Bị rắn cắn, anh công nhân cắn lại chết rắn

Trí Đỗ
Trí Đỗ
06/07/2024 12:19 GMT+7

Một người đàn ông ở Ấn Độ đã cắn chết một con rắn sau khi nó tấn công ông ta.

Công nhân đường sắt Santosh Lohar, 35 tuổi, đang làm việc tại một vùng rừng gần thành phố Nawada ở Bihar (Ấn Độ). Tường thuật lại vụ việc xảy ra vào tối 2.7, ông Lohar chuẩn bị đi ngủ, thì con rắn đột nhiên tấn công ông. Phản ứng lại, ông Lohar nhanh chóng tóm lấy con rắn và cắn nó 2 lần. Con rắn chết ngay sau đó.

Bị rắn cắn, anh công nhân cắn lại chết rắn- Ảnh 1.

Một cậu bé tạo dáng chụp ảnh với một con rắn hổ mang ở tại bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) ngày 9.11.2016.

REUTERS

Ở một số vùng của Ấn Độ, có một quan niệm mê tín rằng việc cắn rắn sẽ truyền nọc độc trở lại loài bò sát này. "Ở làng tôi, người ta tin rằng nếu bị rắn cắn, bạn phải cắn lại nó 2 lần để trung hòa nọc độc", ông Lohar nói với báo India Today.

Loài rắn đã cắn ông Lohar vẫn chưa được xác nhận.

Sau vụ việc, ông Lohar được các đồng nghiệp đưa đến bệnh viện. Ông đã được tiêm huyết thanh kháng nọc độc và đáp ứng tốt với phương pháp điều trị. Ông Lohar được xuất viện vào ngày hôm sau, tờ Times of India đưa tin.

Ấn Độ từ lâu là nơi sinh sống của nhiều loài rắn khác nhau, bao gồm một số loài có nọc độc cao. Một số loài rắn nguy hiểm nhất của đất nước này bao gồm rắn hổ mang Ấn Độ (còn gọi là rắn hổ mang đeo kính), rắn cạp nong, rắn lục Russell và rắn lục vảy cưa.

Lính cứu hỏa Bangkok bắt rắn nhiều hơn chữa cháy

Theo nghiên cứu trên tạp chí Conservation Science and Practice, có 1,2 triệu ca tử vong do rắn cắn ở Ấn Độ (trung bình 58.000 ca mỗi năm) từ năm 2000 - 2019. Nọc độc của những loài rắn này thường chứa chất độc thần kinh, gây ra các triệu chứng như mờ mắt, sụp mí mắt, khó thở, đau, sưng, bầm tím và xuất huyết.

Hầu hết các trường hợp tử vong và hậu quả nghiêm trọng do bị rắn cắn (phơi nhiễm với độc tố từ vết cắn) có thể tránh được bằng cách tiếp cận kịp thời với thuốc giải độc an toàn và hiệu quả, theo nghiên cứu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.