Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma, chuột mất đi bản năng sinh tồn của nòi giống lâu nay là nỗi sợ mèo, và chúng chính thức trở thành “xác sống”.
|
Cuộc nghiên cứu do nhóm chuyên gia thuộc Đại học California, Berkeley (Mỹ) phát hiện ký sinh trùng kiểm soát trí não Toxoplasma gondii thậm chí còn mạnh hơn dự đoán ban đầu. Nhà khoa học Wendy Ingram đã làm cuộc thử nghiệm trên chuột để xem liệu chúng có tránh nước thải của mèo, tức hành vi bình thường ở chuột, so với nước thải thỏ (thường chuột chẳng phản ứng gì). Nghiên cứu sinh Ingram phát hiện 3 dòng ký sinh trùng phổ biến nhất của Toxoplasma đã thổi bay nỗi sợ mèo trong ít nhất 4 tháng.
Chuột nhiễm Toxoplasma mất đi khả năng sợ mèo. Tất nhiên đây là điều cả mèo lẫn ký sinh trùng đều được lợi vì mèo bắt chuột dễ còn ký sinh trùng xâm nhập vào ruột của mèo dễ dàng hơn. Đây là nơi duy nhất Toxoplasma có thể tái sinh sản và tiếp tục chu kỳ lây nhiễm của nó. Trong báo cáo mới được đăng trên chuyên san PLOS ONE, ngay cả khi Toxoplasma được tẩy khỏi não chuột, các đối tượng vẫn tiếp tục phản ứng như thể chúng và mèo là hai loài chẳng hề có liên quan. Trước thực tế việc mất đi bản năng sợ mèo có thể vẫn tiếp tục kéo dài sau khi ký sinh trùng Toxoplasma gondii không còn “định cư” ở não chuột, điều này cho thấy tình trạng nhiễm ban đầu có thể gây thay đổi vĩnh viễn trên não loài gặm nhấm này. Chuyên gia Ingram nói: “Thật sự ấn tượng khi tình trạng thay đổi hành vi vẫn tiếp diễn dù tác nhân lây nhiễm bị loại bỏ phần lớn hoặc hoàn toàn”. Phát hiện này có thể cung cấp thông tin cực kỳ hữu ích trong nỗ lực tìm ra thuốc điều trị những căn bệnh có liên quan đến ký sinh trùng nguy hiểm trên.
Với những triệu chứng như cảm cúm, Toxoplasma có thể gây hậu quả nghiêm trọng, làm sẩy thai hoặc giết chết những bệnh nhân bị mất khả năng miễn dịch cơ thể, nhưng đối với chuột lại tạo ra ảnh hưởng kiểu xác sống. Chuyên gia Ingram nghi ngờ Toxoplasma có thể lập tức làm nghẽn các dây thần kinh có liên quan đến ký ức và học hỏi của chuột, hoặc cũng có thể tạo ra phản ứng hủy hoại vật chủ, giống như trong nhiều trường hợp bệnh nhân mắc các chứng tự miễn dịch. Khoảng 1/3 số người trên thế giới đang bị nhiễm Toxoplasma, và có khả năng chứa bào xác ngủ đông của chúng trong não. Bị hệ miễn dịch cơ thể khống chế, những bào xác này đôi khi sống lại ở những người bị mất khả năng miễn dịch, dẫn đến tử vong, và một số cuộc nghiên cứu ban đầu cho thấy nhiễm lâu loại ký sinh trùng đó có thể liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt hoặc hành vi tự sát.
Thai phụ đã được cảnh báo tránh xa mèo trong lúc mang thai, do Toxoplasma lây lan thông qua chất thải của mèo, và có thể gây nên tình trạng mù lòa hoặc thậm chí chết non của bào thai. Một trong những nguồn lây lan chính là thịt heo không được nấu nướng kỹ. Hiện chuyên gia Ingram chuyển sang theo dõi cách thức hệ miễn dịch của chuột tấn công ký sinh trùng này nhằm xác định liệu phản ứng của vật chủ đối với Toxoplasma là nguyên nhân đằng sau các tác động hủy hoại của chúng. “Toxoplasma đã làm được điều không tưởng là phân tích rành rẽ não động vật có vú nhằm củng cố khả năng truyền nhiễm thông qua một chu kỳ đời sống phức tạp”, theo Ingram. Theo chuyên gia này, có thể ký sinh trùng trên còn biết rõ não bộ của con người hơn chính bản thân chúng ta, và có khả năng tác động gây nên những thay đổi như chúng mong muốn cũng như làm ảnh hưởng đến hành vi đầy phức tạp ở loài gặm nhấm.
Hạo Nhiên
>> Con mèo mạng lớn
>> Mẹ chó, con mèo
>> Con mèo “lớn tiếng”
>> Chuyện con mèo
>> Con mèo ngoan đạo
>> Con mèo hung hăng
Bình luận (0)