Cơ quan chức năng của huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đang tạm đình chỉ thi công bến xe Đà Loan (xã Đà Loan, Đức Trọng), do vi phạm ranh giới, lộ giới và xây dựng không đúng thiết kế được duyệt.
Phần móng và cột các khối nhà dịch vụ trổ cửa quay ra hướng chợ Đà Loan - Ảnh: L.V
|
Chưa cắm mốc định vị vẫn vô tư xây dựng
Ông Đặng Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Đà Loan, cho biết dự án xây dựng bến xe Đà Loan được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty TNHH Lâm Hoàng An (Công ty Lâm Hoàng An), H. Lâm Hà, Lâm Đồng đầu tư, và được Sở Xây dựng cấp phép ngày 23.7.2015. Thế nhưng, theo người dân xã Đà Loan, từ tháng 2.2015, Công ty Lâm Hoàng An đã khởi công xây dựng và xây lấn ra ranh giới, lộ giới, không đúng thiết kế nên người dân nhiều lần kéo đến UBND xã để phản đối. Chỉ trong tháng 8.2015, UBND xã Đà Loan và một số cơ quan chức năng 4 lần lập biên bản việc xây dựng bến xe Đà Loan. Theo biên bản kiểm tra ngày 17.8.2015, thì chủ đầu tư đã xây xong phần móng và đang đổ bê tông dầm giằng, nhưng chưa thông báo cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KT-HT) huyện cắm mốc định vị công trình. Biên bản lập ngày 24.8 thể hiện chủ đầu tư vẫn tiếp tục đổ trụ khối nhà dịch vụ số 3; chuyển vị trí xây dựng nhà bảo vệ sai với giấy phép xây dựng. Gần nhất ngày 25.8.2015, đích thân ông Đặng Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Đà Loan và Đội Thanh tra xây dựng (H.Đức Trọng), lập biên bản yêu cầu tạm dừng thi công bến xe cho đến khi được Phòng KT-HT cắm mốc định vị thì chủ đầu tư mới ngưng. Chủ đầu tư bến xe Đà Loan đã qua mặt các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vì trong giấy phép xây dựng ghi rõ: “Phải thông báo cho Phòng KT-HT huyện đến kiểm tra khi định vị công trình, xây móng”.
Bến xe hay là chợ?
Bến xe Đà Loan được qui hoạch song song chợ Đà Loan (chỉ cách con đường rộng 15 m), qui mô diện tích đất 2.237 m2, trong đó phần lớn diện tích thu hồi của 18 hộ kinh doanh từ năm 2002. Theo bản thiết kế, bến xe có nhà điều hành, quầy vé, phòng chờ rộng 105 m2, nhà bảo vệ 50 m, nhưng có tới 3 khu nhà dịch vụ bao quanh bến xe rộng tới 544 m2; diện tích dành cho bãi đậu xe chỉ còn 1.537 m2. Các khu nhà dịch vụ xây ngay trên phần đất thu hồi của 18 hộ dân trước đây. Điều đáng nói cửa các quầy nhà dịch vụ bao quanh bến xe, cửa không quay vào bến xe mà lại hướng ra phía chợ và đường tỉnh 729. Cụ Hoàng Thị Tâm (79 tuổi), từng có quầy bị thu hồi, bức xúc: " Năm 2003 chúng tôi chấp nhận di dời vào khu Xương Cá, giao đất cho nhà nước xây bến xe; nay chủ đầu tư lại xây quầy cho thuê ngay chính phần đất thu hồi của chúng tôi là không thể chấp nhận được". Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Toàn bị thu hồi 3 quầy, hơn 10 năm qua vào khu tái định cư không thể kinh doanh nhưng lại phải xách thùng đi mua nước sạch về ăn uống và tắm giặt. Còn bà Bùi Thị Kim Tuyến nói : "Nếu chủ đầu tư mở rộng bến xe thì chúng tôi hoàn toàn hưởng ứng, nhưng họ xây quầy và đang chào mời cho thuê với giá từ 3- 3,5 triệu/ quầy/ tháng (tùy vị trí), nên chúng tôi phản đối".
Làm việc với PV Thanh Niên bà Dư Thị Gái, Bí thư Đảng ủy xã Đà Loan thừa nhận đã nhiều lần người dân bị thu hổi đất trước đây và tiểu thương chợ Đà Loan kéo lên UBND xã kiến nghị làm rõ Công ty Lâm Hoàng An đang xây bến xe hay xây chợ. "Việc xây dựng bến xe của Công ty Lâm Hoàng An như hiện nay khiến bà con bức xúc. Tôi đã chỉ đạo chính quyền xã phải tạm đình chỉ thi công, báo cáo cấp trên xem xét lại việc thiết kế bến xe", bà Gái nói.
Bình luận (0)