Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, trong năm 2023 Bình Thuận đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%, tổng số khách du lịch tăng 46% (doanh thu tăng 63% là tỉnh trong top có doanh thu từ du lịch lớn nhất cả nước), nông nghiệp tăng 3,3% tức "tăng trưởng cả 3 trụ cột của nền kinh tế".
Đáng chú ý, tăng trưởng GRDP đạt 8,1%, xếp thứ 14/63 tỉnh thành và thu ngân sách đạt trên 10.000 tỉ đồng. Nhiều công trình được đầu tư, các khó khăn trước đây trong bất động sản, quy hoạch, hạ tầng được tháo gỡ "ngoài sự mong đợi".
Phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế
Mặc dù đạt được khá nhiều kết quả trong năm 2023, nhưng theo ông Dương Văn An, nền kinh tế của Bình Thuận phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Đó là nông nghiệp tăng trưởng chậm, giá trị chưa cao, sản phẩm chưa phong phú. Phát triển thủy sản còn yếu, còn có tàu cá vi phạm IUU. Huy động GRDP vào thu ngân sách đạt 8,1%, thấp hơn nhiều so với cả nước (15,7%). Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11 chỉ đạt 64%, quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản còn yếu kém, nhiều đơn thư chậm giải quyết, gây bức xúc cho người dân.
Việc cải cách thủ tục hành chính chưa có kết quả rõ rệt. "Trong xử lý công việc của cơ quan quản lý nhà nước có nhiều nội dung không đúng nơi; việc trả lời của cơ quan có thẩm quyền còn chung chung, không rõ nội dung hoặc chậm trễ thời gian dài, nguyên nhân cốt lõi là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm", ông An nêu.
Cũng theo ông An, năm 2024 vẫn sẽ là một năm đầy thách thức của nền kinh tế. Số người rút BHXH một lần lên đến 14.000 người, tăng tới 24,7%.
Trong bối cảnh "sau một năm đầy sóng gió" khi nhiều cán bộ bị bắt giam, bị kỷ luật, năm 2023 số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể vẫn tăng cao. Ngân sách của tỉnh "thu không đủ chi, vẫn phải nhờ hỗ trợ của ngân sách T.Ư đến 20%" theo Bí thư Bình Thuận.
Đặc biệt, trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục các kết luận sau thanh tra, kiểm tra còn chậm và lúng túng. Việc giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế còn chậm; việc thu hồi tài sản tham nhũng bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế đạt thấp.
"Bỏ ra một đồng đầu tư công, phải thu về nhiều đồng đầu tư tư"
Theo ông Dương Văn An, mục tiêu tăng trưởng của năm 2024, GRDP vẫn là từ 7,5%, quy mô nền kinh tế đạt trên 110.000 tỉ đồng, riêng thu ngân sách trên 10.000 tỉ đồng; với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; "bỏ ra một đồng đầu tư công, phải thu về nhiều đồng đầu tư tư".
Các công trình "dẫn dắt" đầu tư của tỉnh được kể đến là: KCN Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức, kho cảng khí LNG Sơn Mỹ, nhà máy điện khí LNG; Cảng hàng không Phan Thiết, các dự án đô thị - du lịch trong đề án Khu du lịch quốc gia Mũi Né…
"Chúng ta có nhiều dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng chỉ khi các dự án này triển khai, nghĩa là bỏ tiền ra thì mới đóng góp vào GRDP. Chứ dự án lớn mà để 5 năm, 10 năm không triển khai thì không có ý nghĩa gì", ông An nhấn mạnh.
Cũng theo ông An, Bình Thuận được hưởng lợi rất lớn từ 2 tuyến cao tốc đi qua tỉnh, có đường ven biển được đầu tư bằng vốn đầu tư công. Nếu không thúc đẩy được đầu tư tư thì đầu tư công sẽ không có ý nghĩa.
Quá trình đó, Bình Thuận vẫn xác định "3 trụ cột chính" là năng lượng, du lịch và nông nghiệp như nghị quyết của Tỉnh ủy.
Đối với lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, Bí thư Bình Thuận nhấn mạnh: "Cải thiện thái độ, chất lượng, hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, khuyến khích cán bộ, công chức làm việc bằng trách nhiệm; thật sự tâm huyết với công việc. Phương châm là làm hết việc chứ không hết giờ; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, sự phát triển của tỉnh làm thước đo để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, từng cán bộ", ông An nhấn mạnh.
Bình luận (0)