Sáng 28.3, UBND TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn, đến dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Mở đầu buổi gặp gỡ, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết Việt Nam đang nổi lên là quốc gia đổi mới sáng tạo ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, thể hiện qua xếp hạng các tổ chức uy tín, sự lớn mạnh của cộng đồng đổi mới sáng tạo. Riêng với TP.HCM, đây là nơi có thể phát triển sự nghiệp, là nơi khởi nghiệp.
"Chúng tôi đang tập trung xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền trung tâm khoa học công nghệ tầm ASEAN và hướng đến tầm châu lục vào năm 2030", ông Mãi thông tin.
Do vậy, lãnh đạo TP.HCM muốn lắng nghe cộng đồng khởi nghiệp để chọn đúng trọng tâm, đi định hướng, đầu tư đúng mức, hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trong các định hướng chiến lược phát triển theo nghị quyết của Trung ương, TP.HCM tiếp tục được giao là trung tâm của vùng kinh tế phía nam, là trung tâm lớn về nhiều mặt, động lực tăng trưởng. "Với định hướng này, có nhiều dư địa, cơ hội, đơn đặt hàng cho các nhà khởi nghiệp", ông Mãi nói thêm.
Đề xuất tặng điện áp mái cho người dân
TS Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE nhìn nhận tất cả doanh nghiệp, dù mới thành lập hay có bề dày hàng chục năm hoặc hàng trăm năm, nếu muốn duy trì sức sống thì phải luôn đổi mới sáng tạo.
Để đổi mới sáng tạo cần có vai trò của nhà nước, nhà trường, nhà đầu tư, cộng đồng và tự thân, trong đó vai trò tự thân là quan trọng nhất và bền vững nhất. TS Trung đề nghị các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cần xác định sứ mệnh và phải thông qua sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình để phụng sự xã hội.
Tại buổi gặp gỡ, nhiều nhà khởi nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề môi trường, giao thông xanh, giáo dục, văn hóa. Ông Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc điều hành DatBike nhận định để hướng tới người dân chuyển sang dùng xe điện thì cần phải phủ hạ tầng về trạm sạc để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Ông Trung đề xuất chính quyền cần có những chính sách về giá và thuế phí để khuyến khích người tiêu dùng. Nếu có sự hỗ trợ của nhà nước sẽ tạo điều kiện kích cầu cho xe điện rất lớn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, đại diện Đại siêu thị số Nova AI Mall đề cập đến bài toán năng lượng sạch của TP.HCM khi đặt mục tiêu đến năm 2030, có 50% người dân gắn solar (điện áp mái).
Ông Tống cho biết hiện TP.HCM chỉ có khoảng 15.000 hộ sử dụng điện áp mái. Để đạt chỉ tiêu 1,2 triệu hộ dùng điện áp mái vào năm 2030, trung bình mỗi tháng phải gắn thêm 20.000 hộ mới. Nêu giải pháp cho bài toán này, ông Tống đề xuất nghiên cứu chính sách tặng sản phẩm điện áp mái cho người dân, đồng thời cho rằng cần có những ý tưởng đột phá cho vấn đề mới.
Trao đổi với cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ bản thân lần đầu dự cuộc gặp gỡ có cơ cấu, thành phần đa dạng gồm doanh nghiệp, nhà báo, nhà nghiên cứu, cơ quan nhà nước, nhà đầu tư, nhà trường với những câu chuyện mang lại nhiều cảm xúc.
Ông Nên nói bản thân tâm đắc với ý kiến của TS Giản Tư Trung về việc xác định những giá trị nền tảng, cốt lõi khi khởi nghiệp, giống như la bàn định hướng cho mỗi người.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đồng tình với 6 việc cơ bản cần làm để xây dựng cộng đồng đổi mới sáng tạo gồm: xây dựng hệ thống hạ tầng, có chính sách hỗ trợ vốn, chính sách khuyến khích thu hút, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường đầu tư, cơ chế phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của TP.HCM có gì?
Theo Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP.HCM được đánh giá là năng động nhất cả nước khi chiếm 50% số lượng startup, 40% cơ sở ươm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, 44% lượng vốn đầu tư, 60% số thương vụ của cả nước.
Năm 2023, Startup Genome gần đây xếp hạng TP.HCM nằm trong nhóm 81 - 90 thị trường khởi nghiệp sáng tạo mới nổi của toàn cầu, còn Startup Blink xếp hạng TP.HCM thứ 114 trong các hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu.
Trong giai đoạn 2016 - 2022, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam liên tiếp tăng trưởng cao, đạt xấp xỉ hơn 2 tỉ USD, trong đó hơn 60% doanh nghiệp gọi vốn thành công là của TP.HCM.
Việt Nam có 4 Unicorn - Kỳ lân công nghệ là VNG, VNPay, MoMo và Sky Mavis, chủ yếu là công nghệ thanh toán và game, và 3/4 Unicorn này là của TP.HCM.
Ông Dũng cho biết dự kiến tháng 7.2024 sẽ trình HĐND TP.HCM thông qua các chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cho lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, TP.HCM còn có chính sách hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách cho 9 lĩnh vực: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số và an ninh mạng.
Cụ thể, giai đoạn tiền ươm tạo có mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng. Giai đoạn ươm tạo có mức hỗ trợ không quá 80 triệu đồng, thời gian không quá 1 năm. Đến giai đoạn tăng tốc, mức hỗ trợ tăng lên không quá 400 triệu đồng và hỗ trợ không quá 1 năm.
Bình luận (0)