Bí quyết làm tốt bài thi môn Vật lý THPT quốc gia 2018

Còn vài ngày nữa các thí sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Thầy tin rằng, các em hoàn toàn có thể làm tốt bài thi của mình nếu nắm chắc được cấu trúc đề thi Vật lý năm nay cũng như những kinh nghiệm làm bài.

Đề thi Vật lý năm nay vẫn gồm 40 câu trắc nghiệm nhưng nội dung có thay đổi. Đề thi bao gồm chương trình Vật lý lớp 12 và 11 (cả lý thuyết và bài tập). Nội dung kiến thức rất rộng, đề thi lại có tính bao quát nên các em không được học tủ, học lệch, không thể bỏ qua bất cứ một bài nào, phần nào trừ những phần, những bài đã được giảm tải. Với mục đích vừa dùng để xét tốt nghiệp, vừa dùng để xét tuyển đại học, đề thi Vật lý trong những năm gần đây được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó (khoảng 6 điểm cơ bản để xét tốt nghiệp và 4 điểm phía sau là những câu hỏi có tính phân hóa dùng để xét tuyển đại học). Đề thi năm nay sẽ có tính phân hóa cao hơn so với đề thi năm 2017. Phần Vật lý 11 có thể chỉ cho những câu hỏi đơn giản, có tính vận dụng thấp. Phần bài tập rất khó (thang điểm 8,5 - 10 điểm) thường rơi vào các chương 1, 2, 3 của chương trình Vật lý 12 (có thể kết hợp cả kiến thức lớp 11 và 12 vào cùng một câu hỏi). Phần này đòi hỏi sự thông minh, nhạy bén và kỹ năng giải toán thật tốt. Chỉ thông qua việc luyện tập thường xuyên, kiên trì giúp các em nhớ lâu các công thức và nhạy bén trong việc vận dụng chúng thì mới có thể làm tốt phần này.
Ngoài việc nắm kỹ cấu trúc đề thi, học sinh cần chú ý đến những kinh nghiệm khi làm bài thi trắc nghiệm:
1. Nên phân bố thời gian hợp lý khi làm bài. Các em có 50 phút để hoàn thành bài thi. Các em nên hoàn thành 6 điểm cơ bản (khoảng 24 câu trắc nghiệm đầu tiên) trong 15 phút. Đây là phần dễ lấy điểm, chủ yếu gồm những câu hỏi lý thuyết hoặc bài tập áp dụng công thức. Chỉ cần nắm lý thuyết và học thuộc công thức là các em có thể lấy trọn điểm phần này. Các câu còn lại nên làm trong 25 - 30 phút. Còn 5 - 10 phút cuối, các em dành để hoàn thành việc tô đáp án vào phiếu trả lời. Không nên dừng lại quá lâu trước một câu trắc nghiệm nào đó. Nếu không làm được câu nào đó thì nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác (kèm theo đánh dấu nhận biết phía trước câu đó để cuối giờ có thể quay trở lại làm nếu còn thời gian). Các em tuyệt đối không được bỏ trống bất kỳ câu nào trong phiếu trả lời. Nếu cuối cùng không làm được một số câu nào đó thì phải “đánh lụi” đáp án, dù sao vẫn còn 25% cơ hội mà, tuyệt đối đừng bỏ qua.
2. Không vội ghi đáp án vào phiếu trả lời nhưng cũng không đợi làm hết tất cả các câu rồi mới tô đáp án. Làm khoảng 10 câu thì các em hãy tô đáp án vào phiếu trả lời một lần, vừa tiết kiệm được thời gian so với tô đáp án từng câu, vừa tránh tình trạng tô nhầm thứ tự các câu trong trường hợp làm hết tất cả các câu mới tô đáp án.
3. Đọc kỹ đề. Mặc dù đề thi trắc nghiệm khá dài, thời gian làm bài lại ngắn nhưng không vì thế mà các em coi nhẹ việc đọc đề bài hay đọc đề không kỹ. Trong rất nhiều câu hỏi Vật lý, chỉ cần thay đổi một vài từ trong đề bài, hoặc thậm chí thay đổi thứ tự các từ trong câu hỏi là ý nghĩa của các câu hỏi thay đổi hoàn toàn. Nếu đọc đề bài một cách sơ sài, chúng ta không thể nào phát hiện ra những yếu tố khác biệt đó, vì thế sẽ dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc. Đặc biệt chú ý vào những câu chữ: sai, không đúng, không phải, chỉ… Cần làm nổi bật những câu chữ quan trọng trong đề bài (gạch dưới, khoanh tròn,…).
Thầy Huỳnh Kim Tài và học sinh Trường Quốc tế Á Châu tại Lễ tốt nghiệp 2017
Thầy Huỳnh Kim Tài và học sinh Trường Quốc tế Á Châu tại Lễ tốt nghiệp 2017
4. Nháp thẳng vào đề thi. Vừa đọc đề, tóm tắt các đại lượng ngay trên đề. Đại lượng nào cần đổi đơn vị thì phải đổi liền, ghi các công thức cần thiết để giải quyết câu hỏi ngay trên đề, không cần phải tóm tắt rồi ghi các bước giải ra giấy nháp. Làm như vậy các em sẽ đỡ mất thời gian chuyển nội dung từ tờ đề bài sang tờ giấy nháp.
5. Biết vận dụng linh hoạt phương pháp loại trừ đáp án và phương pháp thay ngược đáp án vào đề bài. Loại trừ là bằng cách phân tích, suy luận, các em có thể loại các đáp án sai, còn lại đáp án đúng. Phương pháp này thường dùng khi bài toán không cần thiết phải tính toán cụ thể và chi tiết, chỉ cần suy luận, vận dụng sự tỷ lệ thuận, tỷ lệ nghịch của các đại lượng vật lý… Phương pháp này giúp các em loại trừ nhanh câu sai, giữ lại câu đúng mặc dù không hiểu hết nội dung của câu đúng.
Phương pháp thay ngược đáp án vào đề bài: Trong một số câu hỏi Vật lý, các em có thể lần lượt thay các đáp án đã cho vào công thức để tìm ra đáp án đúng.
6. Biết vận dụng chức năng Shift Solve, Table (Mode 7), Số phức (Mode 2) của máy tính. Các em yếu về tính toán có thể dùng chức năng Shift Solve để giải bài tập. Một số bài tập liên quan đến tìm k (số nguyên) trong Chương 2, Chương 5, các em có thể dùng Table (Mode 7) để giải nhanh. Bài tập Tổng hợp dao động của Chương 1 thì có thể dùng Số phức (Mode 2) để giải.
7. Chú ý các hằng số Vật lý, đề sẽ cho biết đầy đủ: có thể cho từ lúc bắt đầu của đề, hay cũng có thể cho trong từng câu trắc nghiệm. Các em cũng có thể biết được những hằng số này trên nắp máy tính (hoàn toàn hợp lệ, không vi phạm quy chế thi).
8. Ngoài ra, khi chuẩn bị dụng cụ đi thi, các em nên mang theo vài cây bút chì đã gọt sẵn để “đề phòng bất trắc” lúc làm bài. Khi tô đáp án thì phải tô kín đáp án, không được tô cẩu thả hay tô quá mờ; khi bỏ chọn đáp án thì phải tẩy thật sạch để tránh trường hợp mất điểm đáng tiếc. Không nên gọt bút chì quá nhọn để việc tô đáp án nhanh hơn và tránh làm rách phiếu trả lời. Nên dùng một cục tẩy rời thay vì dùng tẩy ở đuôi bút chì để tiết kiệm thời gian.
9. Điều quan trọng nhất là các em phải đảm bảo sức khỏe thật tốt, luôn bình tĩnh và tự tin khi làm bài. Khi làm bài thi, không được hoang mang mà phải luôn bình tĩnh để tránh những sai sót đáng tiếc. Trước khi bước vào phòng thi không nên giải những bài quá khó, không nên tự làm rối bản thân bằng những câu hỏi quá lạ.
Chúc tất cả các em thi tốt và đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.