Cách đây vài năm, Henry Chan và 5 nhà sáng lập khác của hãng ShopBack thành lập nền tảng thương mại điện tử cung cấp cho người tiêu dùng lựa chọn mua hàng có chiết khấu, hoàn tiền từ bất cứ thương hiệu nào trong số 1.500 đối tác của hãng. Trong số các đối tác này có cả những cái tên nổi bật như ASOS, eBay, Expedia...
Bốn năm qua, ShopBack kiếm hơn 25 triệu USD từ 6 triệu người dùng trên khắp châu Á - Thái Bình Dương. Song con đường khởi nghiệp thành công không đơn giản. Sáu bạn trẻ đã có 2 lần khởi đầu với ý tưởng thất bại và thực hiện nhiều thay đổi để ShopBack đứng vững đến hôm nay, theo CNBC.
Tìm ý tưởng
Khi các nhà sáng lập của ShopBack quyết định nghỉ việc tại Zalora, nhóm chắc chắn trong đầu rằng mình có thể thay đổi ngành công nghiệp mà họ đang hoạt động không hiệu quả. CEO ShopBack Henry Chan từng học đại học rồi làm việc ở Mỹ trước khi nảy ra ý định tìm cách sử dụng công nghệ để hỗ trợ thương hiệu lẫn người dùng ở quê nhà.
Dù vậy, tìm ý tưởng tốt nhất là chuyện dễ hơn làm. Nhà đồng sáng lập ShopBack Shanru Lai chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy rằng thương mại điện tử đã thực sự bùng nổ, nhưng chưa có nền tảng tốt để người tiêu dùng có thể khám phá thương hiệu mới, cùng lúc được hoàn lại một phần tiền. Chúng tôi muốn thay đổi điều đó”. Vì thế đầu năm 2014, nhóm bạn trẻ ở độ tuổi 20 lập ra trang web giúp người mua sắm tiết kiệm tiền trong lúc cải thiện tiếp thị và giảm chi phí cho nhà bán lẻ.
|
Loay hoay tìm đường
Ban đầu, 6 nhà khởi nghiệp tuổi đôi mươi cho chạy trang web bán hàng “flash sale”, tức giảm giá đậm trong thời gian ngắn để giúp khách hàng có dịp mua sắm giá rẻ, hệt như kiểu ngày hội giảm giá Black Friday ở Mỹ. Song họ nhanh chóng nhận ra rằng ý tưởng đó không phù hợp để làm cả năm. Vì thế, giai đoạn khởi nghiệp thứ nhì mở ra.
tin liên quan
Vớ của doanh nhân 22 tuổi bị Down được cựu tổng thống Mỹ tin dùngỞ lần thứ nhì, doanh nghiệp có tên Great Online Sale biến thành trang web giảm giá kéo dài 3 tháng. Dù vậy một lần nữa, nhóm sáng lập lại phát hiện ra lỗ hổng: Các nhà bán lẻ gặp khó trong việc chấp nhận mức giảm giá lớn, dù marketing được cải thiện và người tiêu dùng muốn có giá tốt quanh năm.
Sáu bạn trẻ cuối cùng tiến đến mô hình hoàn lại tiền cho cả năm. Khách hàng có thể được nhận một phần số tiền họ đã trả, thường là khoảng 3-6%, khi mua sắm từ các nhà bán lẻ hợp tác với ShopBack. Khách hàng có thể mua bất cứ thứ gì, từ thực phẩm, quần áo đến vé máy bay và vé xem phim. Với tỷ lệ chiết khấu dễ quản lý hơn, các nhà bán lẻ cuối cùng trả được hoa hồng cho ShopBack để hãng giúp quảng bá thương hiệu của họ.
Cô Lai cho hay doanh nghiệp từ lúc đó “tăng trưởng rất nhanh”, nhận nhiều phản hồi tốt. Lai nói rằng một phần thành công ShopBack đạt được là do khu vực có dân số trẻ, ngày càng giàu lên và tỷ lệ dùng điện thoại di động cao. “Chúng tôi đi qua vài thất bại và vài mô hình kinh doanh sai lầm trước khi hoàn thiện ShopBack”, cô Lai nói.
Tìm được hướng đi
ShopBack cuối cùng tìm ra được ý tưởng hợp lý, song vẫn còn phải tiếp tục làm việc để điều chỉnh mô hình theo nhu cầu người dùng. Để làm điều này, các bạn trẻ thiết kế và đưa ra trang thử nghiệm tên ShopMoolah trước khi chính thức đầu tư mạnh tay hơn. Đây cũng là cách mà tỉ phú Jeff Bezos từng làm với Amazon trong những ngày đầu.
“Chúng tôi dùng trang ShopMoolah để thử nghiệm và khi nhận ra rằng nó chạy tốt, chúng tôi đổi tên thành ShopBack”, cô Lai kể. ShopBack tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.
Khái niệm chiết khấu, hoàn tiền tồn tại hàng thập niên ở những nơi khác song vẫn còn khá mới mẻ khi ShopBack ra đời tại châu Á. ShopBack ngày nay phát triển ra các thị trường: Úc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Thái Lan. Hãng đem về 45 triệu USD doanh thu mỗi tháng.
Chia sẻ về sự thành bại trong khởi nghiệp, anh Chan cho biết: “Thất bại chỉ là một từ khác để chỉ con đường đến thành công. Một số người gặp may lần đầu, nhưng không thể may mắn trên mọi bước đi. Điều quan trọng là bạn phải có đội ngũ tốt, vấn đề tốt và làm việc chăm chỉ”.
Bình luận (0)