Bộ phim siêu anh hùng châu Á đầu tiên của Marvel chào sân trong tuần lễ lao động ở Mỹ, vốn được xem là thời điểm không mấy thuận lợi để ra mắt phim. Thế nhưng theo dữ liệu từ Box Office Mojo, mới 5 ngày công chiếu, Shang-chi and the Legend of the Ten Rings đã thu về 94 triệu USD chỉ tính riêng tại phòng vé Bắc Mỹ - một thành tích đáng nể xét trong bối cảnh xứ cờ hoa còn khốn đốn vì biến chủng Delta.
Bên cạnh kỷ lục phòng vé đã đẩy lùi mọi hoài nghi, Shang-chi tiếp tục nhận được cơn mưa lời khen từ những cây bút phê bình trên các trang điện ảnh uy tín. Thành tích khả quan của Shang-chi không chỉ mở ra hy vọng cho những bộ phim kế tiếp thuộc Vũ trụ điện ảnh Marvel mà còn dọn đường cho các nhà sản xuất tự tin hơn khi đưa phim trở lại rạp. Nhưng điều gì tạo nên thành công của Shang-chi bất chấp nhiều trở ngại bủa vây?
Kế hoạch công chiếu mạo hiểm
Sau Spider-Man: Far From Home, Shang-chi là phim siêu anh hùng Marvel kế tiếp ra mắt tại rạp 45 ngày rồi mới được đưa lên nền tảng trực tuyến Disney+, khác với cách phát hành song song của những phim Disney gần đây. Khi các rạp chiếu phim đóng cửa hoặc cắt giảm suất chiếu, Disney+ trở thành một lối thoát cho "nhà Chuột", đặc biệt là khi kho dự trữ các bộ phim bị trì hoãn ngày càng chồng chất. Đăng ký tài khoản Disney+, bất cứ ai cũng có thể ngồi nhà xem các phim Disney mới nhất với giá 30 USD.
Phát hành tại rạp lẫn Disney+ có lẽ là phương án an toàn cho những hãng phim trong thời điểm hiện tại, thế nhưng phương án này cũng có không ít điểm bất cập, thể hiện qua trường hợp Black Widow trong tháng 7. Dù vượt Shang-chi khi chào sân với thành tích 80 triệu USD trong ba ngày đầu tiên, doanh thu phòng vé của Black Widow lại trượt dài vào cuối tuần đầu phát hành, dẫn đến việc minh tinh Scarlett Johansson kiện "nhà Chuột". Nữ diễn viên sinh năm 1984 cho rằng chiến lược phát hành song song làm ảnh hưởng đến thu nhập của cô. Được đưa lên nền tảng trực tuyến từ sớm, bom tấn hành động của Scarlett Johansson cũng dễ bị phát tán trên các website phim lậu, khiến sức hút phòng vé của bộ phim giảm đáng kể.
|
Trước tình hình Black Widow không thành công như dự kiến, Disney phải mạo hiểm với những phương án mới. CEO Disney Bob Chapek gọi kế hoạch phát hành Shang-chi là "một thử nghiệm thú vị", giúp "nhà Chuột" thu thập dữ kiện để lên chiến lược phát hành các tựa phim tương lai.
Qua trường hợp Shang-chi, cuộc thử nghiệm 45 ngày của Disney bước đầu cho thấy nhiều người vẫn sẵn sàng đến rạp chiếu để thưởng thức bộ phim yêu thích, nhất là khi những bom tấn hành động càng phải được xem trên màn ảnh rộng.
Câu chuyện dành cho người Mỹ gốc Á
Kịch bản phim Shang-chi and the Legend of the Ten Rings tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều. Tâm điểm chuyện phim là cuộc đối đầu giữa siêu anh hùng Shang-chi với cha mình - The Madarin (tài tử Lương Triều Vỹ thủ vai). Dù được cha nuôi dạy để trở thành một sát thủ, Shang-chi lại đến Mỹ sống một cuộc đời thầm lặng, chối bỏ di sản của gia đình. Khán giả Trung Quốc cho rằng mô típ cha con xung đột nhau là một cách khai thác câu chuyện quá sáo mòn, thể hiện cái nhìn hạn hẹp của nhà làm phim phương Tây về con người và thế giới Á Đông.
|
Cây bút Alex Abad-Santos trên Vox lại có ý kiến khác. Người này nhận xét cách tiếp cận chủ nghĩa anh hùng trong Shang-chi khác hẳn Iron Man hay Captain America. Những siêu anh hùng Mỹ tự tin và điềm nhiên chấp nhận trọng trách cứu thế giới, không bao giờ phủ nhận vai trò của mình. Trong khi đó, Shang-chi tìm cách thoát khỏi di sản mà bố mình để lại. Gia đình anh sở hữu tổ chức tội phạm quyền lực hàng đầu thế giới. Ác nhân The Mandarin/Văn Vũ - bố của Shang-chi không thể hiểu vì sao con mình từ chối chấp nhận quyền lực đó. Vox cho rằng câu chuyện của Shang-chi là một ngụ ngôn về bản sắc và sự đồng hóa, cho thấy một siêu anh hùng với những trăn trở đậm tính người.
Vox cũng chỉ ra những chi tiết tinh tế như Katy - cô bạn của Shang-chi không dám nói ra tên tiếng Hoa của mình. Chi tiết này phản ánh nỗ lực của những thiếu niên người Mỹ gốc Á cố gắng quên đi nguồn cội để hòa nhập cùng cộng đồng mới. Tuy vậy, họ vẫn không thể thích nghi hoàn toàn với văn hóa Mỹ và xa lạ với chính quê hương của bố mẹ mình. Một kịch bản như vậy giống như "con dao hai lưỡi", có thể nhận được đồng cảm từ khán giả gốc Á sống ở Mỹ nhưng người bản địa sẽ có cách nhìn nhận khác.
Hiệu ứng đảo chiều
Theo Screenrant, Shang-chi có kinh phí chỉ 150 triệu USD, tương đối thấp so với những bom tấn siêu anh hùng Marvel gần đây. Disney duy trì chiến lược giữ cho bộ phim một diện mạo khiêm tốn, không hề đẩy cao sự kỳ vọng của người xem. Có thể nói, Shang-chi and the Legend of the Ten Rings gần như là "con ngựa đen" trong số những bom tấn siêu anh hùng giai đoạn 4 của Marvel.
Nhận xét chung về Shang-chi and the Legend of the Ten Rings hầu hết là "hay hơn mong đợi". Tâm lý của khán giả là yếu tố rất quan trọng khi xét đến chiến thắng phòng vé bất ngờ của bộ phim. Có lẽ vì chứng kiến quá nhiều lùm xùm vây quanh bộ phim về siêu anh hùng gốc Á, nhiều khán giả quyết định giữ kỳ vọng ở mức thấp nhất có thể. Vậy nên họ bất ngờ khi thấy bộ phim được làm mát tay hơn những gì mình hình dung, với một kịch bản chỉn chu và những cảnh hành động mãn nhãn.
Với những yếu tố kể trên, việc Shang-chi đại thắng phòng vé giai đoạn đầu có lẽ đã nằm trong tính toán của Disney/Marvel. Bộ phim hiện được giới phê bình chấm 93% độ tươi trên Rotten Tomatoes, khán giả chấm 8/10 trên IMDb.
Bình luận (0)