như cá tra dầu, cá hô… tôi đều đến mua về bảo tồn. Mặt khác, biết được Thái Lan đã nhân giống cá tra dầu thành công nên tôi sang Thái Lan 10 chuyến trong vòng 1 năm để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, tôi nhập cá bột về nuôi để bán giống và bán thương phẩm”, anh Luận kể.
Giống cá hô bố mẹ được nuôi tại trang trại của anh Luận |
DUY TÂN |
Thời gian đầu, cá nhập về bị hao hụt hơn 50%. Mãi đến năm 2019, sau thời gian nuôi tích lũy được kinh nghiệm và cá đã thuần chủng nên ít hao hụt hơn. Khi đó, anh Luân mạnh dạn nhập giống với số lượng lớn, kết hợp nhiều giống cá quý hiếm khác để nuôi. Các giống cá nhập từ Thái Lan đem về nuôi khá dễ và phát triển tốt do thời tiết, khí hậu khá tương đồng với Việt Nam nên hiếm khi cá bị sốc nước hoặc nhiệt độ...
Thu nhập mỗi năm 2 - 3 tỉ đồng
Theo anh Luận, để nuôi các loại cá quý hiếm, có kích thước “khủng” phải có mặt ao rộng và nuôi thưa. “Chẳng hạn, ao rộng 5.000 m2 chỉ thả được khoảng 300 - 500 con giống cá hô, tức là 10 - 20 m2/con. Kết hợp nuôi ghép các loại cá đặc sản với nhau, như cá tra dầu ghép với cá hô để cá hô ăn thức ăn dư thừa của cá tra dầu. Còn nuôi diện tích nhỏ cá rất khó phát triển”, anh Luận nói.
Cá lóc bông trọng lượng “khủng”. |
DUY TÂN |
Mỗi năm, anh Luận bán ra thị trường 40 - 50 tấn cá thương phẩm cho các nhà hàng với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Đồng thời, bán cá cho các khu du lịch, người chơi cá cảnh mua về trưng bày, nuôi dưỡng. Ngoài ra, mỗi năm anh còn cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu con cá giống, như cá hô, tra dầu, hồng vĩ… Nhờ đó có thu nhập từ 2 - 3 tỉ đồng.
Một con cá tra dầu nặng hơn 60 kg |
DUY TÂN |
“Tính ra, giá trị cá “thủy quái’ cao gấp 9 - 10 lần cá thường. Cá tra dầu và cá hô nuôi 2 năm cá đã đạt trọng lượng trên 10 kg/con. Đây cũng là cá đặc sản hiếm có, được nhiều thực khách săn tìm thưởng thức”, anh Luận cho biết.
Cá hô được anh Luận nhân giống |
DUY TÂN |
Hiện anh Luận đang nghiên cứu cho cá tra dầu sinh sản. Theo anh, cá tra dầu phát triển gấp 3 - 4 lần so với cá tra thường. Tuy nhiên, với cá tra thường thì nuôi khoảng 3 năm cho sinh sản, còn cá tra dầu phải mất 20 năm. Bởi thế rất khó. Nhưng với đàn cá bố mẹ đang được bảo tồn tại trang trại, tôi hy vọng sẽ sớm cho sinh sản”, anh Luận kỳ vọng.
Bình luận (0)