Báo cáo Bí thư Hà Nội tại buổi làm việc hôm nay 14.3, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, toàn quận có gần 5.200 hộ kinh doanh, trong đó có 664 hộ vi phạm về trật tự với 243 hộ vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh đồ ăn uống.
Đặc biệt, trong 19 điểm trông giữ xe, chỉ có 5 điểm có giấy phép, còn 14 điểm không giấy phép. Ông Tùng cũng cho hay, quận xác định sau khi tuyên truyền sẽ kiên quyết xử phạt, phạt lần 1, lần 2 và đến lần 3 sẽ rút giấy phép kinh doanh.
Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, vỉa hè lòng đường những ngày qua đã thông thoáng hơn nhiều. Trả lời câu hỏi làm sao để vỉa hè sau xử lý không bị tái lấn chiếm, ông Dục cho biết chìa khóa thành công là chính quyền phải kiên quyết ngay từ đầu, phân công rõ trách nhiệm, đúng địa chỉ.
“Để thành công, phải duy trì cơ chế kiểm tra, xử lý. Nghị định 155 của Chính phủ đã cho phép phạt từ 500.000 đồng trở lên với hành vi vứt rác ra đường. Kinh doanh vứt rác ra đường mà không thu dọn có thể xử phạt 3 - 5 triệu. Đã có chế tài rồi, chỉ còn thực hiện”, ông Dục cho hay.
Tại đường Tôn Đức Thắng, lực lượng chức năng dùng máy xúc để phá bậc tam cấp của trụ sở UBND P.Quốc Tử Giám (Q.Đống Đa, Hà Nội) lấn vỉa hè.
Bí thư Hà Nội cũng yêu cầu giữa các phường, giữa quận với phường và đoàn kiểm tra của thành phố thực hiện kiểm tra chéo lẫn nhau. “Câu chuyện cuối cùng chỉ có cái ghế nhựa và vạch vôi trên vỉa hè, có khi lực lượng vừa đi thì người ta đá ghế nhựa ra, không thấy nói gì lại đá ra nữa. Việc xử lý rất khó, không đơn giản, nhưng có nhiều cách để chúng ta làm, chứ còn cứ xuôi lòng bỏ đi thì không bao giờ làm được”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Bình luận (0)