Chiều 28.12, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh có buổi đối thoại với các đoàn viên công đoàn và người lao động trên địa bàn tỉnh xoay quanh vấn đề nhà ở xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai phát biểu tại buổi đối thoại |
LÊ LÂM |
Công nhân quan tâm đến nhà ở xã hội
Nhiều câu hỏi sát với thực tế đã được các công nhân đặt ra trong buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Cụ thể chị Nguyễn Thị Mai (Công ty Formosa, H.Nhơn Trạch) nêu vấn đề: “Hiện nay căn hộ chung cư cho người có thu nhập thấp, diện tích từ 35 - 40 m2 có giá từ 600 - 900 triệu đồng, tỉnh có chính sách gì để hạ mức giá xuống còn 300 - 400 triệu đồng?”.
Anh Phạm Trung Thuyên (Công ty Vedan, H.Long Thành) thắc mắc: “Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó hơn 50% là lao động nhập cư, nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Tỉnh có những chính sách gì để đáp ứng nhu cầu nhà ở của lực lượng này?”
Anh Phạm Trung Thuyên đặt câu hỏi với Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh |
LÊ LÂM |
Anh Nguyễn Quốc Hưng (Công ty Elite, H.Long Thành) băn khoăn khi được biết lãnh đạo tỉnh Đồng Nai rất quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, nhưng thực tế đến nay có rất ít dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư xây dựng. "Nguyên nhân do đâu, sắp tới tỉnh có giải pháp gì để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội nhiều hơn?”, anh Hưng đặt câu hỏi.
Trả lời những thắc mắc trên, lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai cho biết trước đây chưa có quy định doanh nghiệp được đầu tư khu công nghiệp và cũng chưa có hướng dẫn thực hiện, địa phương lập quy hoạch thì chưa chú trọng dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở xã hội cho công nhân lao động như hiện nay.
Về giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo các sở, ngành cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai. Theo đó, Đồng Nai hiện có 13 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích 59,3ha, khả năng đáp ứng gần 8.200 căn hộ đang được triển khai; 9 dự án khác với diện tích 25,8 ha, bố trí khoảng 6.000 căn hộ đang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Một dự án nhà ở xã hội ở H.Nhơn Trạch |
LÊ LÂM |
Về lâu dài, Sở Xây dựng cho biết khi lập quy hoạch phải xác định rõ đất xây dựng nhà ở xã hội; doanh nghiệp khi đầu tư khu công nghiệp có trách nhiệm đầu tư khu nhà ở công nhân gắn với khu công nghiệp đó. Đối với các khu công nghiệp đã thành lập thì rà soát các khu đất chưa sử dụng để bố trí nhà ở xã hội cho công nhân.
Sớm hoàn thiện đề án phát triển nhà ở xã hội
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai nhanh chóng hoàn thiện đề án phát triển nhà ở xã hội cho người lao động. Ông Lĩnh yêu cầu từ nay đến 2025 phải trình Ban thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng lưu ý các địa phương phải tìm thêm nhiều địa điểm, dành nhiều quỹ đất hơn nữa cho nhà ở xã hội.
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, để giải quyết bài toán nhà ở xã hội, cần tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi: quy hoạch và bố trí quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Quỹ đất này phải được phân bổ đều ở các huyện, thành phố, gần nơi làm việc của công nhân. Chỗ nào đông công nhân thì cần nhiều dự án nhà ở xã hội. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp cũng như người dân được tiếp cận nguồn vốn vay; khi xây dựng phải tính toàn làm sao cho ra đời những căn nhà ở xã hội với giá cả hợp lý nhất.
Cũng theo ông Lĩnh, nhà ở xã hội thì phải bán cho đúng đối tượng thụ hưởng thì chương trình này mới thực sự mang lại ý nghĩa.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có hơn 1,2 triệu lao động, trong đó phần lớn là người nhập cư, nhu cầu nhà ở là rất lớn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 3 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô 2.893 căn được hoàn thành. Hiện tại đa số công nhân đều sống tạm bợ trong những căn phòng trọ chật hẹp. Theo thống kê, Đồng Nai có khoảng 20.000 khu nhà trọ với khoảng hơn 150.000 phòng trọ, đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho công nhân, người lao động.
Bình luận (0)