Những vấn đề nhức nhối trong quan hệ Mỹ - Trung như căng thẳng Biển Đông được đề cập “thẳng thắn” trong cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước.
Đại diện hai nước trao đổi trong lúc chụp ảnh lưu niệm trước khi khai mạc
Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ |
Theo Reuters, khoảng 400 quan chức Trung Quốc đã có mặt tại Washington tham gia cuộc đối thoại thường niên, dẫn đầu là Phó thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì. Phía nước chủ nhà có sự góp mặt của Phó tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew.
Phát biểu khai mạc phiên Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23.6 nhắc nhở hai nước cần phải “trung thực và thẳng thắn” với nhau nếu muốn xây dựng quan hệ trong tương lai.
Bên cạnh việc công nhận tầm quan trọng của Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề trên thế giới, ông Biden không ngần ngại đưa ra lời cảnh cáo sắc bén đối với Bắc Kinh về Hoa Đông và Biển Đông, yêu cầu rõ ràng rằng các tuyến hàng hải của thế giới luôn phải được thông thoáng để lưu thông thương mại. “Những nước từ bỏ ngoại giao và dùng biện pháp áp bức cũng như hăm dọa để giải quyết tranh chấp, hoặc nhắm mắt làm ngơ trước sự gây hấn của nước khác, tất cả đều chỉ rước lấy tình trạng bất ổn”, theo AFP dẫn lời phó tổng thống Mỹ.
Về phần mình, Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương nhận xét rằng Mỹ - Trung phải tránh đi vào lối mòn đối đầu và xung đột. Thừa nhận vẫn còn một số vấn đề trong quan hệ song phương, ông Uông nhấn mạnh Bắc Kinh luôn chuộng đối thoại thay vì đối đầu.
Dù S&ED chính thức khởi động vào ngày 23.6, nhưng các cuộc đối thoại kín về những lĩnh vực gay cấn nhất đã diễn ra vào ngày trước đó, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Trương Nghiệp Toại.
Hiện chưa rõ thông tin chi tiết về nội dung của các cuộc họp này, nhưng Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ các cuộc thảo luận diễn ra “thẳng thắn và đúng trọng điểm” trong việc xử lý “những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ song phương”. “Chúng tôi cũng lặp lại những lo ngại về hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông và nhấn mạnh rằng con đường ngoại giao thật sự mới là cách đúng đắn để giải quyết tranh chấp giữa các bên ở khu vực này”, quan chức giấu tên phát biểu.
Theo phân tích của chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), hai bên đã tiến hành cuộc đối thoại an ninh chiến lược, đề cập đến những vấn đề nhức nhối nhất như căng thẳng trên biển, an ninh mạng, quan hệ giữa hai quân đội, phòng thủ tên lửa, hạt nhân và vũ khí không gian.
Chuyên gia Mỹ không cho rằng hai bên đã đạt được bất kỳ cam kết hay đồng thuận nào, nhưng ít nhất là thông qua quá trình này, Mỹ - Trung cũng chỉ ra những sự khác biệt và làm sao giải quyết được những bất đồng đó.
Ngay trong lúc đối thoại diễn ra, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work lên tiếng cảnh báo Trung Quốc đang theo đuổi nỗ lực nghiêm túc nhằm thách thức ưu thế quân sự của Mỹ trên không và không gian, bằng cách phát triển chiến đấu cơ tránh ra đa, máy bay trinh sát hiện đại, các dòng tên lửa phức tạp...
Rõ ràng phía Trung Quốc rất quan tâm đến kỳ S&ED lần này, với hy vọng sẽ tạo dựng nền tảng trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối năm.
Theo giới quan sát, Bắc Kinh dường như đang phát tín hiệu muốn giảm căng thẳng với Washington, nhưng có vẻ như Mỹ chưa tỏ dấu hiệu muốn tiếp nhận thông điệp đó. “Mỹ đang lo ngại về khả năng Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông”, theo chuyên gia Glaser.
Máy bay giám sát của Nhật bay trên Biển Đông
Ngày 23.6, máy bay giám sát, săn ngầm P-3C của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) bay trên bãi Cỏ Rong ở Biển Đông.
Hoạt động này là một phần cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu hộ chung giữa MSDF và hải quân Philippines trên Biển Đông diễn ra từ ngày 22 đến 24.6. Cuộc tập trận được xem là cơ hội để thể hiện sự tăng cường hợp tác của Nhật Bản với Philippines.
Reuters dẫn lời giới chức hai nước cho hay chiếc P-3C chở 3 thành viên phi hành đoàn người Philippines bay ở độ cao 1.524 m trên bãi Cỏ Rong, theo sau là một máy bay tuần tra của hải quân Philippines. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có mặt ở đây”, chỉ huy lực lượng Nhật Bản tham gia tập trận, trung tá Hiromi Hamano phát biểu với Reuters sau khi chiếc P-3C trở về đảo Palawan của Philippines. Phản ứng trước động thái trên của Nhật Bản, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 23.6 tuyên bố Bắc Kinh “hy vọng các bên liên quan không thổi phồng hoặc thậm chí tạo thêm căng thẳng ở khu vực”, theo Reuters.
Trước đó, Tân Hoa xã còn đăng bài bình luận lên án cuộc tập trận nói trên, cáo buộc Nhật “can dự” vào vấn đề Biển Đông.
Văn Khoa
|
Bình luận (0)