Trao đổi, trả lời kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội ngày 9.8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua, có một số ý kiến phản ánh liên quan đến chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè của thành phố.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, chủ trương cho thuê vỉa hè, lòng đường là việc sẽ làm. Các quận cũng đang rà soát, nghiên cứu, nhưng bây giờ chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện, vì 2 lý do.
Thứ nhất, muốn cho thuê lòng đường, vỉa hè thì phải có đủ căn cứ pháp lý. Về việc này, Hà Nội đang yêu cầu các quận tổ chức thiết kế đô thị, lấy ý kiến nhân dân. Theo quy trình, khi lấy ý kiến nhân dân, có sự đồng thuận mới triển khai. Một số quận, như Q.Hoàn Kiếm, đang rà soát, nghiên cứu các tuyến phố để có thể thí điểm sau khi lấy ý kiến nhân dân.
Thứ hai, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, lúc này nên "khoan sức dân", việc đưa ra chính sách cho thuê lòng đường, vỉa hè một cách vội vã là không ổn. Đây là thời điểm kinh tế đất nước đang rất khó khăn, Quốc hội, Chính phủ đang phải ban hành nhiều chính sách như giảm thuế, giãn thuế để "khoan sức dân".
Bí thư Đinh Tiến Dũng nói lý do Hà Nội chưa cho thuê vỉa hè
Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, lòng đường, vỉa hè gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân thủ đô, ăn uống vỉa hè đã là thứ văn hóa lâu đời, cách làm cũ theo kiểu cứ ra quân truy đuổi, dọn dẹp vỉa hè không đạt được hiệu quả cao và vững chắc.
Do đó, việc quản lý lòng đường, vỉa hè cần thiết phải tổ chức lại. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương mới phải làm rất kỹ lưỡng, có sự đồng thuận cao của nhân dân và phải chọn thời điểm phù hợp.
Như Thanh Niên đã phản ánh, sau gần 5 tháng Hà Nội triển khai chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhiều tuyến phố có vỉa hè rộng rãi cơ bản giữ được sự thông thoáng. Tuy nhiên, những tuyến phố có vỉa hè nhỏ hẹp vẫn bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán, nhất là vào ban đêm.
Báo cáo tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội thể hiện, trong công tác trật tự đô thị, lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử lý 32.181 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền trên 17,7 tỉ đồng. Vi phạm chủ yếu là chiếm dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh ăn uống, buôn bán hàng hóa.
Người bán hàng rong ủng hộ thu phí vỉa hè: 'Hết cảnh thấy đô thị là hốt hàng chạy'
Về cơ bản, tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm, không còn ngang nhiên vi phạm như thời điểm sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, kết quả chưa tương xứng với yêu cầu đề ra, chưa bền vững. Nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được mà bị tái lấn chiếm.
Bình luận (0)