Cách đây khoảng một năm, Tổng thống Zelensky đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt tại Quốc hội Mỹ và nhiều lời hứa viện trợ hàng tỉ USD để giúp Ukraine chống lại các lực lượng Nga. Trong khi đó, Tổng thống Putin dường như tránh xa sự chú ý. Quân đội Nga thì bị cho là thất thế trong lúc ông Putin đối phó những thách thức trong chính hàng ngũ của mình, theo Đài NBC News.
Đến ngày 19.12, các vai trò của hai nhà lãnh đạo dường như đã bị đảo ngược. Tổng thống Putin có vẻ tự tin và chiến thắng trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga, trong khi Tổng thống Zelensky trông bối rối tại cuộc họp báo cuối năm được tổ chức một cách vội vàng, theo NBC News.
Tại cuộc họp ở Nga, với sự tham dự của những tướng lĩnh hàng đầu, Tổng thống Putin trông phấn chấn khi ca ngợi nỗ lực trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Việc này trái ngược hoàn toàn với tình hình cách đây 6 tháng, khi quyền lực của ông Putin và giới lãnh đạo quân sự của Nga bị đe dọa bởi một cuộc nổi loạn ngắn ngủi ở nước này và cuộc phản công mới của Kyiv.
Cựu sĩ quan NATO: Ukraine mất 800 quân mỗi ngày
Ông Putin "đang ở vị thế mạnh mẽ hơn"
Ông Mark Galeotti, đứng đầu công ty tư vấn chuyên về Nga Mayak Intelligence, cho rằng việc Tổng thống Putin thể hiện sự tự tin gần như không gây ngạc nhiên. "Ông Putin hiện đang ở một vị thế mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi xung đột bùng phát, nên ông ấy có lý do nào đó để thể hiện sự tự hào", ông Galeotti bình luận.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky hiện ở một vị trí rất khác. Ông buộc phải áp dụng lại chiến thuật khơi gợi trách nhiệm đạo đức của các đồng minh, như được thể hiện qua lời nhắc nhở úp mở nhằm vào Washington.
"Tôi chắc chắn rằng Mỹ sẽ không phản bội chúng tôi và những gì chúng tôi đã thỏa thuận sẽ được thực hiện đầy đủ", Tổng thống Zelensky nói với các phóng viên. Ông Zelensky đã thất vọng trở về sau chuyến thăm Mỹ vào tuần trước mà không có sự đảm bảo chắc chắn nào về việc Mỹ sẽ cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine tin Mỹ sẽ không "bội ước" về viện trợ
Ông Galeotti nhận định việc Tổng thống Zelensky dùng từ "phản bội" là nằm trong chiến lược đe dọa buộc đối tác phải hành xử đúng đạo lý. Đây là phương cách đã được nhà lãnh đạo Ukraine khai thác hiệu quả trong hai năm qua, nhưng đến lúc này có thể đã bắt đầu mất dần tác dụng với phương Tây. "Tôi nghĩ điều đó phản ánh thực tế rằng ông ấy không chỉ thất vọng về kết quả của chuyến thăm Mỹ, mà kết quả đó còn khiến ông ấy trông yếu đuối hơn ở quê nhà", ông Galeotti cho hay.
Trong những tuần đầu sau khi cuộc xung đột bùng nổ vào ngày 24.2.2022, Tổng thống Zelensky được tôn vinh vì những nỗ lực không ngừng nghỉ để đưa thế giới đứng về phía Ukraine. Nhưng hào quang của ông Zelensky dường như đang mờ dần khi sự mệt mỏi vì chiến tranh đang lan đến khi cuộc xung đột sắp đi hết năm thứ hai.
Trong năm 2022, quân đội Ukraine đã khiến nhiều người ngạc nhiên sau khi không chỉ ngăn chặn được quân Nga mà còn giành lại một số vùng lãnh thổ. Điều này khiến nhiều người ủng hộ Ukraine kỳ vọng nhiều vào cuộc phản công do Kyiv phát động vào tháng 6.
Tuy nhiên, chiến dịch phản công do phương Tây hậu thuẫn hầu như đã suy yếu trong những tháng gần đây, khi Ukraine không thể đạt được bất kỳ đột phá nào. Tình trạng này đã làm sút giảm niềm tin từ các đồng minh của Ukraine về khả năng chiến thắng, và khiến Washington cũng như châu Âu nghi ngờ hiệu quả lâu dài của việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
Tình trạng cuộc phản công không mang lại kết quả như mong đợi cũng đã dẫn đến sự hỗn loạn nội bộ, với việc Tổng thống Zelensky tỏ ra mâu thuẫn với tổng tư lệnh quân đội khi vị tướng này cho rằng cuộc chiến đã đi đến bế tắc.
Chuyên gia Galeotti cho rằng Tổng thống Putin đã tìm cách tận dụng sự chững lại trong động lực của cả Ukraine lẫn Tổng thống Zelensky để thể hiện sự tự tin của mình. Trong ngày 19.12, ông Putin tuyên bố các lực lượng Nga đang "nắm quyền chủ động" ở Ukraine và đã thu được kinh nghiệm quân sự vô song trên toàn cầu. Trong khi đó, theo ông Putin, Ukraine đang phải gánh chịu "tổn thất nặng nề" và nhìn chung đã phung phí nguồn dự trữ của mình.
Ông Zelensky vẫn quyết tâm hơn bao giờ hết
Chỉ cách đây khoảng 6 tháng, Điện Kremlin đã đối mặt với tranh cãi nội bộ về cách giới chỉ huy quân sự Nga xử lý cuộc xung đột ở Ukraine, với đỉnh điểm là cuộc nổi dậy của ông Yevgeny Prigozhin, nhà sáng lập công ty quân sự tư nhân Wagner.
Khi đó, ông Putin bị cho là trông có vẻ suy yếu và lẩn tránh tầm mắt của công chúng. Tuy nhiên, sau khi cuộc nổi loạn của Wagner bị dập tắt và các đồng minh của Ukraine bắt đầu nghi ngờ về đường lối phản công của Kyiv, Tổng thống Putin dường như đã được hồi sinh, theo NBC News. Trong tuần trước, ông đã tổ chức cuộc họp báo lớn nhất kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ.
Báo Mỹ nói máy bay trùm Wagner bị gài bom, Điện Kremlin bình luận gì?
Ông Michael Clarke, giáo sư về chiến tranh tại trường King's College London (Anh), nhận định: "Không thể phủ nhận rằng đó là những tháng tồi tệ đối với Ukraine, và ông Putin, sau cuộc nổi dậy của ông Prigozhin, đang ở vị trí cá nhân tốt hơn nhiều so với những gì ông ấy thể hiện vào mùa hè".
Mặt khác, ông Clarke cho rằng bất chấp những thất bại, Tổng thống Zelensky vẫn quyết tâm hơn bao giờ hết, khi vẫn còn hơn 60% người Ukraine ủng hộ ông, theo một cuộc thăm dò gần đây. Mặc dù vậy, con số đó đã giảm từ 84% trong năm ngoái.
Trong ngày 19.12, Tổng thống Zelensky thừa nhận với phóng viên rằng đây là một "năm đầy khó khăn" đối với Ukraine, nhưng phủ nhận rằng đất nước của ông đang trên đà thua cuộc trong xung đột với Nga. Ông khẳng định Kyiv vẫn quyết tâm giành lại tất cả các vùng đất bị Nga kiểm soát, theo NBC News.
Bình luận (0)