Biển Đen trong cuộc xung đột Nga - Ukraine

12/12/2022 14:30 GMT+7

Từ lâu biển Đen đã là điểm nóng tranh chấp trong khu vực và hiện nay đang là tâm điểm trong cuộc xung đột Nga - Ukraine , khiến NATO không thể phớt lờ.

Vị trí địa chiến lược quan trọng

Biển Đen, khu vực ở rìa phía Đông của NATO, đóng có vai trò hết sức quan trọng với an ninh của khối, là nơi giao nhau của nhiều đồng minh, đối tác và đối thủ, cũng như có các mỏ khí lớn, các tuyến vận chuyển ngũ cốc quan trọng. Hiện tại, biển Đen đang là đấu trường quan trọng trong cuộc chiến Nga - Ukraine vì cả hai quốc gia này đều tiếp giáp với biển Đen.

Hơn nữa, bán đảo Crimea ở bờ bắc biển Đen mà Nga sáp nhập năm 2014 hiện là nơi đóng quân của Hạm đội biển Đen của Nga. Trong khi đó, Gruzia (Georgia) nơi Nga tiến hành chiến dịch quân sự năm 2008 với lý do bảo vệ hai khu vực đòi ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia nằm ở rìa đông của biển Đen. Một số quốc gia thành viên NATO như Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở bờ tây và bờ nam. Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các tuyến hàng hải nối biển Đen với Địa Trung Hải. Các tàu dầu từ vùng Kavkaz và Trung Á tới châu Âu cũng đều phải đi qua biển Đen.

Biển Đen và các nước tiếp giáp

AFP

Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang do dự trong việc thách thức Nga ở biển Đen, một phần vì lo ngại việc điều tàu tới vùng biển này có thể dẫn đến leo thang căng thẳng, xung đột hoặc gây rủi ro cao cho các hoạt động trên biển, từ đó đẩy Mỹ hoặc NATO vào một cuộc chiến không mong muốn. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia và chiến lược gia về địa chính trị ở Mỹ và châu Âu cho rằng đã đến lúc cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến biển Đen.

Hồi tháng 6, tại hội nghị thượng đỉnh quan trọng bậc nhất của NATO trong nhiều thập niên qua, lần đầu tiên biển Đen được đưa vào trong chiến lược dài hạn của NATO. Hơn nữa, việc Romania đăng cai tổ chức hội nghị ngoại trưởng NATO trong hai ngày 29 và 30.11 tại thủ đô Bucharest cũng nhằm thu hút sự quan tâm của khối đối với khu vực biển Đen.

Tại hội nghị trên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định biển Đen có vai trò chiến lược đối với NATO và liên minh này đã tăng cường hiện diện trong khu vực từ năm 2014. Mỹ và Pháp thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra khu vực bằng máy bay giám sát tiên tiến. Gần đây, Pháp đã dẫn đầu một cuộc tập trận trên không của NATO tại khu vực biển Đen.

Mặt trận trong xung đột Nga - Ukraine

Trước khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu vào ngày 24.2, các quốc gia NATO không giáp biển Đen vẫn thường xuyên tuần tra ở vùng biển này. Tuy nhiên, thời điểm xung đột nổ ra, không có tàu chiến nào của NATO hiện diện ở biển Đen. Sau đó, ngày 28.2, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ cấm tàu chiến đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles nối Địa Trung Hải với biển Đen. Ankara cam kết tuân theo các quy định của Công ước Montreux, trong đó có quyền kiểm soát việc qua lại hai eo biển này nhằm ngăn chặn khủng hoảng leo thang.

Động thái này của Ankara đã ngăn Nga điều thêm tàu chiến từ các hạm đội khác đến biển Đen, đồng thời cũng ngăn cản hầu hết các nước NATO đưa tàu chiến vào khu vực. Tuy nhiên, đây cũng là lý do một một số nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích Nhà Trắng và Lầu Năm Góc không triển khai tàu chiến tới biển Đen trước khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định hạn chế quyền tiếp cận vùng biển này, nhất là trong bối cảnh Washington có thông tin tình báo chắc chắn rằng, Nga sẽ tấn công Ukraine.

Đối với Nga, ngay từ khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Moscow đã tìm cách phong tỏa các khu vực rộng lớn của biển Đen, trong đó có các cảng trọng yếu của Kyiv ven biển Đen nhằm ngăn cản hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Kyiv. Sau đó, Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Odessa và các thành phố khác của Ukraine từ các tàu chiến của Hạm đội biển Đen. Trong khi đó, Ukraine được cho là đã phóng tên lửa đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội biển Đen, tấn công các tàu tiếp tế để giành lại đảo Rắn. Nga phủ nhận thông tin tàu Moskva bị đánh chìm. Các cuộc tấn công của Ukraine đã buộc Nga phải bố trí phần lớn Hạm đội biển Đen tới các địa điểm xa hơn khỏi Ukraine, khiến các tàu chiến của Nga không phát huy được lợi thế trong chiến đấu.

Khói bốc lên từ đảo Rắn ở biển Đen vào ngày 8.5

Reuters

Các nhà phân tích đánh giá, các cuộc tấn công của Ukraine vào Hạm đội biển Đen và căn cứ hải quân ở Sevastopol dường như đã ảnh hưởng tới năng lực của Hải quân Nga. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc biển Đen đã an toàn hơn. Bên cạnh đó, các chiến thắng của quân đội Ukraine ở Kyiv, Kharkiv và Kherson thời gian gần đây đã đẩy cuộc xung đột ra “ven biển Đen”.

Hồi tháng 10 vừa qua, Nga đã cáo buộc Ukraine tấn công và làm hư hại nghiêm trọng cây cầu chiến lược bắc qua eo biển Kerch, gây cản trở tuyến hậu cần của Nga với bán đảo Crimea. Nga cũng quyết định đóng băng “hành lang ngũ cốc”, được sử dụng để vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine qua biển Đen. Tuy nhiên, do sức ép ngoại giao từ Liên Hiệp Quốc và các nước Trung Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải đồng ý tiếp tục tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc, sau khi nhận được đảm bảo từ phía Ukraine rằng “hành lang nhân đạo trên biển sẽ chỉ được sử dụng phù hợp với các quy định của Sáng kiến ​​biển Đen”.

NATO không thể “phớt lờ”

Chính vì vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng của biển Đen trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, NATO ngày càng quan tâm tới vùng biển này. Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Romania vào ngày 29.11 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Mỹ cũng như NATO đang nỗ lực củng cố chiến lược biển Đen một cách hiệu quả. Theo một phụ tá thân cận của ông Blinken, việc tăng cường an ninh ở sườn phía đông của NATO sẽ giúp củng cố an ninh ở biển Đen.

Một số quan chức quốc phòng Mỹ như cựu đô đốc James Foggo, từng là chỉ huy Hạm đội 6 của Mỹ thúc giục Mỹ cần phải có quan điểm rõ ràng về biển Đen, nhất là trong bối cảnh Chiến lược an ninh quốc gia mà chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố hồi tháng 10 vừa qua chỉ tập trung vào các mối đe dọa trong tương lai từ Trung Quốc đối với khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà không đề cập đến biển Đen. Cựu đô đốc Foggo nhấn mạnh, cách để bảo vệ biển Đen “không phải là phớt lờ nó” và một trong những cách gia tăng hiện diện của NATO ở biển Đen là triển khai các đơn vị quét mìn đặc biệt bao gồm tàu và máy bay đến khu vực này. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể hỗ trợ Romania phát triển tên lửa chống hạm tiên tiến và đàm phán với các quốc gia trong khu vực về việc sử dụng tàu chiến trên sông Danube đổ vào biển Đen.

Tuần dương hạm Moskva của Nga di chuyển qua eo biển Bosphorus ở Thổ Nhĩ Kỳ để vào biển Đen hồi tháng 7.2021

Reuters

Hiện nay, một số thượng nghị sỹ Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roger Wicker muốn chính quyền Tổng thống Joe Biden gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép một số tàu của NATO, có thể là tàu khu trục hoạt động ở biển Đen để giảm thiểu mối đe dọa do tàu ngầm Nga gây ra.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó thay đổi lập trường. Mặc dù là thành viên NATO nhưng họ có tham vọng riêng trong khu vực và hiện đang tìm kiếm vai trò trung gian trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ankara đã tổ chức các cuộc đàm phán về xuất khẩu ngũ cốc và thúc đẩy các nỗ lực đưa Moscow và Kyiv ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột. Ngày 29.11 vừa qua tại Bucharest, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh rằng Ankara sẽ tiếp tục “đóng vai trò là nhà cung cấp an ninh và ổn định giữa các khu vực có xung đột”.

Có thể thấy, biển Đen là vùng biển có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng không chỉ với Nga, Ukraine mà cả NATO. Các chuyên gia cho rằng việc NATO tăng cường hiện diện quân sự ở vùng biển chiến lược này bằng cách này hay cách khác cũng khiến Moscow phản ứng quyết liệt bởi nó trực tiếp đe dọa đến an ninh của Hạm đội biển Đen ở bán đảo Crimea và có thể tác động lớn đến cục diện xung đột Nga - Ukraine. Hơn nữa, trong tương lai, khi xung đột kết thúc, an ninh biển Đen vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, nhất là trong các vấn đề liên quan đến lãnh hải, các tuyến liên lạc trên biển và các vấn đề liên quan quyền tiếp cận vùng biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.