Trong thông cáo phát đi, đại diện Grab cho rằng: “Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM hôm nay rõ ràng đã gửi đi một thông điệp tiêu cực đến các công ty công nghệ và các doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đầu tư, sáng tạo, phát triển và mở ra tiềm năng mới cho nền kinh tế số đang phát triển rất mạnh mẽ và sôi động tại Việt Nam”.
Gọi bản án là “phản cạnh tranh”, theo Grab, bản án sẽ tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp truyền thống, khuyến khích họ duy trì tình trạng trì trệ bằng cách kiện các đối thủ, thay vì cần liên tục đổi mới, ứng dụng công nghệ để duy trì ưu thế cạnh tranh.
Lãnh đạo Grab cũng nhắc lại kiến nghị của đại diện của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM rằng Vinasun đã không thể chứng minh được thiệt hại, cũng như Công ty cổ phần thẩm định - giám định Cửu Long (gọi tắt là Cửu Long) tiếp tục vắng mặt để tham gia quá trình tranh luận là vi phạm quy định pháp luật.
Theo Grab, việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý đối với dịch vụ xe hợp đồng điện tử là một công việc phức tạp - từ Đề án thí điểm theo Quyết định 24 cho đến dự thảo Nghị định 86 hiện tại. Vì vậy, không công bằng khi xác định bản chất doanh nghiệp trong khi khung pháp lý cho xe hợp đồng điện tử vẫn còn đang trong quá trình thảo luận, chỉnh sửa.
“Chúng tôi sẽ kháng cáo với phán quyết sơ thẩm này của Tòa án nhân dân TP.HCM. Chúng tôi hy vọng tòa án cấp cao hơn sẽ nghiên cứu tài liệu và các luận cứ tranh tụng cẩn trọng hơn để đưa ra phán quyết một cách có trách nhiệm, vì lợi ích của người tiêu dùng, vì môi trường đầu tư lành mạnh và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Jerry Lim cho biết.
Sáng nay, 28.12, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ kiện “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Theo đó, Hội đồng xét xử đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun khoảng 4,8 tỉ đồng. Đồng thời, Hội đồng xét xử cho rằng Grab là công ty vận tải và khẳng định Grab vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng Đề án thí điểm 24.
Vụ kiện Vinasun với Grab đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp và chuyên gia. Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be Group, một ứng dụng gọi xe Việt khác, cho biết rất ủng hộ phán quyết của Hội đồng xét xử.
“Mong muốn của “Be” cũng như các doanh nghiệp vận tải khác là tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để mang lại quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng, cũng như phải tuân thủ đầy đủ điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước.
Quan điểm cá nhân của tôi đây là dịch vụ vận tải vì bản chất chúng ta đưa khách từ điểm A đến điểm B. Tất cả chuỗi công nghệ khoa học, gọi tắt là 4.0, chỉ giúp tối ưu hoá công việc, giúp ngành vận tải làm tốt hơn”, ông Hải cho hay.
|
Bình luận (0)