Theo kết luận của UBND tỉnh Phú Yên, xã Hòa Hiệp Nam (H.Đông Hòa) không quy hoạch đất nuôi tôm nhưng các hộ dân đã lấn chiếm đất trái phép để làm hồ nuôi tôm tại khu vực sông Ngọn. Hiện đã có 101 hồ nuôi tôm trái phép với diện tích 65 ha.
Người dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ xã Hòa Hiệp Nam để làm hồ nuôi tôm trái phép - Ảnh: Đức Huy
|
Vì chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý không kiên quyết nên người dân tiếp tục dùng máy hút cát lấn chiếm gần 10 ha đất rừng phòng hộ ven biển để làm hồ nuôi tôm cao triều. Bên cạnh đó, việc sử dụng đất thuộc khu vực Trung đoàn 910 tại xã Hòa Hiệp Bắc (H.Đông Hòa) không đúng quy hoạch để làm hồ nuôi tôm cao triều cũng diễn ra với diện tích 12,7 ha. Ngoài ra, người dân còn lấn chiếm hơn 2 ha đất ven biển làm hồ nuôi tôm; có 6 hộ nuôi tôm dọc theo đường Hùng Vương đoạn qua xã Hòa Hiệp Bắc.
Cũng theo kết luận, tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất công trái phép tại TP.Tuy Hòa cũng rất phức tạp, cơ quan chức năng xử lý không kiên quyết đối với những hộ vi phạm.
Nhiều hộ dân sử dụng hơn 7,4 ha đất mà UBND tỉnh đã thu hồi để làm dự án hạ tầng Nam Tuy Hòa - Vũng Rô nhưng địa phương chưa kiểm tra và chưa xử lý. UBND P.6 (TP.Tuy Hòa) đã cho 2 hộ dân thuê 1,1 ha đất không đúng thẩm quyền. Năm 2007, UBND TP.Tuy Hòa cũng đã ra thông báo chấm dứt việc nuôi tôm của 2 hộ này, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại, chưa cưỡng chế. Còn tại H.Tuy An có đến 5 xã để người dân lấn chiếm đất trái phép rừng phòng hộ và rừng sản xuất để san ủi làm hồ nuôi tôm với diện tích hơn 19,2 ha. Những trường hợp này, chính quyền địa phương đã kiểm tra nhưng không xử lý kiên quyết.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm tập thể lãnh đạo UBND các xã và những cá nhân liên quan. “Việc giao đất, cho thuê đất sai thẩm quyền; lợi dụng chức quyền lấn chiếm đất nuôi tôm trái phép (đối với cán bộ) thì phải xử lý nghiêm”, ông Phạm Đình Cự, UBND tỉnh Phú Yên, chỉ đạo.
Bình luận (0)