Ngày 11.5, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025" đã tổ chức hội nghị sơ kết.
Phần lớn không tự phát hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Kết luận tại hội nghị, Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Thành ủy Hà Nội luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; vừa cấp bách, vừa lâu dài, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.
Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU và sau 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Hà Nội đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục, như tính nêu gương của người đứng đầu và sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc còn chưa sâu sát, chưa kịp thời, chưa quyết liệt; chưa tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai hiệu quả các giải pháp, biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đặc biệt, công tác tự phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong nội bộ một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu, phần lớn không tự phát hiện ra các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Do đó, ông Dũng đề nghị cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu các cấp của thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, biện pháp khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trên.
Tăng cường thanh tra công vụ, kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Trong thời gian tới, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị cả hệ thống chính trị thành phố tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và của thành phố…
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; gắn kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
"Người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tại tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình và phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí xảy ra tại đơn vị mình. Quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó; quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không tạo kẽ hở, dễ bị lợi dụng; tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, nhất là thanh tra công vụ, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Bình luận (0)