Bí thư Hà Nội: Cần cơ chế tương ứng khi giao quyền mạnh hơn cho thủ đô

14/07/2023 21:10 GMT+7

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, khi xây dựng luật Thủ đô sửa đổi phải rút kinh nghiệm từ hạn chế của luật Thủ đô 2012, phải có cơ chế đặc thù, vượt trội cho thủ đô phát triển; giao quyền mạnh hơn cho thủ đô, nhưng phải có cơ chế tương ứng để thủ đô thực hiện…

Chiều 14.7, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo luật Thủ đô sửa đổi, làm việc với ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng dự án luật Thủ đô sửa đổi.

Bí thư Hà Nội: Cần cơ chế tương ứng khi giao quyền mạnh hơn cho thủ đô - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

KHẮC HIẾU

Tại buổi làm việc, Bí thư Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công việc của các cơ quan liên quan vì trong một thời gian rất ngắn đã hoàn thành bản thảo với nội dung đã thể hiện được một số cơ chế có tính khả thi. "Bản thảo lần này có chất lượng tốt hơn hẳn phiên bản trước đó", ông Dũng đánh giá.

Lưu ý một số nhiệm vụ, vấn đề cần tiếp tục quan tâm thực hiện trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, luật Thủ đô chỉ có một, đồng thời có ý nghĩa đặc biệt, nên các cơ quan, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đóng góp để hoàn thiện hơn nữa dự thảo luật. Phải rút kinh nghiệm từ hạn chế của luật Thủ đô 2012 và thể hiện được yêu cầu mà Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra là có cơ chế đặc thù, vượt trội cho thủ đô phát triển.

Bí thư Đinh Tiến Dũng cho rằng, mấu chốt là phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho thủ đô, nhưng phải có cơ chế tương ứng để thủ đô thực hiện; phải nhận thức rõ rằng, phát triển thủ đô không phải trách nhiệm của riêng thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước; không chỉ huy động nguồn lực trong nước mà còn phải huy động cả nguồn lực ngoài nước.

Ngoài ra, luật Thủ đô sửa đổi phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ...

"Vừa rồi, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo QL6 nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết từ cuộc sống, thành phố đã bố trí kinh phí để thực hiện. Đối với các dự án cầu bắc qua sông Hồng theo quy hoạch, trước hết các cầu theo tuyến đường Vành đai 4 hay đầu tư 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch mà không có cơ chế tài chính cho Hà Nội chủ động thực hiện thì rất khó đẩy nhanh được tiến độ", ông Dũng bày tỏ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý một số nội dung mang tính kỹ thuật và vấn đề cần thiết để thống nhất nhận thức như: việc sử dụng từ "thủ đô" bảo đảm thống nhất, xuyên suốt vì đây là luật Thủ đô; nêu khái niệm "thành phố trực thuộc thủ đô" ở mức vừa phải, vì việc thực hiện phải căn cứ vào quy hoạch và các điều kiện cụ thể thực tế... Tiếp đó, ông Dũng đề nghị cần nêu bật được phần nội dung về vùng thủ đô, nhất là vai trò, vị trí của vùng thủ đô và thủ đô làm căn cứ để định hình các cơ chế đặc thù vượt trội cho thủ đô và vùng thủ đô phát triển.

Theo kế hoạch, dự thảo và tờ trình luật Thủ đô sửa đổi phải được hoàn thiện để báo cáo Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1.9.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.