Bí mật vụ thử bom hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc

15/11/2014 10:00 GMT+7

(TNO) Các cột điện tín nằm rạp trên mặt đất, máy bay và xe cộ chảy ra vì sức nóng. Khi nhìn thấy thi thể cháy thành than của một con khỉ trong buồng lái một chiếc máy bay, Dương Thiên Vũ cuối cùng đã hiểu ra sự đáng sợ của cuộc thử nghiệm bom hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc, xảy ra vào một ngày tháng 10 cách đây 50 năm.


Cột lửa được cho là từ vụ thử nghiệm bom hạt nhân của quân đội Trung Quốc trên trang Want China Times

Vào ngày 16.10, 300 cựu chiến binh từng chứng kiến cuộc thử nghiệm đã ngồi lại tại một khách sạn ở huyện Bà Dương, thuộc tỉnh Giang Tây, đông nam Trung Quốc, để kỷ niệm sự kiện diễn ra cách đây 50 năm, trang tin Want China Times (Đài Loan) cho biết.

Địa điểm của cuộc thử nghiệm hồi năm 1964 nằm tại Malan ở sa mạc Gobi, phần nằm trong Khu Tự trị Tân Cương.

Hơn 10.000 binh sĩ và kỹ thuật viên đã làm việc tại khu thử nghiệm nói trên trước và sau khi cuộc thử nghiệm diễn ra, theo Want China Times. Họ là một nhóm người kín tiếng và có rất ít thông tin về những người này trên báo chí Trung Quốc vì những chuyện xảy ra tại đó cách đây 50 năm về trước được xem như bí mật quốc gia.

Ông Dương, hiện đã 75 tuổi, đi từ thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây, để đến dự cuộc gặp mặt. Ông chỉ im lặng ngồi nghe những người từng làm việc chung với mình ôn lại những chuyện xưa, Want China Times cho hay.

Vào tháng 10.1963, ông Dương, quân nhân đã phục vụ được 3 năm trong hàng ngũ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở thành phố Lan Châu tính đến thời điểm đó, được báo rằng đơn vị của ông sẽ được chuyển đến một cơ sở đặc biệt ở Tân Cương.  

Khi đến cơ sở nói trên, tọa lạc tại một địa điểm tuyệt mật, ông vẫn không biết nhiệm vụ của đơn vị mình là gì. Cùng thời điểm đó, các sĩ quan thuộc các đơn vị khác đến từ quân khu Thẩm Dương, Bắc Kinh và Tế Nam cũng được lệnh hành quân đến đó.

Chỉ trong 2 năm sau đó, Malan đã chuyển biến từ một nơi ít người biết đến thành một căn cứ quân sự, nơi có hàng chục ngàn binh sĩ đồn trú. Do số lượng binh sĩ gia tăng, họ được phân ra thành 124 trung đoàn vệ binh và kỹ sư, cùng 546 đơn vị phụ trách các cơ sở y tế, căn cứ hậu cần, sửa chữa xe cộ và ngăn ngừa hóa học.

Mọi thứ đã được sắp xếp rất kỹ lưỡng, nhưng không ai lên tiếng hỏi quân đội đang làm gì ở nơi “khỉ ho cò gáy” này. “Chúng tôi đã không hỏi vì nghĩ rằng chúng tôi không được phép biết và cho rằng khi đến thời điểm chúng tôi cần được biết, thì họ sẽ nói”, ông Dương nhớ lại.

Ngoài ra, khi đến Malan, các binh sĩ cũng được lệnh giữ bí mật, theo ông Dương. Khi đề cập về nơi đóng quân của mình với bên ngoài, họ phải dùng mật mã “Yonghong”, tức “luôn đỏ”, và không được nhắc đến tên Malan.

Binh sĩ còn được dặn chỉ được nói là họ canh gác căn cứ, chứ không được kể về hoạt động của mình tại đây. Những người lính được lệnh giữ bí mật những gì họ thấy cho đến khi xuống mồ và không được tiết lộ cho cả cha mẹ, cũng như vợ con. Toàn bộ thư từ của họ đều bị kiểm tra trước khi gửi đi, ông Dương cho biết.

(Còn tiếp)

Hoàng Uy

>> Mỹ suýt bị hủy diệt bởi bom hạt nhân
>> Iran có thể chế bom hạt nhân trong 1 tháng?
>> Iran “sẽ sớm có bom hạt nhân”
>> Thổ Nhĩ Kỳ có 70 quả bom hạt nhân
>> Mỹ từng định cho nổ bom hạt nhân trên mặt trăng
>> Mỹ từng định ném bom hạt nhân xuống Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.