Biến cây nhà, lá vườn thành tuyệt tác

04/03/2015 09:20 GMT+7

Từ những cây cỏ, hoa lá có sẵn quanh nhà, qua bàn tay tài hoa, các nghệ nhân đã biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Từ những cây cỏ, hoa lá có sẵn quanh nhà, qua bàn tay tài hoa, các nghệ nhân đã biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Nghệ nhân Ba Hà và các con thực hiện tác phẩm bằng gạo, nếp, đậu, mè… - Ảnh: Phương Hà
Thổi hồn cho hoa cỏ
Với hơn 20 nghệ nhân, H.Chợ Gạo là nơi hội tụ nhiều nghệ nhân chưng nghi nhất tỉnh Tiền Giang, trong đó có những người rất nổi tiếng. Chẳng hạn như nghệ nhân Ngô Văn Nhớ (còn gọi là Ba Hà, ở ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh) là truyền nhân đời thứ 3 của nghề chưng nghi. Sau ông còn có 16 người con, cháu nối nghiệp. Tính ra gia đình này đã có 5 đời theo nghiệp chưng nghi.
Được truyền nghề từ bà ngoại và mẹ từ năm 1970, ông Ba Hà cho biết thời điểm đó tác phẩm chưng nghi chỉ thực hiện trong các đình, chùa vào ngày lễ trọng. Sau này, nghệ thuật chưng nghi có mặt trong dịp tết và cưới, hỏi, nhưng không nhiều. Đến thập niên 1990, khi kinh tế phát triển thì nghệ nhân chưng nghi mới có đất để dụng võ. Cũng theo ông Ba Hà thì ngày xưa nguyên liệu, vật dụng chưng nghi chỉ là hoa quả, cây lá và để tạo ra một tác phẩm như long phụng thì phải mất cả chục ngày công. Còn bây giờ tác phẩm được chế tác nhanh hơn, nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật, dụng cụ như đinh gút, keo, đèn…
Ông Nguyễn Thanh Tâm (ngụ xã Mỹ Tịnh An, H.Chợ Gạo) cũng là một nghệ nhân chưng nghi có tiếng của Tiền Giang nhiều năm qua và đang được tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Tác phẩm của ông từng đoạt nhiều giải thưởng về chưng nghi cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc trong các lễ hội văn hóa - du lịch. Đặc biệt, năm 2013 ông thực hiện dĩa trái cây cao 3,5 m, đạt kỷ lục VN tại “Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ 13”. Ngoài ra, tác phẩm Cửu Long chầu Quốc Tổ của ông cũng đoạt giải nhì toàn quốc hội thi tại Đền Hùng…
Tác phẩm rồng từ trái cau, ớt của nghệ nhân Nguyễn Thanh Tâm - Ảnh: Phương Hà
Công việc quanh năm
Ngày nay, tác phẩm chưng nghi thường xuất hiện trong các dịp lễ hội, khai trương, Tết Nguyên đán và lễ cưới, hỏi… nên các nghệ nhân có tay nghề bị cuốn hút với công việc quanh năm. Các tác phẩm chưng nghi cũng được thể hiện đa dạng, phong phú về nội dung và ý nghĩa, như: Hoàng Sa trong trái tim tôi, Quy phụng đồng tâm, Long giáng, Xà dương nghinh phong, Trường Sa - Hoàng Sa, Long - lân - quy - phụng và Tứ long nhất phụng... Tuy nhiên, long phụng là mẫu chưng nghi được đặt hàng nhiều nhất vì có thể chưng trong nhiều dịp lễ, hội khác nhau.
Được biết, một tác phẩm chưng nghi có giá từ 1 triệu đồng cho tới vài chục triệu đồng, tùy theo độ khó và quy mô của sản phẩm. Ví dụ một đôi long phụng chưng đám cưới thường có giá chừng 1,5 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, điều quan trọng khi thực hiện tác phẩm chưng nghi là phải có hồn. Chẳng hạn đối với con rồng thì nhất mắt, nhì đuôi và phụng cũng vậy. Nguyên liệu để chế tác ra một tác phẩm không nhiều và cũng rất dễ tìm. Đôi khi chỉ cần vài cái mo cau, thêm hoa lá, trái ớt, đậu đũa, tỏi… cũng có thể tạo thành một tác phẩm độc đáo.
Trung bình mỗi tháng, một nghệ nhân nhận được trên dưới chục đơn đặt hàng của khách. Ông Ba Hà cho biết có lần ông được khách mời ra tận Sa Pa (Lào Cai) làm cặp long phụng để chưng đám cưới; còn đi miền Trung, Hà Nội thì thường xuyên. Khi đi xa, mọi chi phí tàu xe, ăn ở được khách hàng lo toàn bộ, nghệ nhân chỉ cần xách đồ nghề lên đường. Thường từ Tết Nguyên đán cho đến tháng 3 âm lịch là thời điểm nghề chưng nghi vào mùa, vì ngoài nhu cầu chưng tết còn là lúc có nhiều lễ hội, cưới hỏi… Nhiều doanh nhân thành đạt thường đặt tác phẩm chưng nghi để dâng cúng đình, chùa. Còn lễ cưới, hỏi thì đặt long phụng với ý nghĩa hạnh phúc, thủy chung...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.