Sau một bài phát biểu, cô gái Việt được mời nghiên cứu về biến đổi khí hậu

24/08/2021 16:06 GMT+7

Tham gia trình bày nghiên cứu tại Hội nghị Hồ Cạn quốc tế, Huỳnh Ngọc Thu Hương (25 tuổi) được mời tham gia dự án nghiên cứu về ảnh hưởng của độ mặn lên hệ sinh thái nước ngọt cùng các nhà khoa học quốc tế.

Thu Hương là người người Việt duy nhất được nhận lời mời tham dự nghiên cứu của dự án. Cô còn được nhận hỗ trợ toàn bộ chi phí nghiên cứu và sinh hoạt từ tổ chức AQUACOSM - một mạng lưới nghiên cứu về hệ sinh thái biển và nước ngọt khắp Liên minh châu Âu (EU) và hợp tác toàn cầu - trong suốt thời gian nghiên cứu.

Từ nguyện vọng 2 thành ngành yêu thích

Trong kỳ tuyển sinh năm 2014, Thu Hương không may mắn với nguyện vọng 1 nên cô lựa chọn ngành khoa học môi trường, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, dù không có sự chuẩn bị hay tìm hiểu kỹ lưỡng.
Ngỡ đây chỉ là một cách làm giảm áp lực nhưng cô theo đuổi chuyên ngành này cho đến nay. “Bước vào học kỳ 2 năm nhất, tôi được tiếp xúc với phòng thí nghiệm, được tìm tòi, khám phá những thí nghiệm liên quan đến công nghệ xử lý nước, tôi thấy thú vị, đam mê ngành hơn”, Thu Hương kể.
Trong thời gian học đại học, cô gái 9X tập trung nghiên cứu các công nghệ xử lý nước thải và đã có đề tài nghiên cứu sinh viên về ứng dụng cây rau muống vào xử lý nước thải sinh hoạt (năm 2015).
Vào năm 2018, cô đạt giải nhì cuộc thi Xây dựng ý tưởng tiêu dùng bền vững do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường tổ chức; có đề tài nghiên cứu “So sánh và đánh giá mức độ vi sinh vật có thể nuôi cấy trong không khí và các yếu tố môi trường liên quan tại TP.HCM” được xuất bản thành một chương trong sách TORUS 3 của nhà xuất bản toàn cầu trong lĩnh vực sách hàn lâm - Willey.
Qua những trải nghiệm thực tế, Thu Hương dần quan tâm hơn đến biến đổi khí hậu. Năm 2018, cô tốt nghiệp thủ khoa và được nhận học bổng toàn phần cho khóa học thạc sĩ của Chính phủ Hungary trong lĩnh vực này tại ĐH Eötvös Loránd, đứng đầu trong các trường ĐH tại Hungary.
“Đề tài của tôi tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của sự gia tăng nhiệt độ và sóng nhiệt lên động vật phù du ở châu Âu. Đây đang là một vấn đề nóng ở châu Âu đối với các nhà sinh thái học khi mà hiện tượng cực đoan này đang ngày càng xuất hiện nhiều tại các nước ở châu Âu”, cô cho biết.

Hương (hàng 1, ngoài cùng bên trái) cùng các bạn tham gia nghiên cứu tại Hội nghị Hồ Cạn quốc tế

NVCC

Góp phần tạo ra thành quả trong nghiên cứu về biến đổi khí hậu

Hai năm theo đuổi khóa học thạc sĩ về biến đổi khí hậu, Hương không ngừng nỗ lực và tìm kiếm những cơ hội để có được những kết quả nghiên cứu đầu tiên ở nước bạn.
Sau thời gian ngắn thực tập tại Viện nghiên cứu sinh thái Balaton (Hungary), Hương chính thức trở thành trợ lý nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu sinh thái, Viện Hàn Lâm khoa học Hungary vào tháng 3.2021. Công việc của cô là nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như tác động của con người lên hệ sinh thái nước (thực, động vật phù du, tảo, vi khuẩn,…) tại Hungary và trong khu vực châu Âu.
Đầu năm 2021, cô trình bày nghiên cứu tại hai Hội nghị quốc tế lớn gồm: Hội nghị chuyên đề thủy sinh quốc tế lần thứ 2 và Hội nghị quốc tế Hồ cạn lần thứ 10. Đáng chú ý là nghiên cứu về ảnh hưởng của hiện tượng nhiệt cực đoan lên động vật phù du tại hồ Balaton ở Hội nghị Hồ Cạn quốc tế lần thứ 10 được tổ chức tại Brazil của cô đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu tham dự.
“Không lâu sau đó, tôi nhận được lời mời tham gia dự án nghiên cứu về ảnh hưởng của độ mặn lên hệ sinh thái nước ngọt tại Đại học Kỹ thuật Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nhà khoa học quốc tế từ người đứng đầu của dự án này. Ở đây, tôi đảm nhận vai trò đánh giá ảnh hưởng của sự gia tăng độ mặn lên động vật phù du. Dự án sẽ được bắt đầu vào tháng 9 tới”, Hương chia sẻ.
Sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ loại xuất sắc hồi tháng 7, cô gái 9X tài năng trở thành một trong 12 nhà khoa học trẻ được bình chọn bởi Hội đồng Khoa học Hungary, đứng đầu bởi Mạng lưới nghiên cứu Eötvös Loránd (tổ chức được thành lập bởi Quốc hội Hungary năm 2019 với vai trò là trụ cột quản lý và nghiên cứu khoa học của Hungary). Thu Hương tiếp tục nhận được hỗ trợ gần 5 triệu forint để thực hiện dự án nghiên cứu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu của mình. Cô là người nước ngoài, người Việt đầu tiên được công nhận kể từ khi Hội đồng được thành lập. Ngoài ra, Hương còn đạt được nhiều thành tích với các sáng kiến, nghiên cứu ở lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu.

Hương cùng bạn bè trong ngày tốt nghiệp chương trình thạc sĩ

NVCC

Nói về kế hoạch cá nhân trong thời gian tới, Hương cho biết sẽ tiếp tục ứng cử học bổng tiến sĩ vào năm 2022 và theo đuổi nghiên cứu biến đổi khí hậu. Cô mong muốn sẽ được trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh.
“Biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên khó đoán với sự tàn phá ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh nên phải được chú trọng vì hệ sinh thái này có vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn tự nhiên cũng như thực vật phù du và tảo giúp hấp thụ CO2 trong khí quyển. Vì vậy, tôi mong sẽ mang những kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu trong quá trình học tại đây về Việt Nam để có thể áp dụng vào hỗ trợ dự đoán, làm giảm tác động và khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái thủy sinh”, Thu Hương tâm sự. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.