Sau buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã trực tiếp xuống bãi rác Đông Thạnh, kiểm tra công nghệ xử lý rác, từ đó 5có hướng xử lý để không ảnh hưởng đến đời sống người dân ở đây.
Trước đó nhiều cử tri đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm của bãi rác Đông Thạnh.
Cử tri Đinh Thanh Giảng, cho biết bãi rác Đông Thạnh dù chưa có giấy phép nhưng từ năm 1993 đã hoạt động. Một bất cập là trong khi chưa xử lý hết, bãi rác này lại nhận thêm rác ở Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương, Tiền Giang về xử lý. Năm 2013, người dân địa phương bắt quả tang có xe đổ 1.300 tấn thuốc trừ sâu để chôn lấp, có biên bản ghi lại vụ việc.
Cử tri Đinh Thanh Giảng phản ánh về ô nhiễm ở bãi rác Đông Thạnh - Ảnh: Trung Hiếu
|
“Cách đây nửa tháng, chúng tôi xuống ấp 5 của xã Đông Thạnh. Tại đây có gia đình 5 người chết vì ung thư. Về bãi rác này, người dân đã kêu từ xã, huyện, TP đến TƯ mà cũng không giải quyết được. Chi phí để người dân thu thập in ấn tài liệu đủ để xây cả căn nhà. Nguồn nước ở gần bãi rác ô nhiễm quá nặng không sử dụng được. Đề nghị Bí thư Thăng xem xét, nghiên cứu, giúp đỡ nhân dân. Người dân khám bệnh còn không có tiền...”, ông Giảng bức xúc.
|
Ông Đinh La Thăng đã đề nghị ông Lê Tuấn Tài, Chủ tịch UBND H.Hóc Môn trả lời bức xúc của người dân và hỏi tại sao người dân nhiều lần phản ánh mà không giải quyết.
Ông Tài thừa nhận bãi rác Đông Thạnh gây ô nhiễm cho người dân. UBND huyện cũng nhiều lần có công văn kiến nghị ngừng đổ rác nhưng chưa giải quyết được.
Ông Thăng hỏi: “Có kiến nghị rồi phải không, lâu chưa?”. Ông Tài đáp: “Kiến nghị rồi. Lúc đó anh Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch UBND TP - PV) chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường lập hội đồng khoa học nghiên cứu tình trạng ung thư ở khu vực này. Nhưng hiện tại vẫn chưa có giải pháp căn cơ và vẫn tiếp tục kiến nghị cho bà con...”.
Ông Thăng nói: “Vậy nước thải gây ô nhiễm ở rạch Cầu Dừa, huyện có ý kiến giải quyết chưa? Rạch đó dài bao nhiêu, nạo vét thì mất bao nhiêu tiền?”. Ông Tài cho biết kinh phí dự kiến khoảng 6 tỉ đồng.
“6 tỉ đồng mà như 6 tỉ đô la, hàng năm trời không làm được. Tôi phê bình Chủ tịch huyện không bám sát cuộc sống của dân. Các anh phải nghĩ hằng ngày mình đang chịu ảnh hưởng từ bãi rác từ rạch Cầu Dừa, phải nghĩ đến đời sống của dân để làm tốt hơn. Từ 2013 đến giờ mà vẫn chưa giải quyết được. Tôi về đây 3 tháng mà có nghe các anh có nói gì đâu”, ông Thăng nói.
Ông Thăng nói tiếp: “Làm Chủ tịch huyện luôn nhớ những gì phải làm cho dân. Hôm nay tôi phê bình Chủ tịch huyện. Vì dân vì nước ở đây chứ ở đâu nữa. Anh Cư (ông Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn - PV) mới về làm Bí thư huyện thì thôi, còn trách nhiệm ở đây là của anh Tài vì anh làm ở đây lâu năm. Văn phòng Thành ủy làm văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường cùng Q.12, H.Hóc Môn kiểm tra dự án bãi rác, rạch Cầu Dừa, nếu không đảm bảo môi trường, yêu cầu dừng ngay”.
Ông Thăng cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Công ty môi trường đô thị. “Công ty môi trường đô thị mà làm mất môi trường như thế thì phải đổi thành công ty phá hoại môi trường. Mọi việc phải báo tôi trước ngày 16.5. Tôi thay mặt TP xin lỗi người dân vì để xảy ra như thế”, ông Thăng nói.
Ông Thăng cũng giao Sở Y tế tổ chức kiểm tra sức khỏe miễn phí cho người dân ở gần bãi rác và khu vực lân cận để theo dõi sức khỏe cho người dân. Nếu bãi rác có gây ung thư, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân thì phải thông báo cho người dân biết.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND H.Hóc Môn Lê Tuấn Tài cho biết, trên thực tế rác ở bãi Đông Thạnh xử lý bằng công nghệ đốt chứ không phải chôn lấp như phản ánh. Hiện nhà máy chỉ xử lý chủ yếu rác thải y tế. Về việc cử tri phán ánh rác được chôn lấp, ông Tài cho biết trước đây Bộ Tài Nguyên - Môi trường cũng từng cho phép thí điểm nhưng huyện và người dân phản đối nên không triển khai.
Bình luận (0)