Sáng 26.10, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa đi đôi với thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trên địa bàn thành phố".
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì hội thảo.
Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng cơ quan thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TP.HCM lo ngại trước tình trạng cán bộ e ngại, thiếu chủ động, co cụm, cầu an và thận trọng quá mức được dư luận phản ánh nhiều trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, tổ chức và các địa phương trước khi quyết định vấn đề gì đều hỏi ý kiến, xin chủ trương, thỏa thuận, thống nhất cơ quan cấp trên hoặc cơ quan liên quan khiến hồ sơ bị ách tắc, chậm trễ.
Bàn về câu chuyện cán bộ sợ trách nhiệm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng phải đi tận gốc của vấn đề, gặp gỡ cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ. "Phải nghe cán bộ trình bày rõ vướng quy định, thông tư nghị định, luật nào và đề xuất tháo gỡ ra sao", bà Tâm đề xuất và nhấn mạnh thông qua việc gặp gỡ này sẽ xác định được cán bộ ngại khó không làm và cán bộ muốn làm nhưng không thể làm vì vướng quy định.
Các ý kiến nêu tại hội thảo đều thống nhất với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng tập trung thực hiện với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề nghị cần có danh hiệu cho các cá nhân làm tốt công tác phòng chống tham nhũng và đơn vị không để xảy ra tham nhũng. Bên cạnh đó, tôn vinh cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhất là những lĩnh vực khó, cần bản lĩnh của người thực hiện.
Xem xét đến cùng khi xử lý cán bộ
Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định trong hơn 93 năm qua, Đảng luôn xác định phòng chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến đấu gay go giữa cái tốt với cái xấu.
Đó cũng là cuộc chiến đấu giữa đạo đức "cần kiệm liêm chính" với kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Việc này được thực hiện thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ gắn với nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Chia sẻ về cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nên nhìn nhận đây thực sự là "kim chỉ nam" trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và là tài liệu có giá trị cao về lý luận và thực tiễn.
Cuốn sách đã hệ thống quan điểm xuyên suốt với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, giống như lời hiệu triệu thuyết phục nhất, động viên và củng cố thêm niềm tin trong cuộc chiến đấu có ý nghĩa hệ trọng này.
Vận dụng vào thực tiễn địa phương, Bí thư TP.HCM lưu ý đến phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, đồng thời nhấn mạnh phải quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục lý tưởng, nâng cao chất lượng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, người đứng đầu phải giữ vai trò nêu gương, nói đi đôi với làm, phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, gần gũi người dân.
Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Nên cho rằng phải gắn kết chặt chẽ giữa xây và chống, mà việc đầu tiên là phải tạo hành lang pháp lý an toàn trong thực thi công vụ và chủ động phòng ngừa, khắc phục nguyên nhân, điều kiện có thể xảy ra tham nhũng.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Cũng theo người đứng đầu Thành ủy TP.HCM, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn với thực hiện quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải hết sức công tâm, minh bạch; không máy móc trong xem xét giữa đổi mới, sáng tạo với cố ý làm trái quy định.
"Khi đụng đến vấn đề xảy ra có liên quan đến cán bộ chúng tôi đặt lên bàn xem bản chất là gì, là động cơ vụ lợi, cố ý làm trái hay là năng động, đổi mới sáng tạo để đưa ra đường lối xét xử thỏa đáng. Khi xét xử đúng người, đúng tội, đúng bản chất vấn đề thì sẽ tạo tác động lan tỏa rất mạnh mẽ", ông Nên chia sẻ và khẳng định việc xử lý kỷ luật cán bộ của TP.HCM không nóng vội cũng không chịu bất cứ một tác động nào.
Bởi theo Bí thư TP.HCM, cán bộ cũng có danh dự, có gia đình nên khi gặp rủi ro thì phải xem xét đến cùng để xử lý thấu đáo.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương giới thiệu những giá trị và nội dung cốt lõi trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách gồm 3 phần chính: một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; nhất quán phương châm "phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc; trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.
Ông Học cho biết cuốn sách được ví như cẩm nang gối đầu giường cho cán bộ, đảng viên và những người trực tiếp tham gia công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Bình luận (0)