Cho nên tôi thấy là, với Facebook, nếu như trước đây tôi muốn tìm hiểu về một phong trào thì nhiều khi tôi phải đến tận nơi, hoặc tôi phải gọi điện hỏi rất kỹ. Nhưng hiện nay nếu các bạn đưa lên những hình ảnh, những đoạn video ngắn ở những nơi tôi chưa từng đến, tôi có thể ở bất kỳ nơi nào trên đất nước Việt Nam mà vẫn xem, hình dung được về hoạt động của nơi đó.
Phần thứ hai và phần thứ ba tôi muốn nhờ đồng chí Lê Quang Tự Do, Trưởng ban Tuyên giáo của T.Ư Đoàn sẽ trao đổi thêm với các bạn thanh niên.
Thứ hai là chúng tôi vận động cán bộ đoàn, các cấp Đoàn xây dựng những sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội. Ví dụ như những bộ ảnh, những video clip đăng tải những bộ ảnh các hoạt động đoàn tại địa phương của mình.
Thứ ba là chúng tôi cũng kết nối với những bạn admin của các trang Facebook nổi tiếng khác, những người nổi tiếng để cùng tham gia, đưa tin, tuyên truyền các hoạt động của tổ chức Đoàn. Tiện ích thì rất lớn, đây là kênh thông tin hữu hiệu để có thể lan tỏa được rất nhiều thông tin về đoàn đến với giới trẻ và qua một hình thức rất gần gũi chứ không phải nặng nề… các bạn cảm nhận và đến với tổ chức đoàn một cách tự nhiên.
MC: Đồng chí Bí thư thứ nhất có suy nghĩ gì về vấn đề cần rèn luyện để nâng cao tầm vóc của thanh niên Việt Nam?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Vấn đề này tôi sẽ nhờ anh Bùi Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức T.Ư Đoàn trả lời.
Anh Bùi Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức T.Ư Đoàn: Theo tôi, trong những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển thanh niên, trong đó đã có những biện pháp thúc đẩy về mặt dinh dưỡng, thể dục thể thao, bổ sung thiết chế cho các bạn sinh viên, đặc biệt trong việc rèn luyện để nâng cao tầm vóc của thanh niên Việt Nam.
Đương nhiên, nếu chúng ta nhìn ra thế giới, phát triển tầm vóc của chúng ta có thể chưa bằng các nước bạn. Tuy nhiên, theo những số liệu thống kê gần đây, tầm vóc của các bạn sinh viên Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể. Tôi hy vọng với việc tập luyện một môn thể thao nào đó thường xuyên, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, các bạn sinh viên Việt Nam sẽ có một tầm vóc tốt hơn. Tôi thấy, hiện nay tầm vóc của các bạn sinh viên thế hệ 9X đang tốt hơn rất nhiều thế hệ 7X.
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Theo tôi, tầm vóc của con người phụ thuộc rất nhiều vào gene di truyền của dân tộc đó, phụ thuộc vào dinh dưỡng và chế độ rèn luyện. Có thể là một bộ phận thanh thiếu niên uống rượu nhiều, không chú trọng đến thể dục thể thao sẽ ảnh hưởng đến phát triển về mặt thể hình. Chính vì vậy, nếu chúng ta không siêng năng tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, sẽ ảnh hưởng nhiều đến tầm vóc của chúng ta.
Bạn Nguyễn Tuyết: Em muốn hỏi về dự án "Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020". Em là sinh viên tốt nghiệp vào tháng 3.2016. Em muốn tham gia đề án thì làm thế nào? Có còn cơ hội không?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Câu hỏi này tôi xin chuyển đến đồng chí phụ trách trực tiếp đề án này đến từ Bộ Nội vụ sẽ giúp chúng tôi trực tiếp trao đổi với bạn.
Đại diện Bộ Nội vụ: Xin cảm ơn bạn đã quan tâm đến đề án này. Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với T.Ư Đoàn triển khai. Mục tiêu của dự án phấn đấu đến năm 2015 có được 500 trí thức trẻ có trình độ đại học tình nguyện về bố trí chức danh công chức tại các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Đến tháng 6.2015, chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đủ 500 trí thức trẻ về làm việc ở xã. Giai đoạn này chúng tôi tập trung hỗ trợ các bạn trí thức trẻ ở các xã xây dựng chương trình, đề án phát triển KT-XH tại địa phương, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành đánh giá giai đoạn 1 của dự án để xin phép nhân rộng mô hình này.
Bạn Lê Hoàng Quyết: Tôi đề xuất T.Ư Đoàn nên ban hành những quy định chung về các tên tiếng Anh của tổ chức Đoàn, Hội từ cấp T.Ư đến cấp chi đoàn, chi hội. Hiện tại chỉ có Thông tư 03 của Bộ Ngoại giao là có quy định cho hệ thống hành chính nhà nước, còn các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội vẫn chưa có quy định riêng.
Thực tế cho thấy trong qua trình hội nhập và phát triển, các tổ chức Đoàn ngày càng có nhiều mối giao lưu phối hợp với các tổ chức nước ngoài, Tổ chức thanh niên các nước trên thế giới, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới và các thành phố lớn trong cả nước. Tuy nhiên chưa có quy định chung về các chức danh, tên tổ chức Đoàn nên nhiều nơi còn sử dụng khác nhau. Tổ chức Đoàn của các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước mong muốn có tên gọi bằng tiếng Anh các cấp Đoàn từ T.Ư đến chi đoàn, chi hội.
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Chúng tôi rất cảm ơn bạn, lâu nay chúng ta vẫn dịch, vẫn đưa tên gọi tiếng Anh, nhưng đúng là phải có sự thống nhất. Chúng tôi sẽ tiếp thu và Ban Quốc tế của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ thực hiện công việc này.
MC: Lúc này chúng tôi nhận được tín hiệu từ điểm cầu LB Nga. Xin chào các bạn. Cảm ơn các bạn đã dậy rất sớm để tham gia cuộc đối thoại trực tuyến hôm nay. Xin mời các bạn đặt câu hỏi!
Câu hỏi từ Liên bang Nga: Xin chào anh Nguyễn Đắc Vinh và các đồng chí. Xin hỏi anh Vinh một câu rất ngắn gọn như thế này. Theo anh, với những đoàn viên thanh niên đang ở nước ngoài hiện nay, làm thế nào để thể hiện lòng yêu nước đúng cách?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Thực ra, thanh niên Việt Nam ở đâu cũng cần phải thể hiện lòng yêu nước đúng cách. Đối với các bạn đang học tập ở nước ngoài thì theo chúng tôi, cách đơn giản nhất là các bạn phải học tập thật tốt, sớm trở thành những nguồn nhân lực tốt cho đất nước. Quan điểm của Đảng và Nhà nước chúng ta đã rõ rồi, tức là ở đâu mà các bạn phát huy được tốt nhất thì các bạn cứ cống hiến ở đó. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong nước đang rất thiếu. Và nếu học tập tốt, các bạn trở thành những chuyên gia giỏi, những nhân lực chất lượng cao của đất nước thì đất nước rất mong các bạn trở về cống hiến. Đất nước đang trên đà phát triển và chúng ta rất cần những nguồn nhân lực như các bạn. Tôi tin rằng lòng yêu nước đầu tiên là ở việc mình hãy học tập thật tốt, nghiên cứu thật tốt.
Điểm thứ hai chúng tôi suy nghĩ là chúng ta có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng ta hãy xây dựng cộng đồng ấy thực sự đoàn kết, thực sự vững mạnh để hỗ trợ lẫn nhau, như thế cũng là một trong những cách thể hiện lòng yêu nước. Khi có điều kiện, chúng ta hãy biểu hiện lòng yêu nước của mình một cách công khai, một cách trong sáng. Bản thân lòng yêu nước là một điều rất đáng quý, rất thiêng liêng của mỗi cá nhân chúng ta.
MC: Chúng tôi nhận được email của hai bạn du học sinh từ Trung Quốc và Mỹ cho biết các bạn đã đi học tập, rèn luyện ở nước ngoài và muốn về nước có cơ hội cống hiến.
Tôi xin đọc một phần trong bức thư của bạn Hà Minh Ngọc, Nghiên cứu sinh ngành Hóa học tại Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông, Thượng Hải, Trung Quốc: “Nếu như trong thời chiến tất cả người dân nói chung và thanh niên nói riêng luôn sẵn sàng hy sinh mình cho tổ quốc, thì trong thời bình họ luôn tràn đầy nhiệt huyết, nhiều ý tưởng cho công việc và luôn sẵn sàng góp sức mình cho sự ổn định, phát triển chung của đất nước. Chẳng có bạn trẻ nào lại muốn xa tổ ấm thân yêu, xa người thương, gia đình và bạn bè. Trong thâm tâm mỗi người không ai muốn đi xa để nhận lấy sự cô đơn, vất vả trong học tập nghiên cứu để rồi về có thể là sự thất vọng vì không được phát huy kiến thức đã học. Sau tất cả mọi cố gắng, thì ước nguyện duy nhất của những người đi học tập nghiên cứu có năng lực thực sự đó là muốn có chỗ quay về, muốn có môi trường làm việc phù hợp để được làm việc và cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội.
Còn trong bức thư của bạn Trần Hữu Trí, du học sinh tại Texas (Mỹ) nêu câu hỏi: Các cơ quan Đoàn có chế độ đãi ngộ trí thức từ các du học sinh như thế nào, đặc biệt là những du học sinh thuộc diện tự túc, không nằm trong quy hoạch nguồn?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Tôi trả lời ngắn gọn với các bạn thế này: Đối với các bạn nghiên cứu sinh, du học sinh đa phần tôi tiếp xúc đều thấy các bạn là những người có trình độ cao. Các bạn hãy tự tin vào chính mình. Các bạn là những người có năng lực, các bạn cứ về nước. Tôi tin rằng các bạn hoàn toàn có thể cạnh tranh được.
Câu hỏi thứ hai thì vừa qua có rất nhiều bạn du học sinh từ các nước trở về đã tham gia vào T.Ư Đoàn và đã hòa nhập nhanh, hoàn thành rất tốt các công việc của mình. Rất hoan nghênh các bạn.
Còn về quy hoạch cũng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, chính là dựa vào sự cống hiến, phát triển của các bạn chứ không phụ thuộc vào việc các bạn ở đâu.
MC: Tiếp theo chúng tôi nhận được câu hỏi từ Đồng Tháp. Điểm cầu Đồng Tháp: Được biết Tháng Thanh niên năm nay được tổ chức theo 4 tuần hoạt động với 4 chủ đề khác nhau, trong đó có tuần thứ 2 với chủ đề về môi trường. Hiện nay, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang bị hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng. Vậy, Đoàn Thanh niên có hoạt động gì trong Tháng Thanh niên để can thiệp vào vấn đề này, giúp đỡ bà con nông dân ở đây khắc phục thiên tai hay không?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Câu này xin mời đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư T.Ư Đoàn phụ trách lĩnh vực nông thôn, trả lời giúp tôi trước.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư T.Ư Đoàn phụ trách lĩnh vực nông thôn: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Đây là vấn đề lớn được hệ thống chính trị quan tâm. Hôm qua Thủ tướng đã có Chỉ thị về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với tổ chức đoàn, tôi thấy cần căn cứ vào đó để triển khai các giải pháp cho mình, gồm cả giải pháp công trình và phi công trình. Tôi thấy Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang… đã có hoạt động cụ thể như vận chuyển nước sạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các giải pháp khác như xây dựng các công trình thanh niên để ứng phó xâm nhập mặn. Về lâu dài, tôi nghĩ chúng ta cần tham gia tích cực trồng rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn, rừng chắn sóng. Đồng thời tích cực nghiên cứu các phương thức sản xuất mới ứng phó với biến đổi khí hậu.
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Tôi nghĩ đây là vấn đề hệ trọng, đã có sự vào cuộc của Chính phủ. Về phía Đoàn, các cấp đoàn cần huy động được lực lượng thanh niên để tham gia ứng phó với thực trạng cấp bách này.
Điểm cầu Đồng Tháp: Xin đồng chí Bí thư thứ nhất cho biết thêm T.Ư Đoàn có chỉ đạo gì với các cấp đoàn để tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó xâm nhập mặn?
Anh Nguyễn Đắc Vinh: Về bảo vệ môi trường, anh Tuấn nói rồi. Khi nước mặn xâm thực, chúng ta thấy cần giải pháp đồng bộ. Nếu nguồn nước thượng nguồn mà thiếu thì nước biển xâm nhập mặn là khó tránh khỏi. Chúng ta phải tìm biện pháp đối ngoại để nguồn nước thượng nguồn không bị hạ quá thấp. Hai là các biện pháp thủy lợi như ngăn cửa sông để ngăn ngập mặn. Đồng thời tìm cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với ngập mặn. Rồi tìm các giải pháp giải quyết nước sinh hoạt cho người dân. Với những vấn đề cấp bách, các cấp đoàn phải có nội dung cụ thể, giải quyết từng vấn đề. Còn bây giờ nói nhiều quá về tương lai thì không nên, vì tình hình cấp bách đang diễn ra ở nhiều địa phương. Thanh niên có biện pháp gì giúp đỡ người dân về nước sinh hoạt thì nên giúp ngay.
Xin được đặt câu hỏi với NSND Tự Long và Xuân Bắc. Các anh có thể cho biết các anh tham gia hoạt động Đoàn thì được những gì?
NSND Tự Long (Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội): Điều đầu tiên là mỗi con người làm việc theo sở thích, nhất là người Việt, nếu chúng ta không thích thì sẽ rất khó có thể đạt được mục đích mà chúng ta đặt ra. Đôi khi chúng ta bị người khác lôi kéo vào, thấy vui quá chúng ta làm, rồi khi vào đó chúng ta thấy có lợi ích. Chúng tôi đã hoạt động tổ chức Đoàn từ rất lâu, quan trọng nhất là mình phải yêu thích. Các bạn có thể thấy rằng trong cuộc sống bây giờ trẻ tự kỷ rất nhiều, nếu ai không tham gia hoạt động Đoàn thì cũng như trẻ tự kỷ. Vì sống phải có tổ chức, chúng ta tham gia tổ chức Đoàn, chúng ta mới có thể thấy hết ý nghĩa của nó. Đoàn thanh niên luôn cần đến sức trẻ, xã hội rất cần những sự tiếp sức của tuổi trẻ. Quan trọng nhất là Nhà nước phải có những chế tài cho tổ chức Đoàn, nếu hoạt động của chúng ta thế này rất cần sự đầu tư và định hướng cho tương lai.
Nghệ sĩ Xuân Bắc: Khi tham gia tổ chức Đoàn, tôi nói chính xác rằng mình được hoạt động, được trải nghiệm và được lớn lên. Hoạt động đoàn còn có những ý nghĩa lớn lao, tức là mỗi người, ở tuổi trẻ, nếu chúng ta còn trên giảng đường đại học hay trường PTTH và thậm chí là khi ra trường chưa có việc làm hay có việc làm rồi, chúng ta vẫn có tuổi trẻ, sức sống, sức sáng tạo hừng hực, khí thế như vậy. Chúng ta cần phải cống hiến, trước hết không chỉ là cống hiến cho cuộc sống, cho xã hội mà quan điểm của tôi là cống hiến cho chính mình. Mình sống làm sao để tuổi trẻ của mình không bị hoài phí đi. Không phải là lúc nào cũng nói “em nhiều sức quá nhưng em không biết phải làm gì”. Có rất nhiều việc đang chờ các bạn, có rất nhiều điều đang chờ các bạn, có rất nhiều việc có ý nghĩa đang chờ tất cả chúng ta. Chính vì vậy mà hoạt động đoàn cho chúng ta những trải nghiệm, cho chúng ta những kinh nghiệm và cho chúng ta lớn lên. Lớn lên để sau này chúng ta không cảm thấy phí và chúng ta đã đóng góp rất nhiều cho chính mình và cho xã hội.
Vào Đoàn thì được gì? Xin khẳng định luôn, vào Đoàn để chúng ta được hoạt động Đoàn một cách chính quy, chính thống. Đơn giản như vậy thôi. Không phải nghiễm nhiên mà có một tổ chức đoàn mạnh đến như vậy với rất nhiều hội như Hội Sinh viên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Đoàn cho chúng ta một lực lượng được tập trung một cách quy mô trong một sự kiểm soát chặt chẽ, trong sự chỉ đạo, điều hành với những phong trào hết sức có ý nghĩa. Vào Đoàn để chúng ta hoạt động trong một tổ chức, để chúng ta kết liên lại, hợp sức nhau lại kết thành những luồng sóng theo đúng nghĩa, để tạo được những hiệu quả thực sự lớn lao cho xã hội.
Và bên cạnh đó, vào Đoàn để các bạn có cơ hội nói lên tiếng nói của mình và các bạn có thể trả lời với đời bằng những việc làm cụ thể. Dưới những ngọn cờ của phong trào Đoàn, các bạn không chỉ tìm cho mình những đường đi đúng mà các bạn còn giúp đỡ những người xung quanh có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cho nên nếu ở đây trong buổi sáng này mà kể ra là hoạt động Đoàn được gì và vào Đoàn được gì thì có lẽ chúng tôi không kể hết được. Nhưng bằng sự nhiệt huyết mà chúng tôi thực hiện trong suốt nhiều năm nay, mặc dù đã trở thành những nghệ sĩ rất bận rộn nhưng chúng tôi vẫn tham gia hoạt động Đoàn. Kể cả anh Long bây giờ tham gia công tác quản lý nhưng khi chúng tôi có kế hoạch, chúng tôi nói chuyện với nhau là sẽ xếp lịch đi ngay, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chúng tôi đều có mặt hết.
Bình luận (0)