|
Tết của bộ đội
Ngày 26 tết, đại úy Vũ Đình Chiền từ đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa cho biết: Cách đây 3 hôm gia đình anh ở Quảng Yên (Quảng Ninh) đã nhận được những bức ảnh của anh do báo Thanh Niên chuyển về. Vợ và hai con anh rất vui và gửi lời cảm ơn báo Thanh Niên.
Những ngày cận tết Giáp Ngọ, công việc ở đảo khá bận vì vừa lo nhiệm vụ bảo vệ biển đảo vừa lo chuẩn bị đón năm mới cho cán bộ chiến sĩ trên đảo. Nếp, đậu, lá dong, dây lạc, thịt lợn tươi… đưa từ đất liền ra được chuẩn bị sẵn sàng để ngày 27 tết sẽ gói bánh chưng. Không khí năm mới ở đảo rất rộn ràng và ấm áp.
Lời tâm sự của anh làm chúng tôi nhớ lại cái không khí năm mới ở đảo này lúc tết tây. Từ sáng sớm, các anh ở tổ hậu cần đã tổ chức mổ heo ăn mừng. Trưa hôm ấy, cả đảo quây quần bên mâm cơm cuối năm trong tiếng cười nói rôm rả. Anh em bộ đội đảo rất vui vì có đoàn công tác từ đất liền ra ăn tết cùng.
Sau giờ nghỉ trưa, anh em bộ đội mang vật liệu ra bày dưới gốc cây bàng vuông để gói bánh chưng. Các sĩ quan hướng dẫn cho các tân binh cách gói bánh bằng lá dong và cả lá bàng vuông. Nhiều anh trổ tài khéo tay bằng cách gói bằng lá bàng vuông mà không cần khuôn bánh.
|
Một bộ phận khác thì mang vật liệu lên trang trí hội trường. Những cánh mai vàng bằng vải được các anh bộ đội gắn lên cành bàng khô. Các bóng đèn chớp tắt, các dây màu trang trí được gắn thêm lên để tăng tính thẩm mỹ của “nhành mai” nhân tạo. Tuy không sống động như mai thật nhưng nó cũng làm cho phòng hội trường thêm ấm áp không khí tết.
Ở khu vực bàn thờ Tổ quốc được trưng bài trang trọng với các loại bánh mứt và mâm ngũ quả.
Đội văn nghệ của đảo tập lại các bài hát để chuẩn bị cho buổi biểu diễn tổ chức vào buổi tối.
Chương trình đón năm mới bắt đầu sau buổi cơm chiều. Bộ đội trên đảo tập trung xem văn nghệ cây nhà lá vườn, nghe đọc thư chúc tết của Đảng ủy - Bộ tư lệnh Hải quân vùng IV… Chương trình chỉ kéo dài khoảng hơn một giờ đồng hồ rồi kết thúc để bộ đội đi nghỉ sớm, bảo đảm sức khỏe còn làm nhiệm vụ.
Cánh nhà báo hầu hết mới đi Trường Sa lần đầu không ai bảo ai mà tất cả cùng thức đón giao thừa. Giây phúc đặc biệt trôi qua một cách lặng lẽ. Ở đây không có pháo hoa rực rỡ nhưng ánh đèn điện vẫn đủ sáng một góc trời. Cây bàng vuông được trồng cạnh cột mốc chủ quyền vẫn đang rì rào trước gió. Thời điểm này là lúc những đóa hoa bàng vuông đang bung trào nhựa sống.
Hoa bàng vuông vẫn nở
Những ngày tết càng khiến trung tá Nguyễn Đức Dụ, nguyên Đảo trưởng đảo Sinh Tồn Đông, người có 3 năm liên tiếp ăn tết trên đảo và có gần 10 năm công tác trên các đảo khác nhau thuộc quần đảo Trường Sa, nhớ lại những kỷ niệm của hồi đầu làm tân binh đi đảo.
Hồi đó, chỉ với 3 kg thịt lợn tươi nhưng anh em bộ đội linh động suy nghĩ làm ra vài ba món đặc trưng để ra cái hương vị ngày tết.
Hồi ấy, bộ đội phải nấu ăn bằng dầu đen chứ không có dầu lửa đỏ. Hôm đó xui rủi làm sao anh đầu bếp không lấy can đựng đường đắng (nước màu) để cho vào nồi thịt kho lại lấy nhằm can dầu đen. Lo anh em không có tết anh Dụ bèn đổ nước lã vào nấu cho sôi lên, sau đó vớt thịt ra đổ nước bỏ. Cứ làm đi làm lại như vậy khoảng hơn chục lần rồi mang món thịt ra “ăn tết”.
|
Theo trung tá Dụ, bây giờ cuộc sống, sinh hoạt của bộ đội đảo không còn khó khăn như trước. Anh em bộ đội đảo tổ chức đón tết sung túc và ấm áp bên nhau. Hiện nay ở đảo còn có sóng điện thoại nên bộ đội có thể dễ dàng liên lạc với người thân trong đất liền. Nó cũng giúp cho khoảng cách giữa đất liền và Trường Sa không còn xa nữa.
"Có thể trong từng trường hợp, thời điểm bộ đội cũng có những phút “lắng lòng” nhưng chúng tôi luôn động viên nhau vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình", trung tá Dụ nói.
Ở Trường Sa mùa tết hoa bàng vuông nở rộ. Những đóa hoa đẹp dịu dàng và thơm của nó cũng rất nồng nàn. Hoa bàng vuông chỉ nở vào ban đêm và cái hương, sắc ấy dường như không phải để khoe mà để đương đầu với những cơn gió biển dữ dội giữa mùa biển động. Hoa có hương thơm nồng nàn nhưng ít ai được thưởng thức vì những cơn gió ào ào lúc nào cũng chực chờ cuốn đi. Cánh hoa màu trắng nõn, phần nhị hoa bung to trông như những đóa pháo hoa rực rỡ mà ta vẫn thấy trên bầu trời đêm.
Người ta thường xem cây bàng vuông là hình ảnh tượng trưng cho người lính đảo Trường Sa. Giữa muôn trùng sóng gió, nắng mưa hoa bàng vuông vẫn nở. Bộ đội Trường Sa luôn là những người rất trẻ, rất sung sức và họ chọn đứng nơi đầu sóng ngọn gió trong những ngày tết.
Bài ảnh: Chí Nhân
>> Bộ đội Trường Sa đón xuân nhưng không quên nhiệm vụ
>> Mổ lợn đón tết ngoài Trường Sa
>> Tiệc tất niên ở Trường Sa
>> Video: Nơi đất liền đong đầy những tấm ảnh bộ đội Trường Sa
>> Biên đảo không xa đâu: Trường Sa gửi quà Tết vào đất liền
>> Ăn tết ở Trường Sa
>> Trường Sa lấy bàng vuông thay mai, đào ăn Tết
Bình luận (0)