Bí quyết giật giải về chuyển đổi số của chàng trai y dược

Hữu Tú
Hữu Tú
04/12/2024 08:00 GMT+7

Với thành tích 2 lần đạt giải cao tại cuộc thi "Sinh viên tiên phong chuyển đổi số" tỉnh Đắk Lắk, Hà Văn Tú, sinh viên Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột, tiết lộ bí quyết giật giải.

Với vẻ ngoài trông rất thư sinh, chàng sinh viên y khoa Hà Văn Tú đã khiến cho chúng tôi bất ngờ khi tiết lộ "bí kíp" đạt thành tích cao trong 2 năm liên tục tại cuộc thi về chuyển đổi số.

Bí quyết giật giải về chuyển đổi số của chàng trai y dược- Ảnh 1.

Hà Văn Tú (trái) là gương mặt tiêu biểu của Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột

ẢNH: HỮU TÚ

Năm 2023, với vai trò nhóm trưởng, Tú cùng 4 thành viên trong trường đã xuất sắc vượt qua 6 đội dự thi khác đạt giải nhất chung cuộc trong cuộc thi "Sinh viên tiên phong chuyển đổi số" do Tỉnh đoàn Đắk Lắk tổ chức. Đến năm 2024, cũng trong cuộc thi này, Tú cũng cùng thành viên nhóm đạt giải nhì.

Về "bí kíp" giật giải cao trong cuộc thi về chuyển đổi số, Tú cho biết các thành viên nhóm trước khi tham gia đã được chọn lọc, có tinh thần làm việc nhóm cao. Trước ngày dự thi, cả nhóm bàn về chiến thuật, phân chia nhiệm vụ và tận dụng thế mạnh của mỗi thành viên. "Với vai trò là nhóm trưởng, mình đã tìm hiểu và chia nhiệm vụ cho mỗi cá nhân. Trong nhóm, có bạn có thế mạnh về kỹ năng mềm, có bạn có thế mạnh về kiến thức nên mình đã phân chia các thành viên vào mỗi phần thi khác nhau", Tú nói.

Tú cho biết năm 2023, nhóm gặp khá nhiều khó khăn trong khâu xử lý vấn đề và trả lời câu hỏi. Thế nhưng, nhờ vào sự cố gắng và đóng góp của các thành viên, nhóm đã đạt được giải cao trong cuộc thi. Để đạt được giải cao, không chỉ phụ thuộc vào năng lực cá nhân mà còn phải có tinh thần và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên khi làm việc nhóm. Đặc biệt, trước mỗi cuộc thi hay kỳ thi, bản thân mỗi cá nhân phải tự trau dồi, tìm tòi tài liệu về chủ đề liên quan nhằm tạo nền tảng kiến thức có chiều sâu.

Tú cũng chỉ ra mặt lợi ích và hạn chế của sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số. Về mặt lợi ích, sinh viên có thể tìm kiếm được nhiều nguồn tài liệu từ nền tảng internet, vừa giải trí vừa học tập thông qua các ứng dụng, trang web, học trực tuyến... Trong khi đó, mặt hạn chế là một số sinh viên sử dụng mạng xã hội có phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, chưa sử dụng tài khoản sinh viên để tìm nguồn tài liệu miễn phí; nhiều sinh viên dính phải những bẫy lừa trên mạng...

"Trong thời kỳ chuyển đổi số, một số bộ phận sinh viên dành nhiều thời gian vào mạng xã hội, chưa ứng dụng công nghệ vào học tập. Đối với mình, việc ứng dụng công nghệ vào việc học tập khá bổ ích. Trên điện thoại, mình có thể lập thời gian biểu và tận dụng tốt thời gian trong ngày, tuần. Ngoài ra, việc đọc sách cũng rất quan trọng, mình thường đến thư viện của trường để tìm kiếm tài liệu học tập, chia sẻ và lan tỏa đến các bạn, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc", Tú bày tỏ.

Với vai trò là Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam của trường, Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, Tú đã lên ý tưởng cùng nhóm sinh viên của trường phát động, hỗ trợ nhiều phong trào công tác xã hội giúp đỡ người dân, đặc biệt là các em học sinh trên địa bàn tỉnh, nổi bật với các chương trình: "Áo ấm cho em - vì sức khỏe cộng đồng", "Mùa hè xanh", "Vì đàn em thân yêu"…

"Ngoài việc học tại trường, bản thân mình cũng rất yêu thích các phong trào giúp đỡ cho người dân. Bên cạnh việc góp sức, mình còn vận dụng kiến thức y dược trực tiếp tập huấn, hướng dẫn cho người dân về cách sơ cứu, xử lý vết thương. Mình mong muốn bản thân sẽ có nhiều thời gian để đóng góp công sức trong các hoạt động công tác xã hội của địa phương, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa…", Tú bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.