Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Không lấy tiền đền bù Thủ Thiêm xây nhà hát giao hưởng

Trung Hiếu
Trung Hiếu
16/10/2018 17:01 GMT+7

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tiền xây nhà hát được lấy từ nguồn khác và không làm ảnh hưởng đến việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm.

Chiều 16.10, kỳ họp thứ 18 của Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 10 đã bế mạc.

Nhà hát này xây dựng sẽ phục vụ ai?

Phát biểu chỉ đạo ở phần bế mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân dành nhiều thời gian để nói về dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch vì theo ông khi đưa dự án ra làm nhận được nhiều ý kiến băn khoăn.

Về việc người dân băn khoăn là tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm chưa có tại sao lo làm nhà hát, ông Nhân cho hay đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm, TP vẫn đang làm theo quy trình. Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thường trực Thành ủy, UBND đã họp nhiều lần và xây dựng 11 giải pháp phục vụ việc này. Sau khi xây dựng xong dự thảo, lãnh đạo đã gặp người dân và ban hành giải pháp”, ông Nhân nói và khẳng định tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm là sử dụng ngân sách TP chứ không liên quan đến nhà hát.

Theo ông Nhân, tiền nhà hát được TP giữ lại từ mấy năm trước khi đấu giá đất ở đường Lê Duẩn. Cho nên cần phải làm rõ việc xây dựng nhà hát không làm ảnh hưởng đến việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm.

“Không vì nhà hát mà TP thiếu tiền đền bù cho người dân. Điều này cần phải làm rõ. Hai số tiền này lấy từ hai cơ chế, từ hai nguồn khác nhau. Chúng ta cần phải gặp dân, gặp cán bộ, đảng viên để nói rõ cái này”, ông Nhân nói.

Nhà hát này xây dựng sẽ phục vụ ai? Ông Nhân đưa ra thông tin là hơn 100 năm trước người Pháp xây dựng Nhà hát TP khi dân số ở đây chỉ có khoảng 100.000 dân để bây giờ người dân vẫn sử dụng được. Còn bây giờ TP có hơn 10 triệu dân trong đó có 5 triệu lao động, có 30% lao động có trình độ đại học, cao đẳng, cao gấp 3 lần bình quân cả nước, 100.000 người nước ngoài… Cho nên việc xây dựng nhà hát bên cạnh để thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật của người dân thì đây còn là nơi đào tạo, dần dần hình thành nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho người dân.

Ngoài ra, ông Nhân cho biết nhà hát dự tính xây có thiết kế tốt, sân khấu rộng, có hàng ghế tốt thì ngoài giao hưởng, ba lê, opera, vẫn có thể biểu diễn được các hoạt động văn nghệ bình thường.

“Thậm chí giám đốc Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch nói vẫn có thể hát cải lương ở nhà hát này. Do đó thiết kế của nhà hát dùng để phục vụ cho biểu diễn đa năng. Chưa kể bên ngoài tiền sảnh sẽ thiết kế như một sân khấu lớn để biểu diễn, giao lưu đông người”, ông Nhân chia sẻ.

Về việc, nhà hát có nằm trong quy hoạch hay không, ông Nhân trả lời Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP.HCM từ 2011 - 2015 có 7 công trình trọng điểm, trong đó có nhà hát này. Chưa kể nhiều kỳ đại hội đều nhắc phải xây dựng nhiều công trình tiêu biểu trong đó có nhà hát. Lẽ ra nhà hát này phải xong từ năm 2015.

Còn tại sao lại đưa nhà hát về Thủ Thiêm, ông Nhân lý giải lúc đầu tính đưa về Công viên 23.9 nhưng ở đây vướng mắc giao thông, công viên cho người dân. Do vậy, TP quyết định đưa nhà hát về Thủ Thiêm bởi nơi đây sẽ có cụm nhà hát, trung tâm triển lãm, công viên bờ sông, trung tâm giải trí, quảng trường (TP đề nghị là quảng trường Hồ Chí Minh).

Về kinh phí thực hiện xây dựng nhà hát, ông Nhân cho hay TP đã có kế hoạch đấu giá đất thu được gần 1.500 tỉ đồng để thực hiện dự án.

"Kỳ họp bất thường” là do luật quy định

Ông Nhân cũng đưa ra số liệu để so sánh chi phí xây dựng nhà hát với ngân sách TP dành cho những công trình khác. Theo đó, sau khi được yêu cầu, Sở KH-ĐT báo cáo riêng trong nhiệm kỳ này (2015-2021), tiền xây dựng trường học, bệnh viện năm nay là hơn 34.600 tỉ đồng, gấp 23 lần so với tiền xây dựng nhà hát. Còn tiền xây dựng nhà hát so với tiền xây bệnh viện nhiệm kỳ này chỉ bằng 4,3%...

“Nếu so với tổng chi ngân sách TP 3 khóa gần đây khoảng 355.000 tỉ đồng thì ngân sách xây dựng nhà hát chỉ bằng 0,4%”, ông Nhân nói và khẳng định số tiền xây dựng nhà hát không nhỏ nhưng TP đã có kế hoạch chứ không phải vì cái này mà không quan tâm việc chính là trường học và bệnh viện…

Tuy nhiên, qua việc này, ông Nhân cho hay TP cần rút ra bài học về việc cần chủ động thông tin. TP chưa lường được hết vấn đề khi đưa nhà hát về Thủ Thiêm khiến dư luận hiểu chưa đầy đủ dẫn đến băn khoăn. Do đó sau này Ban Tuyên giáo Thành ủy cần phối hợp với Thường trực HĐND ký kết chương trình phối hợp trước và sau mỗi kỳ họp HĐND để chủ động thông tin.

Theo ông Nhân, kỳ họp vừa qua chỉ là kỳ họp bình thường thông qua nhiều chương trình trong đó có dự án xây dựng nhà hát. Chữ “kỳ họp bất thường” như tên gọi của kỳ họp HĐND vừa rồi là do luật quy định.

“Xung quanh vấn đề nhà hát, TP lắng nghe ý kiến góp ý để góp phần cho dự án nhà hát có hiệu quả. Cái cần làm là làm dân yên, giải thích ngọn ngành cho người dân hiểu. Đây cũng là bài học mà chúng ta cũng cần xem xét”, ông Nhân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.