Trước đây, chị Phượng (37 tuổi, xã Chư Á, TP.Pleiku) làm nghề bán rau, củ quả ở chợ đầu mối tại TP.Pleiku. Nhận thấy sức mua nấm cao, trong khi nguồn nguyên liệu nhập từ các tỉnh khác về Gia Lai luôn trong tình trạng “cháy hàng”, năm 2013 chị quyết định xây dựng trang trại nấm, với nhiều loại mà thị trường đang chuộng.
Lúc mới bắt tay vào công việc, vì chưa có kinh nghiệm trồng nấm nên chị cứ xuống giống được một thời gian thì nấm lại chết mà không rõ nguyên nhân. Không nản chí, chị lên mạng tìm hiểu cách trồng nấm, rồi đến các trang trại nấm học hỏi kinh nghiệm. Đến năm 2014, khi thấy nấm bắt đầu phát triển tốt, chị Phượng dồn hết vốn tiếp tục mở rộng diện tích. Chị đã mạnh dạn tăng diện tích từ 500 m2 lên đến hơn 5.000 m2.
Chị Phượng chia sẻ: “Khi đem mùn cưa về phải là mùn nguyên chất, không được trộn tạp chất, nếu không nấm sẽ khó phát triển được. Nhiệt độ trong từng bịch nấm cũng phải theo dõi chi tiết, không được quá nóng hoặc lạnh. Về phần dinh dưỡng cho cây nấm tôi dùng vôi và cám bắp. Mỗi loại nấm sẽ được trồng theo từng thời vụ khác nhau để tránh bệnh tật mà nấm cũng sẽ phát triển tốt hơn”.
Cũng theo chị Phượng, khoảng thời gian từ tháng 7 đến gần Tết Nguyên đán sẽ thích hợp để trồng nấm mèo, vì những tháng này nhiệt độ lạnh, nấm mèo sẽ phát triển mạnh. Còn nấm bào ngư thì trồng được quanh năm vì loại này khá dễ trồng và cũng rất dễ bán.
Hiện trang trại của chị Phượng có khá nhiều loại nấm như: nấm mèo, linh chi, bào ngư, rơm... với sản lượng khoảng 100 kg/ngày. Mỗi ký nấm có giá từ 15.000 - 30.000 đồng, sau khi thu hoạch chị đem bỏ sỉ ở chợ đầu mối tại TP.Pleiku. Từ đôi bàn tay trắng, sau 6 năm chị đã sở hữu gần 200.000 bịch nấm và thu về hơn 500 triệu đồng/năm.
Bình luận (0)