Biên cương hữu nghị: Tạo sinh kế giúp dân

27/05/2024 07:30 GMT+7

Từ những mô hình tạo sinh kế do Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum hỗ trợ, nhiều gia đình ở 13 xã biên giới của tỉnh này đã đẩy lùi đói nghèo, đời sống dần được nâng cao, biên cương ngày càng vững chắc.

Tận dụng cây, con giống bản địa

Sáng nào cũng thế, trước khi lên rẫy, anh A Hợp (thôn Kram, xã Rờ Kơi, H.Sa Thầy, Kon Tum) lại tranh thủ ra vườn hái mớ rau bỏ vào chuồng lợn. Nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của Đồn biên phòng Rờ Kơi, vợ chồng A Hợp mới nghĩ đến chuyện nuôi lợn bản địa để cải thiện kinh tế gia đình.

Biên cương hữu nghị: Tạo sinh kế giúp dân- Ảnh 1.

A Hợp (bìa phải) trò chuyện với các chiến sĩ BĐBP

Đức Nhật

Năm 2012, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, A Hợp trở về quê nhà rồi lập gia đình. Theo phong tục địa phương, vợ chồng anh phải lần lượt dọn đến ở cùng bố mẹ vợ, bố mẹ chồng làm lụng để đền đáp ơn nghĩa sinh thành rồi mới được phép ra riêng. Hai bên gia đình đều khó khăn nên khi ra ở riêng, vợ chồng A Hợp chỉ có đôi bàn tay trắng.

Biên cương hữu nghị: Tạo sinh kế giúp dân- Ảnh 2.

Anh A Hợp được BĐBP hỗ trợ vốn mua lợn giống bản địa để phát triển kinh tế

Xin bố mẹ được khoảnh đất, 2 vợ chồng lên rừng chặt nứa về dựng tạm mái nhà lấy chỗ tá túc. Nhờ cần cù, siêng năng, vợ chồng A Hợp tậu được mảnh vườn rộng khoảng 1 ha. Nhưng đất cằn nên chỉ trồng được cây mì, thu nhập không cao. Biết vợ chồng A Hợp chí thú làm ăn nhưng chưa có hướng phát triển sinh kế, năm 2023, Đồn biên phòng Rờ Kơi đã gợi ý và hỗ trợ gia đình anh một đôi lợn bản địa. "Nhận được lợn giống, vợ chồng mình liền qua nhà hàng xóm mua ít cây bời lời về dựng tạm cái chuồng. Nghĩ tốn công làm chuồng, cho ăn... nên mình vay mượn anh em mua thêm con lợn nái nữa", A Hợp kể.

Không chỉ được hỗ trợ mô hình phát triển sinh kế, con đầu đang học lớp 4 của A Hợp cũng được đồn biên phòng hỗ trợ 500.000 đồng tiền ăn mỗi tháng. Số tiền dù không nhiều nhưng cũng san sẻ được phần nào gánh nặng cho vợ chồng anh.

Biên cương hữu nghị: Tạo sinh kế giúp dân- Ảnh 3.

Nhờ nuôi lợn, kinh tế gia đình A Tuấn đã thay đổi rõ rệt

Còn gia đình anh A Tuấn (xã Đăk Nông, H.Ngọc Hồi, Kon Tum) là điển hình phát triển kinh tế hiệu quả từ mô hình sinh kế do Bộ đội biên phòng (BĐBP) và Hội Phụ nữ hỗ trợ. Trước đây, cuộc sống vợ chồng anh khá khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, thu nhập chỉ dựa vào mấy sào đất trồng mì. Năm 2019, vợ chồng A Tuấn được Đồn biên phòng Dục Nông và Hội Phụ nữ xã Đắk Nông hỗ trợ 6 triệu đồng để phát triển sinh kế. Được sự định hướng của đồn biên phòng, vợ chồng A Tuấn mua một cặp lợn địa phương về nuôi. Đây là giống lợn bản địa nên rất dễ nuôi, ít bệnh, nguồn thức ăn được tận dụng từ những sản phẩm nông nghiệp có tại vườn nhà.

Hai năm sau, thấy hiệu quả, vợ chồng A Tuấn mua thêm 2 con lợn nái nữa để tăng đàn. Từ số lợn ban đầu, mỗi năm gia đình anh lại có thêm trên 30 con lợn thịt. Nhờ đó, kinh tế gia đình khá hơn trước và vợ chồng anh đã xây được căn nhà khang trang, rộng rãi. "Nhờ đồn biên phòng và chính quyền địa phương hỗ trợ, gia đình mình mới biết đến mô hình nuôi lợn đen này. Thịt loại lợn này gần giống lợn rừng, ăn vừa giòn vừa thơm nên rất được ưa chuộng. Dịp tết vừa rồi, gia đình mình không đủ lợn để bán", A Tuấn hồ hởi kể.

Từ mô hình nuôi lợn đen của vợ chồng A Tuấn, đến nay, nhiều hộ trong thôn, trong xã đã tới học tập kinh nghiệm, mua giống về nuôi như: hộ Y Hồng ở thôn Đăk Ba hay hộ Krong Giới ở thôn Chả Nhầy…

Còn Đồn biên phòng Đăk Nhoong (xã Đăk Nhoong, H.Đăk Glei, Kon Tum) lại hỗ trợ người dân phát triển kinh tế từ cây dược liệu bản địa. Vì xã biên giới Đăk Nhoong thuộc khu vực rừng phòng hộ, thuận lợi cho việc trồng sâm Ngọc Linh, nấm linh chi đem lại giá trị kinh tế cao.

Cùng xây dựng biên cương vững mạnh

Thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn 13 xã biên giới đồng hành cùng chính quyền địa phương triển khai nhiều chương trình, mô hình, phần việc giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo như: mô hình nuôi bò, heo bản địa giúp người nghèo, trồng sâm dây, lúa nước hai vụ, trồng cà phê gắn với phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"…

Biên cương hữu nghị: Tạo sinh kế giúp dân- Ảnh 4.

Cán bộ chiến sĩ biên phòng tuyên truyền vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Biên cương hữu nghị: Tạo sinh kế giúp dân- Ảnh 5.

BĐBP tỉnh Kon Tum xây dựng hàng trăm căn nhà cho các hoàn cảnh khó khăn nơi biên giới

Từ năm 2019 đến nay, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Kon Tum hỗ trợ hơn 12.300 ngày công giúp dân lao động sản xuất; phối hợp làm và sửa gần 140 km đường thôn (làng); tu sửa hơn 61 km kênh mương thủy lợi; giúp dân chăm sóc, thu hoạch 108 ha hoa màu. Vào dịp kỷ niệm Ngày biên phòng toàn dân hằng năm, BĐBP tỉnh Kon Tum luôn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hướng về nhân dân biên giới như: giúp gần 3.500 ngày công, trao 15 mô hình sinh kế, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, tặng quà cho hộ gia đình khó khăn, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 3.500 lượt người... với tổng giá trị trên 3,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, BĐBP tỉnh Kon Tum còn phối hợp với Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 450 nhà cho hộ nghèo khu vực biên giới. BĐBP tỉnh Kon Tum trực tiếp vận động hỗ trợ xây dựng 146 căn nhà với tổng giá trị 8,2 tỉ đồng; 13 công trình nước sinh hoạt tổng giá trị trên 2,6 tỉ đồng. Trong 5 năm qua, BĐBP tỉnh Kon Tum còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum và các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", qua đó hỗ trợ xây nhà mái ấm tình thương, nhà vệ sinh giá rẻ, trao mô hình sinh kế, tặng quà cho hội viên phụ nữ, học sinh nghèo… với tổng giá trị trên 5 tỉ đồng.

Với những hoạt động thiết thực, BĐBP tỉnh Kon Tum đã "3 cùng, 4 bám" cùng bà con nơi biên giới trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; đồng thời góp phần không nhỏ trong xây dựng 7/13 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum, các mô hình tạo sinh kế cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với người dân ở khu vực biên giới. "Thông qua mô hình này, các cấp, các ngành đã giúp người dân có tư duy mới để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tất cả các hộ được hỗ trợ mô hình sinh kế này đều sử dụng nguồn vốn rất tốt, có hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo", đại tá Chính nói. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.