Bí thư Đoàn tình nguyện 'cõng' chữ dọc miền biên viễn

08/05/2023 08:30 GMT+7

Cách trường chính 50 km, đường vừa xa vừa khó đi nhưng cô Y Dung, Bí thư Đoàn Trường tiểu học và THCS Nguyễn Tất Thành (xã Ia Tơi, H.Ia H'Drai, Kon Tum) vẫn tình nguyện xin về điểm trường để dạy học cho trẻ em vùng sâu.

Năm 2018, sau khi ra trường, cô Y Dung nộp đơn xin vào dạy học ở Trường tiểu học và THCS Nguyễn Tất Thành, cách nhà khoảng 100 km.

Những ngày đầu nhận công tác, quãng đường xa xôi cũng không thể cản được bước chân cô Y Dung. Cô Dung bảo rằng cô là người dân tộc Hà Lăng. Sinh ra và lớn lên ở huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum), nên cô hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của học sinh vùng sâu, vùng xa. Và chính sự đồng cảm ấy đã thôi thúc cô giáo trẻ này trên hành trình "cõng" chữ dọc miền biên viễn.

Bí thư Đoàn tình nguyện 'cõng' chữ dọc miền biên viễn - Ảnh 1.

Cô giáo trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa dạy học

Đức Nhật

Ba năm giảng dạy tại trường chính, bằng sự nhiệt huyết, năng động của mình, cô Y Dung được bầu làm Bí thư Đoàn Trường tiểu học và THCS Nguyễn Tất Thành. Ngoài thời gian giảng dạy, cô Dung còn thường xuyên tổ chức các hoạt động nhặt rác, dọn vệ sinh, tham mưu cho ban giám hiệu tổ chức các hoạt động đoàn thể để tạo sân chơi cho cán bộ giáo viên trong nhà trường, hoặc vận động quyên góp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Năm học 2022 - 2023, với mong muốn cống hiến sức trẻ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, cô Y Dung xung phong vào điểm trường thôn Ia Đơr (thuộc Trường tiểu học và THCS Nguyễn Tất Thành) dạy chữ. Điểm trường cách trường chính 50 km, đường lởm chởm đất đá rất khó đi, nên hành trình dạy chữ của cô Dung đã khó khăn lại càng vất vả hơn.

"Mình còn trẻ nên đi đâu cũng được và không cảm thấy khó khăn. Mình chỉ quan tâm các em được đi học, biết đọc và biết viết. Niềm hạnh phúc lớn nhất của mình có lẽ là vào mỗi dịp 8.3 hay 20.11. Không như ở các nơi khác, học sinh ở đây ra rừng hái hoa dại tặng cô. Những món quà này vừa gần gũi, bình dị mà lại rất chân thành", cô Y Dung tâm sự.

Thôn Ia Đơr là vùng đất "pha trộn" của nhiều dân tộc, do đó các em khi đến lớp cũng thường sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình nên giáo viên gặp khá nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với học sinh. Thế nhưng cô Y Dung thì khác, là người đồng bào dân tộc thiểu số nên cô có thể hiểu được những gì học sinh bày tỏ, từ đó cô giáo trẻ có những phương pháp giảng dạy hiệu quả.

Để làm quen với học trò, cô Y Dung tổ chức nhiều hoạt động "chơi mà học" bằng ngôn ngữ hình thể. Dần dần các em hào hứng và bắt chước theo nên cô trò gần gũi và cởi mở với nhau hơn. Từ những trò chơi, giao tiếp gần gũi, cô Dung đã khơi gợi hứng thú học tập cho học trò.

Ông Quách Văn Vương, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Nguyễn Tất Thành, cho biết toàn trường có 5 điểm trường, trong đó điểm trường thôn Ia Đơr xa và khó khăn nhất. Một số giáo viên nhà xa, ở H.Sa Thầy hoặc TP.Kon Tum, cách trường hơn 150 km nên việc đi lại rất vất vả.

Theo ông Vương, cô Y Dung là giáo viên kiêm nhiệm Bí thư Đoàn trường. Trong quá trình dạy học, cô Dung rất nhiệt tình, có năng lực chuyên môn. Vừa qua, cô Dung xuất sắc đoạt giải nhì Hội thi giáo viên giỏi cấp huyện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.