Tới hết ngày 28.10, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã tổ chức Đại hội Đảng bộ, bầu bí thư tỉnh, thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Độ tuổi trung bình 52,3; có 9 bí thư tỉnh ủy là nữ
Theo thống kê của Thanh Niên, trong số 63 bí thư tỉnh ủy khóa mới, có 27 người có độ tuổi dưới 50 (tính tới thời điểm đại hội - PV), chiếm 42,6%. Độ tuổi từ 51 - 59 có 34 người, chiếm 53,97%. 2 người có độ tuổi trên 60, chiếm 3,17%.
Độ tuổi trung bình của 63 bí thư tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 52,3.
Bí thư Tỉnh ủy trẻ tuổi nhất cả nước là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong. Ông Phong năm nay 42 tuổi; trước khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Phong là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; và đang là Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng khóa XII, đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Hai bí thư tỉnh ủy cùng 44 tuổi là ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; và ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Hai bí thư tỉnh, thành ủy lớn tuổi nhất là Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, đều bước sang tuổi 63. Ông Huệ là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII; còn ông Nên là Bí thư T.Ư Đảng khóa XII.
Theo quy định, cả 2 ông đều đủ tuổi tái cử khóa XIII (quy định tái cử với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là không quá 65 tuổi, tính tới thời điểm tổ chức đại hội XIII, dự kiến quý I/2021 - PV).
|
Trong 63 bí thư tỉnh, thành ủy nhiệm kỳ 2020, có 9 người là nữ (14,29%) và 54 người là nam (85,71%).
9 bí thư tỉnh ủy là nữ gồm: bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; bà Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; và bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu.
Nữ bí thư Tỉnh ủy trẻ tuổi nhất là bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, năm nay 46 tuổi. Người lớn tuổi nhất là bà Giàng Páo Mỷ, năm nay 57 tuổi.
34 bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương
Trong số 63 bí thư tỉnh, thành ủy khóa mới, có 29 ủy viên T.Ư Đảng khóa XII (46%), trong đó gồm 1 ủy viên Bộ Chính trị (Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ) và 1 Bí thư T.Ư Đảng (Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên). Ngoài ra, có 12 ủy viên T.Ư dự khuyết khóa XII. 22 người còn lại chưa tham gia T.Ư khóa XII.
Trong số 63 bí thư tỉnh, thành ủy khóa mới, có 41 người tái đắc cử (là bí thư tỉnh ủy nhiệm kỳ trước), chiếm 65,08%; 22 người là các bí thư được bầu mới, chiếm 34,92%.
Các tỉnh, thành có tân bí thư gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hòa Bình, Kiên Giang, Lâm Đồng, Lào Cai, Long An, Sóc Trăng, Thanh Hóa, TP.HCM, Trà Vinh, và Yên Bái.
Trong 63 bí thư tỉnh, thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 34 bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương (53,97%). 29 người là người địa phương (46,03%).
Trong số 63 bí thư tỉnh, thành ủy khóa mới, có 52 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, chiếm tới 82,54%. Trong đó, số người có trình độ tiến sĩ là 19 người, chiếm 30,16%; số người có trình độ thạc sĩ là 33 người, chiếm 52,38%; số người có trình độ cử nhân, kỹ sư chỉ có 11 người, chiếm 17,46%.
Về chuyên môn, có tới 25 trong số 63 bí thư tỉnh, thành ủy có chuyên môn (cao nhất - PV) về lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh, chiếm 39,68%. Tiếp theo là ngành luật với 13 người, chiếm 20,63%; còn lại là các ngành nghề khác.
Theo các thông tin đã được công bố, trong số 63 bí thư tỉnh, thành ủy khóa mới, có 2 người có học hàm PGS và 1 người có học hàm GS.
Người có học hàm GS là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Ông Huệ xuất thân là giảng viên Học viện Tài chính, là GS Kinh tế.
2 người có học hàm PGS là bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.
|
Bình luận (0)