Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (UNESCAP) phối hợp cùng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức, với sự hỗ trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates.
Để đáp ứng các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững (được Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 25.9.2015), khu vực tư nhân được đánh giá sẽ đóng một vai trò lớn, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh bao trùm. Đây là các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sinh kế trên cơ sở khả thi về mặt thương mại, ở quy mô lớn hoặc có thể mở rộng, cho những người có thu nhập thấp bằng cách đưa họ trở thành một phần của chuỗi giá trị trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp với tư cách là nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà bán lẻ hoặc khách hàng. Có nhiều mô hình kinh doanh bao trùm - đặc biệt là mô hình doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp - hoạt động trên khắp châu Á và Thái Bình Dương có giá trị, khả năng thương mại và tác động xã hội ở quy mô lớn.
Tuy nhiên, tiếp cận tài chính vẫn là một vấn đề lớn đối với nhiều doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng hoạt động hoặc tăng cường tác động của họ. Do đó, diễn đàn nhằm giúp xác định các cơ hội đầu tư, tài trợ cho các mô hình doanh nghiệp kinh doanh bao trùm và tạo điều kiện hiện thực hóa các cơ hội đó; đồng thời mang đến cơ hội kết nối, giới thiệu mô hình kinh doanh bao trùm nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, hệ thống thực phẩm ở Việt Nam và quốc tế. Tại phiên thảo luận, đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư… cùng các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ kiến thức thực tiễn và công cụ giúp doanh nghiệp kinh doanh bao trùm được công nhận, tiếp cận tài nguyên và tăng cường tác động của họ.
Đại diện BIDV, bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp, chia sẻ: "BIDV là một trong những ngân hàng tiên phong, chủ động trong việc thực hiện các định hướng, chính sách của Chính phủ và ngành ngân hàng; đồng thời tích cực hỗ trợ nguồn vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) kinh doanh phát triển. Đặc biệt, BIDV luôn quan tâm, ủng hộ, sẵn sàng chia sẻ và hợp tác với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên như: doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp; doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm, nhất là các doanh nghiệp chuyển đổi xanh... Hiện nay, số lượng khách hàng SME tại BIDV đạt gần 500 nghìn doanh nghiệp, chiếm thị phần lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại tại Việt Nam".
Thời gian qua, BIDV đã hợp tác chặt chẽ với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) nhằm hỗ trợ cấp tín dụng trung dài hạn với lãi suất ưu đãi; Hợp tác với Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) hỗ trợ cấp tín dụng trung dài hạn hướng tới các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới và thương mại hóa sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp; Triển khai các sản phẩm và gói tín dụng ưu đãi tài trợ cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng; Triển khai nền tảng số SMEasy (https://smeasy.bidv.com.vn/) cung cấp đồng bộ các giải pháp tài chính và phi tài chính hỗ trợ chủ doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính và kỹ năng quản trị kinh doanh…
Bình luận (0)