Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, bến xe Yên Sở được xác định là bến xe khách liên tỉnh trung hạn, để từng bước điều chuyển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi và đến Hà Nội của các tỉnh phía nam đang khai thác tại bến xe khách Giáp Bát hiện nay.
Theo ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, trong giai đoạn quá độ khi vành đai 3,5; vành đai 4... chưa hoàn thành và tránh các phương tiện đi sâu vào nội đô để chuyển hướng, đường vành đai 3 là nơi được sử dụng để điều tiết giao thông cho các phương tiện này.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trong khi lưu lượng các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía nam đi và đến Hà Nội đang ngày càng gia tăng, các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm đang chịu áp lực ngày càng cao thì rất cần có thêm bến xe để đáp ứng. Vì thế, bến xe khách Yên Sở được quy hoạch cho giai đoạn quá độ hiện nay là cần thiết.
Sau khi đầu tư xong bến xe khách Yên Sở và Cổ Bi, Hà Nội sẽ tổ chức nghiên cứu bố trí các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh (phát sinh mới) từ các tỉnh phía nam đi và đến thành phố kết hợp với việc điều chuyển các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại bến xe Giáp Bát về 2 bến xe này. Khi đó, bến xe Giáp Bát sẽ chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe.
Bến xe khách Yên Sở sau đó cũng được chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe phục vụ vận tải hành khách sau khi bến xe khách chính phía nam (khu vực Ngọc Hồi - đường vành đai 4)... được đầu tư và xây dựng hoàn thành, đồng bộ với việc kết nối hạ tầng giao thông.
Bến tạm trong bao lâu?
Trước đó, góp ý về đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, Bộ GTVT cho rằng, Hà Nội không nên xây dựng mới các bến xe liên tỉnh có tính chất sử dụng không lâu dài, chỉ khai thác trong thời gian quá độ (như bến xe Yên Sở được nêu trong quy hoạch) để tránh lãng phí vốn đầu tư và ảnh hưởng đến quỹ đất của thành phố.
Còn theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong phạm vi các quận nội thành Hà Nội, nếu xây dựng một bến xe hỗn hợp như Yên Sở sẽ không đảm bảo trật tự, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Hơn nữa, tại khu vực phía nam Hà Nội chưa có bến xe tải nào, vì vậy, bến xe Yên Sở chỉ nên quy hoạch xây dựng bến xe tải.
Đáng chú ý, bến xe Yên Sở có vị trí khá đắc địa (cách ngã ba Pháp Vân gần 2 km, nằm cạnh đường gom của đường vành đai 3, cạnh Công viên Yên Sở, khu vực này có nhiều khu dân cư, nhiều cơ sở giáo dục, mầm non). Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Hà Nội, Hà Nội quá cấp tập khi triển khai xây dựng bến xe Yên Sở như không đấu thầu...
Trong khi đó, ông Vũ Hà lại cho rằng, công tác triển khai xây dựng bến xe Yên Sở giai đoạn hiện này là phù hợp với tiến độ định hướng trong đồ án quy hoạch giao thông vận tải đã được Thủ tướng phê duyệt.
Về thời hạn hoạt động của dự án bến xe khách Yên Sở, theo ông Hà, trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư (được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đề xuất) đã căn cứ trên cơ sở phương án tài chính của nhà đầu tư nhằm đảm bảo khả năng thu hồi vốn cũng như hài hòa lợi ích giữa giữa các bên.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo đúng các quy định của pháp luật và sẽ chịu sự giám sát, quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý chuyên môn thành phố.
“Thời gian hoạt động dự kiến của dự án bao gồm cả thời gian khai thác sau khi chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe trong định hướng quy hoạch được duyệt”, ông Hà cho biết.
Bình luận (0)