Nhiều chính sách tiết kiệm năng lượng có hiệu quả đã được các chuyên gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan chia sẻ trong hội thảo “Kinh nghiệm thực hiện các dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lượng ở Việt Nam và quốc tế” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ 10 thế giới về mức tiêu thụ năng lượng, mỗi năm quốc gia này phải nhập khẩu năng lượng (than đá, dầu hỏa, khí đốt…) tới 121,6 tỷ USD. Ông Jae Hoon Lee, một chuyên gia tiết kiệm năng lượng (TKNL) của nước này cho biết, chính phủ Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ 90% chi phí TKNL cho tất cả các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư cải tạo thiết bị để TKNL sẽ được Chính phủ cho vay ưu đãi hoặc hỗ trợ tối đa lên tới 90% mức chi phí.
Chính phủ nước này cũng rất quan tâm đến việc TKNL trong ngành xây dựng. Cụ thể, hiện nay, Hàn Quốc đã xây dựng bộ tiêu chuẩn về cửa sổ các tòa nhà phải là loại 2 lớp, tường cách nhiệt dày tối thiểu 7 cm. Nhưng đến năm 2025, cửa sổ các tòa nhà buộc phải làm bằng loại vật liệu có lớp cách nhiệt bằng chân không, tường cách nhiệt nâng từ độ dày 7 cm hiện nay lên 25 cm. Các giải pháp này nhằm giảm nhiệt lượng xâm nhập hoặc thoát ra khỏi tòa nhà, để trong nhà mùa hè luôn mát và mùa đông luôn ấm, giảm được điện năng tiêu thụ từ hệ thống máy điều hòa không khí.
Ông Yamaguchi Shunta đưa ra con số thống kê ấn tượng từ Nhật Bản. Trong năm 2010, Nhật Bản chi 101 triệu USD giới thiệu thiết bị năng lượng hiệu suất cao, 9,3 triệu USD tài trợ lãi suất vay vốn lắp đặt thiết bị tiết kiệm năng lượng quy mô lớn. Chính phủ nước này cũng đề ra chính sách ưu đãi về vốn, đất đai cho các doanh nghiệp sản xuất hoặc ứng dụng thiết bị TKNL.
Bài học từ Trung Quốc, Thái Lan
Bà Liu Jingru đến từ Viện nghiên cứu năng lượng Trung Quốc cho biết, mỗi năm, nước này tiết kiệm được 630 triệu tấn than. Từ năm 2005 đến 2010 giảm liên tục tỉ lệ năng lượng tiêu hao trên bình quân mỗi đơn vị sản phẩm. Nước này đã thông qua luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Trung Quốc còn có chính sách loại bỏ các dây chuyền sản xuất lạc hậu, đóng cửa nhà máy điện than nhỏ hoạt động không hiệu quả. Chính phủ cũng cung cấp và trợ giá đồ gia dụng tiết kiệm điện (bóng đèn compact, bóng đèn LED…) để khuyến khích người dân sử dụng.
Theo bà Liu Jingru, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã chi tổng cộng 404 tỷ USD cho các dự án phục vụ mục tiêu tiết kiệm năng lượng.
Một trong những nước có nhiều kinh nghiệm TKNL ở khu vực Đông Nam Á là Thái Lan. Đây cũng là một trong những nước phải nhập khẩu nhiều năng lượng. Năm 2010, nước này đã chi khoảng 230 triệu USD để nhập điện, gần 1,3 tỷ USD để nhập than, xăng dầu và khí tự nhiên gần 3 tỷ USD, riêng dầu thô là 24,5 tỷ USD. Nhờ có giải pháp và chính sách tiết kiệm năng lượng hiệu quả nên mỗi năm nước này tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD chi phí nhập khẩu năng lượng.
Bà Amaraporn Achavangkool - Vụ Năng lượng hiệu quả, Bộ Năng lượng Thái Lan cho biết, để tiết kiệm được khoản tiền ấy, Thái Lan đã áp dụng rất nhiều chính sách, biện pháp như Chính phủ cùng đầu tư, cho vay ưu đãi, ưu đãi thuế, tài trợ dự án đầu tư sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả …
Nhiều ngân hàng tại Thái Lan cũng sẵn sàng cho người có nhu cầu đầu tư cải tiến thiết bị TKNL vay vốn với lãi suất cố định tối đa là 4%/năm trong vòng 7 năm; Nhà sản xuất thiết bị TKNL được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong năm 2012, Chính phủ Thái Lan đã có kế hoạch chi 261 triệu USD từ quỹ TKNL để hỗ trợ các dự án TKNL. Hiện nay Thái Lan có 63 dự án TKNL đã được đầu tư với tổng kinh phí 182 triệu USD. (Lê Quân)
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)