Bia đá trong di tích quốc gia bị dùng làm tường rào

14/08/2023 07:16 GMT+7

Quần thể di tích cấp quốc gia Lê Thì Hiến là di tích về lịch sử, nghệ thuật, bia và lăng mộ của danh tướng Lê Thì Hiến và danh tướng Lê Thì Hải (xã Thọ Phú, H.Triệu Sơn, Thanh Hóa). Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1993.

Tuy nhiên, ngoài khu lăng mộ, bia đá ghi danh danh tướng Lê Thì Hiến được bảo quản, trông coi cẩn thận ở khu đất rộng hơn 7 ha còn các bia ghi danh danh tướng Lê Thì Hải (ở thôn 2, xã Thọ Phú) lại bị lãng quên, không người trông coi. Thậm chí, các tấm bia còn bị dùng làm tường rào của nhà dân, nằm trơ trọi cạnh chuồng chăn nuôi gia súc gia cầm.

Bia đá trong di tích quốc gia bị dùng làm tường rào - Ảnh 1.

Tấm bia đá nằm trong quần thể di tích quốc gia ở Thanh Hóa bị lãng quên nhiều năm

Minh Hải

Theo sách Văn bia thời Lê Trung Hưng (tập 3, NXB Thanh Hóa 2016), các bia đá trong quần thể di tích Lê Thì Hiến có niên đại Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710). Trong đó, khu vực được xem là nơi thờ cúng danh tướng Lê Thì Hải có 2 tấm bia đá và hiện đang nằm trong khuôn viên đất của gia đình ông Dương Bá Hùng (47 tuổi). Trong đó, một tấm bia dài gần 5 m, cao gần 3 m, dày khoảng 20 cm ghi lại công trạng của các vị tướng họ Lê. Tuy nhiên, tấm bia này nằm dọc đường giao thông trong thôn, nên gia đình ông Hùng đã tận dụng sử dụng tấm bia và xây thành tường rào bao quanh khu đất. Tấm bia còn lại ghi công lao của danh tướng Lê Thì Hải. Bia cao hơn 2 m, rộng gần 2 m, được chạm khắc tinh xảo, hiện đang nằm cạnh khu vực chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình ông Dương Bá Hùng.

Ông Hùng cho biết lớn lên ông đã thấy có 2 tấm bia đá trong vườn nhà. Gia đình ông cũng biết các tấm bia đá nằm trong quần thể di tích quốc gia Lê Thì Hiến nên khi xây dựng nhà cửa, chuồng trại đều tránh, không đụng chạm đến các bia đá. Tuy nhiên, gia đình ông cũng mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp để vừa bảo tồn, giữ gìn được bia đá, vừa đảm bảo chỗ ở ổn định cho gia đình. "Nếu được chính quyền địa phương và các cấp bố trí khu đất khác thì gia đình tôi đồng ý di chuyển đi nơi khác để nhường khu đất rộng gần 1.000 m2 cho cơ quan chức năng lấy làm khu di tích lịch sử. Trước đây chính quyền cũng đã bàn tính chuyện này, nhưng không hiểu sao sau đó không thực hiện", ông Hùng cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Quy, Chủ tịch UBND xã Thọ Phú, cho biết các tấm bia nằm trong khu đất đã được nhà nước công nhận quyền sử dụng của dân, và các tấm bia cũng còn nguyên vẹn, không bị tác động gây hư hỏng. "Trước mắt, xã sẽ bố trí nhân lực để dọn dẹp vệ sinh khu vực 2 tấm bia, đồng thời trông coi, bảo quản để các tấm bia đá không bị hư hỏng. Tiếp đó, chúng tôi sẽ báo cáo với UBND H.Triệu Sơn để tìm hướng giải quyết cho hợp lý", ông Quy nói.

Theo ông Lê Hồng Phong, Trưởng phòng Văn hóa thông tin H.Triệu Sơn, đơn vị này đang chuẩn bị báo cáo, tham mưu cho UBND H.Triệu Sơn để xin ý kiến chỉ đạo. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.