Tuần qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị có chuyến "vi hành" gây sự chú ý của dư luận. Ông đã lên một chuyến xe buýt đầy ắp người vào giờ đi làm và phải vịn tay đứng như nhiều người lên sau. Qua đó, có thể ông cũng thấu hiểu phần nào sinh hoạt của những người mà theo ông “thường là người có thu nhập thấp”...
Nhưng chuyến xe đó chỉ mới là xe của tuyến đường được ngân sách thành phố trợ giá vận chuyển khách công cộng. Mong rằng tới đây, ông Nghị tiếp tục có những chuyến "vi hành" như vậy nữa trên những tuyến xe buýt của Hà Tây cũ chưa được hưởng trợ giá thì tốt quá. Bí thư chắc hẳn sẽ hiểu thêm nỗi lòng của "người Hà Nội 2" ra sao.
Nếu ở TP.HCM, HĐND chất vấn và "ốp" chính quyền rốt ráo, quyết liệt mỗi khi bàn để mở tuyến xe buýt thì xem ra, Hà Nội lại chậm trễ và "sức ỳ" nặng nề đối với địa bàn Hà Tây cũ. Năm 2005, TP.HCM chi cho việc trợ giá cước vận chuyển khách công cộng khoảng 500 tỉ đồng; năm 2012 là trên 1.200 tỉ thì năm 2013 con số này là trên 1.400 tỉ đồng. Vậy mà lãnh đạo cũng như người dân vẫn chưa thật hài lòng với nhu cầu dịch vụ tiện ích ngày càng cao cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh của thành phố mang tên Bác.
Còn tại thủ đô Hà Nội? Con số đó là 853 tỉ (năm 2011); 995 tỉ (năm 2012) và 1.061 tỉ (năm 2013) và đúng là cũng có hiệu quả nhất định. Song, con số đó lại chưa nói được điều gì nếu được biết, trong các bước chuyển động của Hà Nội mở rộng, nó vẫn ở thế "rùa bò" khi các tuyến giao thông thuộc Hà Tây cũ, cơ bản vẫn chưa được trợ giá vận chuyển khách công cộng.
Khi báo chí lên tiếng về tình trạng bất cập của một thủ đô được đánh giá là thuộc loại rộng của thế giới (trên 3.300 km2) sau sáp nhập, những tưởng người dân Hà Tây sẽ được hưởng nhiều ưu đãi và khắc phục nhanh. Song, sau 6 năm, cả chục huyện, thị của Hà Tây khi xưa với trên 2 triệu dân cơ bản vẫn phải ngậm ngùi bởi là phận của "người Hà Nội 2", hầu như họ vẫn chưa được trợ giá cước cho 12 tuyến xe buýt đang vận hành. Họ phải đi xe với giá cao gấp 2 - 3 lần so với các tuyến xe buýt được trợ giá.
Với dân số gần 7 triệu, thủ đô Hà Nội thuộc các thành phố đông dân bậc nhất Đông Nam Á. Nhưng với một cơ sở hạ tầng không đồng bộ như hiện nay, bài toán kẹt xe không dễ một sớm một chiều hóa giải nếu không có nhiều biện pháp cùng tiến hành mạnh mẽ, trong đó có việc tăng cường phương tiện vận tải công cộng cũng như trợ giá cước vận chuyển khách công cộng.
Hành Thiện
Bình luận (0)