Từ khu đất hoang cằn cỗi, ông Lê Xuân Quang đã biến chúng thành một trang trại trù phú, mỗi năm doanh thu hơn 1,5 tỉ đồng.
Ông Quang chăm sóc đàn bò trong trang trại - Ảnh: Hoàng Trọng |
Nhiều người gọi ông Lê Xuân Quang (54 tuổi, ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ, TX.An Nhơn, Bình Định) là “phù thủy của đất hoang”. Khi chúng tôi nhắc lại biệt danh này, ông chỉ cười cười, đưa đôi bàn tay gân guốc lên rồi nói vui: “Phép màu của nông dân chúng tôi là đôi tay đấy. Cần cù lao động thì mới có cái ăn, cái để được”.
Năm 2005, phong trào nông dân làm kinh tế trang trại bắt đầu phát triển mạnh ở xã Nhơn Thọ. Ông Quang chọn thuê khu đất cằn cỗi nằm cạnh đồi núi, cách xa khu dân cư, rộng gần 1 ha để làm trang trại. Vốn đầu tư khởi điểm của ông khoảng 300 triệu đồng từ tiền tích cóp của gia đình và vay mượn.
Lứa đầu tiên ông Quang nuôi khoảng 200 heo thịt, 2 con bò sinh sản, 1.000 con vịt đẻ và 70 con gà. Do mới bắt tay vào chăn nuôi quy mô lớn nên kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc vật nuôi còn hạn chế, ban ngày ông chăm sóc vật nuôi, ban đêm tự mày mò sách vở để trang bị kiến thức, học hỏi từ các trang trại chăn nuôi đã thành công và liên hệ chặt chẽ với cán bộ thú y địa phương.
Để có đầu ra ổn định, ông Quang ký hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP VN. Theo hợp đồng, mỗi năm ông Quang cung cấp cho công ty này 3.000 con heo thịt và công ty sẽ hỗ trợ cho trang trại của ông thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, thuốc phòng, trừ bệnh… “Chăn nuôi heo với quy mô lớn thì không nên làm liều mà phải tính đến đầu ra ổn định và sự biến động của giá cả thị trường. Đến bây giờ tôi nghĩ việc mình chọn giải pháp chăn nuôi gia công heo thịt cho một công ty lớn là hướng đi đúng đắn”, ông Quang chia sẻ.
Ông Quang cho rằng, trong chăn nuôi thì khâu chọn thức ăn và vệ sinh phòng dịch phải luôn được chú trọng. Ngoài việc tiêm phòng vật nuôi theo định kỳ, trang trại của ông còn có phòng sát trùng, bắt buộc tất cả những ai ra vào đều phải được sát trùng, mặc đồ bảo hộ... “Tôi hay các công nhân làm việc tại đây đều phải khử trùng mới được vào trang trại. Phải tuân thủ tuyệt đối khâu phòng bệnh chứ để xảy ra dịch bệnh rồi mới lo chạy chữa thì có ngày đứt vốn”, ông Quang nói.
Hiện trang trại của ông Quang nuôi 1.500 con heo thịt/lứa (mỗi năm nuôi 2 lứa), 600 con gà đẻ, 6 con bò sinh sản... và trồng 1 ha keo lai, cỏ... “Mỗi năm trang trại đạt doanh thu khoảng 1,5 tỉ đồng, lãi ròng hơn 500 triệu đồng. Hiện trang trại có 6 - 8 nhân công làm việc thường xuyên với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng”, ông Quang cho biết.
Theo ông Phan Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Thọ, ông Quang đã đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh trong nhiều năm qua. Ông còn là hội viên tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo và giải quyết lao động thường xuyên tại vùng nông thôn. Nhiều hộ nông dân khó khăn muốn học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi đều được ông Quang tận tình chia sẻ kinh nghiệm.
|
Bình luận (0)