Bí sử dòng họ - Kỳ 3: Vị phó soái bị lãng quên

07/01/2015 03:00 GMT+7

Con cháu tộc Lê ở làng Nhân Ân (xã Phước Thuận, H.Tuy Phước, Bình Định) cho rằng ông tổ đời thứ 6 của mình tên Lê Tuyên là phó tướng của nghĩa quân Cần Vương tại Bình Định nhưng không được sử sách nhắc đến.

Con cháu tộc Lê ở làng Nhân Ân (xã Phước Thuận, H.Tuy Phước, Bình Định) cho rằng ông tổ đời thứ 6 của mình tên Lê Tuyên là phó tướng của nghĩa quân Cần Vương tại Bình Định nhưng không được sử sách nhắc đến.

Bí sử dòng họ - Kỳ 3: Vị phó soái bị lãng quên Bức bình phong trước ngôi mộ con chiến mã Kim Bông - Ảnh: Hoàng Trọng
Giết cọp bị tước bằng tiến sĩ võ
Thủy tổ của họ Lê ở Nhân Ân là ông Lê Văn Nhưng, hậu duệ nhà Hậu Lê ở Lam Sơn (Thanh Hóa) theo chúa Nguyễn Hoàng di cư vào nam từ năm 1558. Đến đời thứ 6, thời của ông Lê Tuyên, còn có tên là Lê Văn Trang (người dân hay gọi là ông Bá Mười), thì họ Lê ruộng đất cò bay thẳng cánh, rất giàu có.
Ông Lê Văn Nhiên (77 tuổi, hiện ở P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn, Bình Định), cháu 4 đời của ông Lê Tuyên, kể: Ông Tuyên sinh năm Mậu Tuất (1838). Năm Tự Đức 21 (1868), ông thi đỗ võ cử nhân tại trường thi Bình Định rồi tiếp tục đậu tiến sĩ võ ở Huế. Được vua cho về thăm nhà trước khi nhậm chức, nhưng khi đến Đèo Nhông (nay thuộc H.Phù Mỹ, Bình Định) thì bị cọp tấn công, ông Lê Tuyên liền đánh chết cọp. Người trong vùng rất biết ơn ông đã trừ hại cho dân. Câu chuyện lan rộng, và khi triều đình Huế nghe tin đã kết tội ông là phản sư (người học võ gọi cọp bằng thầy) nên hạ chỉ thu hồi bằng tiến sĩ võ của ông Lê Tuyên.
Khi về làm thứ dân, ông Tuyên mở lò dạy võ tại nhà. Là người văn võ toàn tài nên người theo học ông Tuyên rất đông, trong đó có 2 người nổi tiếng về sau là Võ Trứ và Ma Văn Tiết. Hưởng ứng chiếu chỉ Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông Đào Doãn Địch (ở làng Tùng Giản, xã Phước Hòa, H.Tuy Phước) và ông Lê Tuyên chiêu mộ dân binh, luyện tập võ nghệ. Khi quân số hơn 600 người, hai ông làm lễ tế cờ ra quân, cờ đề bốn chữ “Cần Vương Cử Nghĩa”. Đào Doãn Địch được suy tôn làm nguyên soái, Lê Tuyên làm phó soái. Hai học trò xuất sắc của ông Lê Tuyên là Võ Trứ và Ma Văn Tiết cũng được cử làm chỉ huy nghĩa binh dưới quyền hai vị chủ soái và phó soái.
Con ngựa có nghĩa
Ông Nhiên kể tiếp: Để có một con chiến mã xông pha trận mạc, ông Lê Tuyên sai Võ Trứ vào chân đèo Cù Mông mua một con ngựa quý tên Kim Bông. Ông rất yêu quý con ngựa này và tự tay chăm sóc nó chứ không giao cho binh sĩ dưới quyền. Trong những trận đánh nhau với quân Pháp và tay sai, con Kim Bông và chủ tướng Lê Tuyên gắn bó với nhau như hình với bóng.
Nghĩa quân Cần Vương do ông Đào Doãn Địch và Lê Tuyên chỉ huy phục kích đánh thắng quân Pháp được vài trận ở Trường Úc (Tuy Phước), Cẩm Văn (An Nhơn), Phú Gia (Phù Cát), Chánh Thiện (Phú Phong)... Nhưng khi giặc Pháp tăng cường lực lượng, vũ khí hiện đại để phản công thì nghĩa quân dần thất bại. Ông Đào Doãn Địch bị bệnh nặng nên giao quyền chỉ huy nghĩa quân cho Mai Xuân Thưởng trước khi qua đời. Bản doanh nghĩa quân được chuyển lên Phú Phong (nay thuộc H.Tây Sơn, Bình Định). Ông Lê Tuyên vẫn giữ chức phó soái, được giao phụ trách huấn luyện hai đội dũng sĩ Sơn Hùng và Sơn Dũng.
Năm 1887, lực lượng Cần Vương ở Bình Định bị thực dân Pháp đánh bại. Không bắt được chủ soái Mai Xuân Thưởng, ông Lê Tuyên và nhiều chỉ huy nghĩa quân khác, bọn Pháp bắt người trong gia đình, người trong làng để uy hiếp: nếu không nộp mình sẽ bị giết sạch gia đình, cả họ, cả làng. Không để nhiều người chết oan, các ông Mai Xuân Thưởng, Lê Tuyên ra nộp mình chịu chết. Ngày 15 tháng 4 năm Đinh Hợi (1887), bọn Pháp hành hình các ông Mai Xuân Thưởng, Lê Tuyên và 8 tướng lĩnh khác của nghĩa quân tại chợ Gò Chàm gần thành Bình Định. Đầu của 10 vị tướng này bị thực dân Pháp bêu ở cửa đông thành Bình Định hòng răn đe những người yêu nước khác.
Hai học trò của ông Lê Tuyên tham gia Cần Vương đều thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù. Về sau, ông Võ Trứ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Phú Yên. Còn ông Ma Văn Tiết đến thành Bình Định cướp được thi thể và thủ cấp của ông Lê Tuyên đem về, sau đó được gia đình bí mật đem chôn tại núi Huỳnh Mai (ở xã Phước Nghĩa, H.Tuy Phước), bia mộ ghi bằng mật ngữ. Sau khi ông Lê Tuyên bị hành hình, con chiến mã Kim Bông cũng bỏ ăn cho đến chết. Thương con chiến mã có nghĩa, người nhà họ Lê chôn cất, xây mộ tại nghĩa trang tộc Lê ở Gò Đình như người thân trong gia đình.
Trong các sách Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn và nhiều tài liệu về phong trào Cần Vương không thấy nhắc đến tên ông Lê Tuyên. Chính sử cũng không nhắc đến chuyện ông Lê Tuyên thi đậu Tiến sĩ võ ở Huế năm Tự Đức thứ 21 và sau đó bị thu hồi bằng. Sau Cách mạng Tháng 8.1945, Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Phước Thuận đổi tên làng Nhân Ân thành làng Lê Tuyên, sau đó rất nhiều năm mới lấy lại tên làng Nhân Ân. Mới đây, tháng 8.2013, UBND tỉnh Bình Định có quyết định đặt tên đường Lê Tuyên ở phường Bùi Thị Xuân (TP.Quy Nhơn).
“Ông tổ chúng tôi là người có nghĩa khí, đã hy sinh vì lợi ích quốc gia, dân tộc nhưng không có sách sử nào nhắc đến. Giữa năm 2013, tôi thay mặt gia tộc gửi đơn đến UBND tỉnh Bình Định và UBND H.Tuy Phước đề nghị nghiên cứu, công nhận công lao của ông Lê Tuyên nhưng đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh gì”, ông Nhiên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.