Tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN Nguyễn Đắc Vinh đang đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên cả nước.
Anh Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn |
Buổi đối thoại bắt đầu từ 9 giờ, kéo dài đến 10 giờ 30 phút ngày 14.3.
Cùng dự đối thoại có các đồng chí là Bí thư T.Ư Đoàn; đại diện lãnh đạo vụ chức năng các ban Đảng T.Ư; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban khối phong trào T.Ư Đoàn, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Trưởng Ban thanh niên Quân đội, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Công an, Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp T.Ư, Bí thư Đoàn khối các cơ quan T.Ư, các văn nghệ sĩ trẻ tiêu biểu và đoàn viên thanh niên.
Ngoài điểm cầu tại trụ sở chính của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ còn có thêm 10 điểm cầu khác trong nước ở tại các địa phương, bao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Huế, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Hoà Bình, Đồng Tháp và 3 điểm cầu ở nước ngoài, đó là các nước: Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Chương trình đối thoại là hoạt động nằm trong Tháng Thanh niên 2016 và chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2016).
Cuộc đối thoại trực tuyến với đồng chí Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn hiện đang được truyền hình trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Kênh Truyền hình Quốc hội; Kênh VTC1 - Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; phát thanh trực tiếp trên kênh VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam; tường thuật trực tuyến trên báo Tiền phong, Thanh niên, Website Trung ương Đoàn.
Thưa anh Nguyễn Đắc Vinh, đây đã là lần thứ 3 anh tham gia đối thoại trực tuyến, trực tiếp với đoàn viên - thanh niên và nhân dân cả nước. Anh đã chuẩn bị cho cuộc đối thoại này như thế nào?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Tôi rất vui mừng được đối thoại với các bạn đoàn viên, thanh niên đúng dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tuy nhiên tôi cũng ý thức được tầm quan trọng khi trao đổi với thanh niên trong và ngoài nước cho nên chúng tôi cũng đã chuẩn bị hết sức kỹ càng cho chương trình ngày hôm nay và hy vọng sẽ đáp ứng được kỳ vọng của các bạn trẻ.
Thưa anh Vinh, cho đến lúc này chúng tôi đã nhận được khoảng 250 câu hỏi của đoàn viên, thanh niên cả nước gửi về cho anh thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có tới hơn 30% là các câu hỏi về vấn đề việc làm cho đoàn viên, thanh niên. Tôi đang băn khoăn tự hỏi tại sao vấn đề nghề nghiệp, việc làm lại được nhiều đoàn viên, thanh niên quan tâm đến như vậy?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Việc làm là nhu cầu cơ bản của thanh niên, quyết định mức độ phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Việc làm mới được tạo ra mỗi năm gần 1,6 triệu nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của thanh niên, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao, năng suất lao động thấp, điều này ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nếu không tận dụng tốt lợi thế này, mắc bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ tụt hậu ngày càng xa.
Bạn Nguyễn Chí Công (Quảng Nam): Ngày nay, nhiều bạn trẻ, từ thanh niên trí thức, cử nhân cao đẳng, đại học đến thanh niên nông thôn, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số… có khát vọng lớn, dám chấp nhận khó khăn, thử thách, thậm chí thất bại để khởi nghiệp, làm giàu chính đáng. Quan điểm của anh về việc khởi nghiệp của thanh niên như thế nào?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Hiện nay, tỷ lệ khởi nghiệp trên tổng dân số Việt Nam mới là 2,4%, trong khi đó mức trung bình của thế giới là 12%. Như vậy tỷ lệ khởi nghiệp của Việt Nam chúng ta là chưa cao. Chúng tôi thấy rằng tâm lý chung của thanh niên và các gia đình hiện nay phần nhiều vẫn là sau khi ra trường sẽ đi tìm một công việc gì đó để làm, chưa có nhiều người có tâm lý sẽ khởi nghiệp.
Tôi thấy hiện nay có rất nhiều bạn thanh niên nông thôn cũng đã tích cực tìm cho mình những cách làm kinh tế ở địa phương. Một số bạn có khả năng hơn đã mạnh dạn vay vốn để mở doanh nghiệp. Trong đó có nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua đã đưa ra chủ trương chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ chương trình khởi nghiệp quốc gia. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng các dự án, các chương trình khởi nghiệp quốc gia cho thanh niên. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm hoàn thành nội dung này để trình Chính phủ.
Vậy Đoàn sẽ hỗ trợ gì để thanh niên khởi nghiệp?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp, Đoàn TNCS HCM có thể hỗ trợ một số việc, tập trung vào một số việc như thế này: Trước tiên là chúng tôi kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về chính sách để làm sao cho các bạn trẻ thuận lợi trong quá trình khởi nghiệp.
Thứ hai, chúng tôi có suy nghĩ cần phải hỗ trợ các bạn về khía cạnh pháp lý để làm sao cho các bạn trẻ hiểu được pháp luật và làm sao vận hành được doanh nghiệp hoặc mô hình kinh tế của mình theo đúng pháp luật.
Thứ ba, cần hỗ trợ cho các bạn về kiến thức quản trị doanh nghiệp cũng như quản lý các mô hình kinh tế của các bạn.
Thứ tư, cần phải hỗ trợ cho các bạn vấn đề về vay vốn. Ở đây, chúng tôi có suy nghĩ rằng là nhiều bạn trẻ nói rằng tiếp cận về vốn còn khó khăn, cho nên một mặt chúng ta kiến nghị về mặt chính sách, một mặt hỗ trợ, tư vấn cho các bạn về việc tiếp cận các nguồn vốn làm sao cho dễ dàng.
Và cuối cùng chúng tôi rất quan tâm hỗ trợ cho các bạn về thông tin khoa học kỹ thuật để làm sao cho các bạn khởi nghiệp tốt và thành công.
Bạn Nguyễn Chí Cảnh (Bắc Kạn): Hiện thanh niên nông thôn có nhu cầu phát triển kinh tế ổn định song hỗ trợ cho thanh niên còn thiếu và chỉ có một số ít thanh niên được vay. Trong khi đó nguồn vốn vay từ NH Chính sách xã hội chưa đáp ứng được. Xin được hỏi sắp tới Đoàn thanh niên có chủ trương gì trong giải quyết vấn đề này không và cụ thể như thế nào?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Đoàn TNCS HCM cũng đã tiếp cận vấn đề này. Trong thực tiễn nhiều năm gần đây thấy rằng các bạn thanh niên nông thôn khi khởi nghiệp, phát triển kinh tế cần nhất là nguồn vốn vay ưu đãi nên các bạn thường tìm đến nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách. Tuy nhiên, nguồn vốn vay này định mức cho từng cá nhân không được cao nên khi các bạn muốn phát triển mô hình sản xuất lớn hơn thường thiếu vốn. Đoàn TNCS HCM cũng được Chính phủ giao quản lý nguồn vốn là Quỹ Hỗ trợ việc làm khoảng 70 tỉ đồng. Con số này không nhiều nhưng tập trung cho các mô hình kinh tế đã được khẳng định, hiện không nhiều nhưng mức cho vay tối đa là 1 tỉ đồng/dự án, lãi suất ưu đãi khoảng 0,55%/ tháng. Mức này chúng tôi thấy các bạn khi được vay đều phát triển mô hình sản xuất rất tốt, nhiều bạn thành công. Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu tăng định mức cho Đoàn TNCS vì đây là mô hình rất hiệu quả.
Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng xét rộng ra thì việc vay vốn thương mại rất cần thiết, nhu cầu vay vốn rất phong phú. Chúng tôi đi các địa phương, thấy rằng việc tiếp cận nguồn vốn vay thương mại rất khó, nhiều thủ tục, chính sách; vì thế như tôi đã nói, việc hỗ trợ các bạn thanh niên nông thôn chúng tôi cũng kiến nghị điều rất quan trọng là tháo gỡ chính sách cho thanh niên cũng như người dân tiếp cận dễ dàng nhất với nguồn vốn vay.
Bạn Trương Minh Tuấn (Thái Bình): Đề nghị T.Ư Đoàn có biện pháp định hướng và cung cấp thông tin từ các doanh nghiệp có đủ năng lực đưa người lao động đi làm việc ngoài nước cho các Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên các tỉnh, thành phố trực thuộc Đoàn thanh niên để Trung tâm giới thiệu và thanh niên có cơ sở lựa chọn?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Bạn rất hiểu hệ thống Đoàn thanh niên. Chúng tôi có một hệ thống các trung tâm tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên ở các địa phương. Khó khăn nhất của trung tâm này là có được thông tin chính thống để tư vấn cho các bạn thanh niên. Ví dụ, thăm mô hình của TP.HCM, các bạn rất năng động. Ngoài trụ sở chính, các bạn đã mở thêm 6 văn phòng ở ngay những bến xe để đón thanh niên lao động tự do từ tỉnh khác về TP.HCM tìm kiếm việc làm. Và các bạn tư vấn trực tiếp cho các thanh niên đó để tìm kiếm được việc làm ngay từ khi đến TP.HCM. Cái cần nhất ở đây là nguồn thông tin về thị trường lao động được cung cấp đầy đủ sẽ giúp các trung tâm được hoạt động hiệu quả. Một số trung tâm ở Quảng Bình hằng năm giới thiệu lao động đi xuất khẩu khoảng 1.000 - 1.500 người. Các trung tâm rất cần biết thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH về những thị trường lao động nước ngoài, về những DN được cấp phép mà làm ăn tốt, về xuất khẩu lao động... Và nếu có sự kết nối thông tin thì các trung tâm sẽ hoạt động hiệu quả hơn và cũng là một kênh để hỗ trợ các bạn trẻ tốt hơn.
MC: Chúng ta được biết tham gia cuộc đối thoại lần này còn có đại diện của Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT. Trước mắt, có thông tin đầy đủ về các doanh nghiệp, các đơn hàng, các quốc gia, các bạn có thể truy cập vào địa chỉ của Cục Quản lý lao động ngoài nước www.dolab.gov.vn hoặc Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước www.hotrolaodongngoainuoc.org, điện thoại: 043.9366633.
Một thanh niên tại điểm cầu TP.HCM: Hiện nay, đời sống thanh niên công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất gặp rất nhiều khó khăn về nhà trọ, sinh hoạt hằng ngày, đời sống tinh thần, việc học tập, chăm lo cho con cái… Trong bối cảnh đó, định hướng chung của T.Ư Đoàn là vận động các nhà trọ không tăng giá, tư vấn việc làm... T.Ư Đoàn sẽ tiếp tục làm gì và định hướng gì cho đoàn cơ sở làm tốt hơn công tác này?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Tôi xin mời đồng chí Bí thư phụ trách lĩnh vực này.
Đồng chí Bí thư phụ trách lĩnh vực: Trước hết tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các cấp đoàn TP.HCM đã đồng hành cùng thanh niên KCN, KCX. Nhiều địa phương đã học tập nhân rộng mô hình của các bạn. Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc đã xác định đồng hành cùng thanh niên KCN, KCX là một nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở đó T.Ư Đoàn đã ban hành đề án đến năm 2020. Trước hết là tiếp tục vận động các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng các văn phòng hỗ trợ thanh niên KCN, KCX.
Hai là các hoạt động đồng hành chăm lo thanh niên, công nhân về việc làm, sức khỏe, thu nhập...
Thứ ba là tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ ổn định nơi ăn chốn ở, nhà trọ cho thanh niên KCN, KCX.
Thứ tư là các giải pháp hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Thực tế có nhiều mô hình hay và tôi hy vọng các định hướng đã có trong đề án sẽ tiếp tục được các cấp đoàn triển khai thời gian tới.
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Nhìn chung đời sống con em công nhân còn nhiều khó khăn và các cấp đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ. Đầu tiên là nơi ở, hai là xây dựng một số tủ sách cấp thêm cho thanh niên công nhân. Về điều kiện sống thì các bạn cũng tổ chức các giải thể thao, văn hóa văn nghệ.
Đối với con em công nhân trong một số khu nhà trọ, tổ chức đoàn và địa phương đã tổ chức các lớp học tình thương, các bạn thanh niên đã giúp đỡ con em công nhân các kiến thức cơ bản nhất. Đấy cũng là mô hình rất tốt. Trong thực tế, các mô hình rất nhiều nhưng quan trọng là làm sao nhân rộng ra khắp cả nước trong khi kinh phí rất hạn hẹp. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, các bạn cơ sở đã có nhiều giải pháp. Về phía T.Ư Đoàn, chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa.
Bạn Trần Thị Thảo (TP.Hà Nội): Thưa anh, em là sinh viên mới tốt nghiệp. Ở trường đại học, chương trình học của em hầu hết là học theo tín chỉ nên ít được tham gia vào các hoạt động của Đoàn, Hội. Hiện tại em chưa đi làm nên ở nhà cũng có nhiều thời gian rảnh. Em cũng là người có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ và thích các hoạt động xã hội. Em rất muốn tham gia các hoạt động của Đoàn để đóng góp một phần nhiệt huyết của tuổi trẻ nhưng lại đang băn khoăn không biết tiếp cận bằng cách nào? Anh có thể gợi ý giúp em được không?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Thứ nhất, chúng tôi rất là vui vì có một bạn đoàn viên thanh niên rất yêu thích và tâm huyết với công tác Đoàn. Thứ hai, chúng tôi mong muốn là đầu tiên ở nơi bạn đang sinh hoạt Đoàn, bạn hãy cố gắng để thể hiện những phẩm chất, tâm huyết của mình từ chính tổ chức của mình để các hoạt động ở đó được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Thứ ba, nếu bạn thực sự có năng khiếu, có tâm huyết với công tác Đoàn, bạn có thể nghiên cứu nộp hồ sơ vào một tổ chức Đoàn chuyên trách, ví dụ như ở quận, huyện, hoặc ở cấp tỉnh, thành phố hoặc có thể là cấp T.Ư. Tùy theo trình độ của các bạn và nếu có cơ duyên hoàn toàn có thể trở thành cán bộ Đoàn chuyên trách.
Bạn Nguyễn Phương Mai (TP.HCM): Sử dụng Facebook nói riêng và mạng xã hội hiện nay đã trở thành một xu hướng tất yếu của giới trẻ. Tôi thấy đồng chí Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn có sử dụng Facebook. Xin hỏi là với một người có vị trí như anh thì việc sử dụng Facebook có khó khăn, có gì nhạy cảm không? Đoàn Thanh niên đã khai thác các ứng dụng, tiện ích của mạng xã hội để truyền tải thông tin và định hướng giáo dục cho thanh niên như thế nào? Và lợi ích của mạng xã hội trong việc phát huy thanh niên tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như thế nào?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Tôi rất cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi suy nghĩ mạng xã hội cũng là một loại phương tiện, một loại công cụ để chúng ta chia sẻ thông tin, chúng ta kết nối với nhau. Cho nên nếu chúng ta sử dụng nó với mục đích tốt, nếu chúng ta biết vận dụng những điều tốt đẹp của mạng xã hội mang lại thì chúng ta hoàn toàn có thể làm những điều rất tốt. Cho nên tôi sử dụng mạng xã hội cũng với suy nghĩ là làm sao mình kết nối được rộng rãi thanh niên, làm sao để có nhiều thông tin về thanh niên, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Mình hiểu được càng nhiều và tường tận cuộc sống thì mình càng có những suy nghĩ đúng đắn hơn, chín chắn hơn để khi tham gia bàn bạc thảo luận về những đường lối phát triển của Đoàn, sẽ sát thực tiễn hơn.
Cho nên tôi thấy là, với Facebook, nếu như trước đây tôi muốn tìm hiểu về một phong trào thì nhiều khi tôi phải đến tận nơi, hoặc tôi phải gọi điện hỏi rất kỹ. Nhưng hiện nay nếu các bạn đưa lên những hình ảnh, những đoạn video ngắn ở những nơi tôi chưa từng đến, tôi có thể ở bất kỳ nơi nào trên đất nước Việt Nam mà vẫn xem, hình dung được về hoạt động của nơi đó.
Phần thứ hai và phần thứ ba tôi muốn nhờ đồng chí Lê Quang Tự Do, Trưởng ban Tuyên giáo của T.Ư Đoàn sẽ trao đổi thêm với các bạn thanh niên.
Anh Lê Quang Tự Do, Trưởng ban Tuyên giáo của T.Ư Đoàn: Rất cảm ơn câu hỏi của bạn vì đây là vấn đề mà thực sự tổ chức Đoàn rất quan tâm. Tôi xin trả lời ngắn gọn thế này. Đoàn thanh niên đã khai thác những tiện ích sử dụng trên mạng xã hội, hiện nay chúng tôi đang tập trung vào 3 vấn đề: Một là, chúng tôi cùng với các tỉnh, thành đoàn trên cả nước xây dựng những trang, chúng ta gọi là cộng đồng, trên Facebook gọi là page, để tuyên truyền, giới thiệu về những thông tin hoạt động của Đoàn, của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Đội Thiếu niên tiền phong. Và các bạn có thể thấy là không chỉ có đồng chí Bí thư thứ nhất mà tất cả các tỉnh, thành đoàn và các đồng chí ở trong Ban Bí thư thường vụ đều có những trang facebook để lan tỏa những thông tin này.
Thứ hai là chúng tôi vận động cán bộ đoàn, các cấp Đoàn xây dựng những sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội. Ví dụ như những bộ ảnh, những video clip đăng tải những bộ ảnh các hoạt động đoàn tại địa phương của mình.
Thứ ba là chúng tôi cũng kết nối với những bạn admin của các trang Facebook nổi tiếng khác, những người nổi tiếng để cùng tham gia, đưa tin, tuyên truyền các hoạt động của tổ chức Đoàn. Tiện ích thì rất lớn, đây là kênh thông tin hữu hiệu để có thể lan tỏa được rất nhiều thông tin về đoàn đến với giới trẻ và qua một hình thức rất gần gũi chứ không phải nặng nề… các bạn cảm nhận và đến với tổ chức đoàn một cách tự nhiên.
MC: Thưa anh Vinh, một ngày anh dùng bao nhiêu thời gian cho Facebook?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Facebook là một tiện ích rất dễ theo dõi. Bây giờ chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính là chúng ta thấy ngay được thông tin trên Facebook. Còn tôi thấy ví dụ như có những từ khóa như “hoạt động Tháng Thanh niên” hoặc là “tình nguyện”. Nếu các bạn thanh niên đưa thông tin, hoạt động của mình lên thì chỉ cần có từ khóa thôi, dù các bạn có ở xã, phường, chúng tôi cũng biết đến những hoạt động của các bạn. Trong Tháng Thanh niên này, chúng tôi có thể theo dõi được thường xuyên và thấy rằng các hoạt động đã được phổ cập được xuống cơ sở rất nhiều.
MC: Nhân nhắc đến việc sử dụng mạng xã hội. Để chuẩn bị cho cuộc đối thoại trực tuyến này, chúng tôi cũng đã đưa thông tin lên trang Facebook Thông tin Chính phủ. Có một câu hỏi khá thú vị dành cho anh Vinh của bạn Nguyễn Văn Hương: Anh Vinh năm nay 42 tuổi. Tuổi nhiều hơn thì ngọn lửa thanh niên có ít đi hơn không?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Tôi đính chính một chút là tôi sinh năm 1972, năm nay tôi 44 tuổi rồi. Tuy nhiên, tôi thấy may mắn nhất của chúng tôi, những cán bộ Đoàn, được làm công tác Đoàn là chúng tôi thấy mình luôn luôn trẻ trung, luôn có niềm hạnh phúc từ công việc nên tôi luôn tâm huyết với công việc này. Đối với mỗi cán bộ Đoàn, khi tuổi tác lớn dần lên, chúng ta cũng cần phải dành cho những người trẻ hơn, sung sức hơn, những người có suy nghĩ, đồng cảm nhiều hơn với những người trẻ nên tôi nghĩ sẽ truyền lại cho những người trẻ để nuôi dưỡng phong trào thanh niên.
MC: Đồng chí Bí thư thứ nhất có suy nghĩ gì về vấn đề cần rèn luyện để nâng cao tầm vóc của thanh niên Việt Nam?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Vấn đề này tôi sẽ nhờ anh Bùi Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức T.Ư Đoàn trả lời.
Anh Bùi Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức T.Ư Đoàn: Theo tôi, trong những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển thanh niên, trong đó đã có những biện pháp thúc đẩy về mặt dinh dưỡng, thể dục thể thao, bổ sung thiết chế cho các bạn sinh viên, đặc biệt trong việc rèn luyện để nâng cao tầm vóc của thanh niên Việt Nam.
Đương nhiên, nếu chúng ta nhìn ra thế giới, phát triển tầm vóc của chúng ta có thể chưa bằng các nước bạn. Tuy nhiên, theo những số liệu thống kê gần đây, tầm vóc của các bạn sinh viên Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể. Tôi hy vọng với việc tập luyện một môn thể thao nào đó thường xuyên, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, các bạn sinh viên Việt Nam sẽ có một tầm vóc tốt hơn. Tôi thấy, hiện nay tầm vóc của các bạn sinh viên thế hệ 9X đang tốt hơn rất nhiều thế hệ 7X.
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Theo tôi, tầm vóc của con người phụ thuộc rất nhiều vào gene di truyền của dân tộc đó, phụ thuộc vào dinh dưỡng và chế độ rèn luyện. Có thể là một bộ phận thanh thiếu niên uống rượu nhiều, không chú trọng đến thể dục thể thao sẽ ảnh hưởng đến phát triển về mặt thể hình. Chính vì vậy, nếu chúng ta không siêng năng tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, sẽ ảnh hưởng nhiều đến tầm vóc của chúng ta.
Bạn Nguyễn Tuyết: Em muốn hỏi về dự án "Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020". Em là sinh viên tốt nghiệp vào tháng 3.2016. Em muốn tham gia đề án thì làm thế nào? Có còn cơ hội không?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Câu hỏi này tôi xin chuyển đến đồng chí phụ trách trực tiếp đề án này đến từ Bộ Nội vụ sẽ giúp chúng tôi trực tiếp trao đổi với bạn.
Đại diện Bộ Nội vụ: Xin cảm ơn bạn đã quan tâm đến đề án này. Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với T.Ư Đoàn triển khai. Mục tiêu của dự án phấn đấu đến năm 2015 có được 500 trí thức trẻ có trình độ đại học tình nguyện về bố trí chức danh công chức tại các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Đến tháng 6.2015, chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đủ 500 trí thức trẻ về làm việc ở xã. Giai đoạn này chúng tôi tập trung hỗ trợ các bạn trí thức trẻ ở các xã xây dựng chương trình, đề án phát triển KT-XH tại địa phương, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành đánh giá giai đoạn 1 của dự án để xin phép nhân rộng mô hình này.
Bạn Lê Hoàng Quyết: Tôi đề xuất T.Ư Đoàn nên ban hành những quy định chung về các tên tiếng Anh của tổ chức Đoàn, Hội từ cấp T.Ư đến cấp chi đoàn, chi hội. Hiện tại chỉ có Thông tư 03 của Bộ Ngoại giao là có quy định cho hệ thống hành chính nhà nước, còn các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội vẫn chưa có quy định riêng.
Thực tế cho thấy trong qua trình hội nhập và phát triển, các tổ chức Đoàn ngày càng có nhiều mối giao lưu phối hợp với các tổ chức nước ngoài, Tổ chức thanh niên các nước trên thế giới, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới và các thành phố lớn trong cả nước. Tuy nhiên chưa có quy định chung về các chức danh, tên tổ chức Đoàn nên nhiều nơi còn sử dụng khác nhau. Tổ chức Đoàn của các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước mong muốn có tên gọi bằng tiếng Anh các cấp Đoàn từ T.Ư đến chi đoàn, chi hội.
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Chúng tôi rất cảm ơn bạn, lâu nay chúng ta vẫn dịch, vẫn đưa tên gọi tiếng Anh, nhưng đúng là phải có sự thống nhất. Chúng tôi sẽ tiếp thu và Ban Quốc tế của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ thực hiện công việc này.
MC: Lúc này chúng tôi nhận được tín hiệu từ điểm cầu LB Nga. Xin chào các bạn. Cảm ơn các bạn đã dậy rất sớm để tham gia cuộc đối thoại trực tuyến hôm nay. Xin mời các bạn đặt câu hỏi!
Câu hỏi từ Liên bang Nga: Xin chào anh Nguyễn Đắc Vinh và các đồng chí. Xin hỏi anh Vinh một câu rất ngắn gọn như thế này. Theo anh, với những đoàn viên thanh niên đang ở nước ngoài hiện nay, làm thế nào để thể hiện lòng yêu nước đúng cách?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Thực ra, thanh niên Việt Nam ở đâu cũng cần phải thể hiện lòng yêu nước đúng cách. Đối với các bạn đang học tập ở nước ngoài thì theo chúng tôi, cách đơn giản nhất là các bạn phải học tập thật tốt, sớm trở thành những nguồn nhân lực tốt cho đất nước. Quan điểm của Đảng và Nhà nước chúng ta đã rõ rồi, tức là ở đâu mà các bạn phát huy được tốt nhất thì các bạn cứ cống hiến ở đó. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong nước đang rất thiếu. Và nếu học tập tốt, các bạn trở thành những chuyên gia giỏi, những nhân lực chất lượng cao của đất nước thì đất nước rất mong các bạn trở về cống hiến. Đất nước đang trên đà phát triển và chúng ta rất cần những nguồn nhân lực như các bạn. Tôi tin rằng lòng yêu nước đầu tiên là ở việc mình hãy học tập thật tốt, nghiên cứu thật tốt.
Điểm thứ hai chúng tôi suy nghĩ là chúng ta có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng ta hãy xây dựng cộng đồng ấy thực sự đoàn kết, thực sự vững mạnh để hỗ trợ lẫn nhau, như thế cũng là một trong những cách thể hiện lòng yêu nước. Khi có điều kiện, chúng ta hãy biểu hiện lòng yêu nước của mình một cách công khai, một cách trong sáng. Bản thân lòng yêu nước là một điều rất đáng quý, rất thiêng liêng của mỗi cá nhân chúng ta.
MC: Chúng tôi nhận được email của hai bạn du học sinh từ Trung Quốc và Mỹ cho biết các bạn đã đi học tập, rèn luyện ở nước ngoài và muốn về nước có cơ hội cống hiến.
Tôi xin đọc một phần trong bức thư của bạn Hà Minh Ngọc, Nghiên cứu sinh ngành Hóa học tại Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông, Thượng Hải, Trung Quốc: “Nếu như trong thời chiến tất cả người dân nói chung và thanh niên nói riêng luôn sẵn sàng hy sinh mình cho tổ quốc, thì trong thời bình họ luôn tràn đầy nhiệt huyết, nhiều ý tưởng cho công việc và luôn sẵn sàng góp sức mình cho sự ổn định, phát triển chung của đất nước. Chẳng có bạn trẻ nào lại muốn xa tổ ấm thân yêu, xa người thương, gia đình và bạn bè. Trong thâm tâm mỗi người không ai muốn đi xa để nhận lấy sự cô đơn, vất vả trong học tập nghiên cứu để rồi về có thể là sự thất vọng vì không được phát huy kiến thức đã học. Sau tất cả mọi cố gắng, thì ước nguyện duy nhất của những người đi học tập nghiên cứu có năng lực thực sự đó là muốn có chỗ quay về, muốn có môi trường làm việc phù hợp để được làm việc và cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội.
Còn trong bức thư của bạn Trần Hữu Trí, du học sinh tại Texas (Mỹ) nêu câu hỏi: Các cơ quan Đoàn có chế độ đãi ngộ trí thức từ các du học sinh như thế nào, đặc biệt là những du học sinh thuộc diện tự túc, không nằm trong quy hoạch nguồn?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Tôi trả lời ngắn gọn với các bạn thế này: Đối với các bạn nghiên cứu sinh, du học sinh đa phần tôi tiếp xúc đều thấy các bạn là những người có trình độ cao. Các bạn hãy tự tin vào chính mình. Các bạn là những người có năng lực, các bạn cứ về nước. Tôi tin rằng các bạn hoàn toàn có thể cạnh tranh được.
Câu hỏi thứ hai thì vừa qua có rất nhiều bạn du học sinh từ các nước trở về đã tham gia vào T.Ư Đoàn và đã hòa nhập nhanh, hoàn thành rất tốt các công việc của mình. Rất hoan nghênh các bạn.
Còn về quy hoạch cũng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, chính là dựa vào sự cống hiến, phát triển của các bạn chứ không phụ thuộc vào việc các bạn ở đâu.
MC: Tiếp theo chúng tôi nhận được câu hỏi từ Đồng Tháp. Điểm cầu Đồng Tháp: Được biết Tháng Thanh niên năm nay được tổ chức theo 4 tuần hoạt động với 4 chủ đề khác nhau, trong đó có tuần thứ 2 với chủ đề về môi trường. Hiện nay, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang bị hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng. Vậy, Đoàn Thanh niên có hoạt động gì trong Tháng Thanh niên để can thiệp vào vấn đề này, giúp đỡ bà con nông dân ở đây khắc phục thiên tai hay không?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Câu này xin mời đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư T.Ư Đoàn phụ trách lĩnh vực nông thôn, trả lời giúp tôi trước.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư T.Ư Đoàn phụ trách lĩnh vực nông thôn: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Đây là vấn đề lớn được hệ thống chính trị quan tâm. Hôm qua Thủ tướng đã có Chỉ thị về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với tổ chức đoàn, tôi thấy cần căn cứ vào đó để triển khai các giải pháp cho mình, gồm cả giải pháp công trình và phi công trình. Tôi thấy Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang… đã có hoạt động cụ thể như vận chuyển nước sạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các giải pháp khác như xây dựng các công trình thanh niên để ứng phó xâm nhập mặn. Về lâu dài, tôi nghĩ chúng ta cần tham gia tích cực trồng rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn, rừng chắn sóng. Đồng thời tích cực nghiên cứu các phương thức sản xuất mới ứng phó với biến đổi khí hậu.
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Tôi nghĩ đây là vấn đề hệ trọng, đã có sự vào cuộc của Chính phủ. Về phía Đoàn, các cấp đoàn cần huy động được lực lượng thanh niên để tham gia ứng phó với thực trạng cấp bách này.
Điểm cầu Đồng Tháp: Xin đồng chí Bí thư thứ nhất cho biết thêm T.Ư Đoàn có chỉ đạo gì với các cấp đoàn để tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó xâm nhập mặn?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Về bảo vệ môi trường, anh Tuấn nói rồi. Khi nước mặn xâm thực, chúng ta thấy cần giải pháp đồng bộ. Nếu nguồn nước thượng nguồn mà thiếu thì nước biển xâm nhập mặn là khó tránh khỏi. Chúng ta phải tìm biện pháp đối ngoại để nguồn nước thượng nguồn không bị hạ quá thấp. Hai là các biện pháp thủy lợi như ngăn cửa sông để ngăn ngập mặn. Đồng thời tìm cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với ngập mặn. Rồi tìm các giải pháp giải quyết nước sinh hoạt cho người dân. Với những vấn đề cấp bách, các cấp đoàn phải có nội dung cụ thể, giải quyết từng vấn đề. Còn bây giờ nói nhiều quá về tương lai thì không nên, vì tình hình cấp bách đang diễn ra ở nhiều địa phương. Thanh niên có biện pháp gì giúp đỡ người dân về nước sinh hoạt thì nên giúp ngay.
Xin được đặt câu hỏi với NSND Tự Long và Xuân Bắc. Các anh có thể cho biết các anh tham gia hoạt động Đoàn thì được những gì?
NSND Tự Long (Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội): Điều đầu tiên là mỗi con người làm việc theo sở thích, nhất là người Việt, nếu chúng ta không thích thì sẽ rất khó có thể đạt được mục đích mà chúng ta đặt ra. Đôi khi chúng ta bị người khác lôi kéo vào, thấy vui quá chúng ta làm, rồi khi vào đó chúng ta thấy có lợi ích. Chúng tôi đã hoạt động tổ chức Đoàn từ rất lâu, quan trọng nhất là mình phải yêu thích. Các bạn có thể thấy rằng trong cuộc sống bây giờ trẻ tự kỷ rất nhiều, nếu ai không tham gia hoạt động Đoàn thì cũng như trẻ tự kỷ. Vì sống phải có tổ chức, chúng ta tham gia tổ chức Đoàn, chúng ta mới có thể thấy hết ý nghĩa của nó. Đoàn thanh niên luôn cần đến sức trẻ, xã hội rất cần những sự tiếp sức của tuổi trẻ. Quan trọng nhất là Nhà nước phải có những chế tài cho tổ chức Đoàn, nếu hoạt động của chúng ta thế này rất cần sự đầu tư và định hướng cho tương lai.
Nghệ sĩ Xuân Bắc: Khi tham gia tổ chức Đoàn, tôi nói chính xác rằng mình được hoạt động, được trải nghiệm và được lớn lên. Hoạt động đoàn còn có những ý nghĩa lớn lao, tức là mỗi người, ở tuổi trẻ, nếu chúng ta còn trên giảng đường đại học hay trường PTTH và thậm chí là khi ra trường chưa có việc làm hay có việc làm rồi, chúng ta vẫn có tuổi trẻ, sức sống, sức sáng tạo hừng hực, khí thế như vậy. Chúng ta cần phải cống hiến, trước hết không chỉ là cống hiến cho cuộc sống, cho xã hội mà quan điểm của tôi là cống hiến cho chính mình. Mình sống làm sao để tuổi trẻ của mình không bị hoài phí đi. Không phải là lúc nào cũng nói “em nhiều sức quá nhưng em không biết phải làm gì”. Có rất nhiều việc đang chờ các bạn, có rất nhiều điều đang chờ các bạn, có rất nhiều việc có ý nghĩa đang chờ tất cả chúng ta. Chính vì vậy mà hoạt động đoàn cho chúng ta những trải nghiệm, cho chúng ta những kinh nghiệm và cho chúng ta lớn lên. Lớn lên để sau này chúng ta không cảm thấy phí và chúng ta đã đóng góp rất nhiều cho chính mình và cho xã hội.
Vào Đoàn thì được gì? Xin khẳng định luôn, vào Đoàn để chúng ta được hoạt động Đoàn một cách chính quy, chính thống. Đơn giản như vậy thôi. Không phải nghiễm nhiên mà có một tổ chức đoàn mạnh đến như vậy với rất nhiều hội như Hội Sinh viên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Đoàn cho chúng ta một lực lượng được tập trung một cách quy mô trong một sự kiểm soát chặt chẽ, trong sự chỉ đạo, điều hành với những phong trào hết sức có ý nghĩa. Vào Đoàn để chúng ta hoạt động trong một tổ chức, để chúng ta kết liên lại, hợp sức nhau lại kết thành những luồng sóng theo đúng nghĩa, để tạo được những hiệu quả thực sự lớn lao cho xã hội.
Và bên cạnh đó, vào Đoàn để các bạn có cơ hội nói lên tiếng nói của mình và các bạn có thể trả lời với đời bằng những việc làm cụ thể. Dưới những ngọn cờ của phong trào Đoàn, các bạn không chỉ tìm cho mình những đường đi đúng mà các bạn còn giúp đỡ những người xung quanh có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cho nên nếu ở đây trong buổi sáng này mà kể ra là hoạt động Đoàn được gì và vào Đoàn được gì thì có lẽ chúng tôi không kể hết được. Nhưng bằng sự nhiệt huyết mà chúng tôi thực hiện trong suốt nhiều năm nay, mặc dù đã trở thành những nghệ sĩ rất bận rộn nhưng chúng tôi vẫn tham gia hoạt động Đoàn. Kể cả anh Long bây giờ tham gia công tác quản lý nhưng khi chúng tôi có kế hoạch, chúng tôi nói chuyện với nhau là sẽ xếp lịch đi ngay, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chúng tôi đều có mặt hết.
Bình luận (0)