Ngày 5.10, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết ngoài cơn bão Koinu, các chuyên gia đang theo dõi diễn biến của các vùng áp thấp khác ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới hoặc bão và di chuyển vào Biển Đông.
Bão Koinu thành bão số 4, Biển Đông có thể sắp đón thêm bão hoặc áp thấp nhiệt đới
Theo ông Hưởng, từ nay đến cuối năm 2023 còn 2 - 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và có 1 - 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
"Năm nay, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới thấp hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 10 - 13 cơn bão ngoài Biển Đông, trong số đó, khoảng một nửa tác động đến đất liền Việt Nam). Đến thời điểm này, nước ta chịu 4 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới", ông Hưởng nói và thông tin thêm, đợt không khí lạnh đầu tiên trong năm 2023 sẽ đến muộn hơn mọi năm. Trung bình mọi năm từ ngày 15.9 - 2.10, sẽ có đợt không khí lạnh nhưng tới thời điểm hiện tại chưa xuất hiện đợt nào.
"Trong thời gian tới, sẽ có những đợt không khí lạnh tác động gây ra những đợt mưa giông, lốc, sét mạnh", ông Hưởng nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13 giờ ngày 5.10, vị trí tâm bão Koinu ở vào khoảng 22 độ vĩ bắc; 120,1 độ kinh đông, trên vùng biển phía tây nam đảo Đài Loan (Trung Quốc). Bão mạnh cấp 12 - 13 (118 - 149 km/giờ), giật cấp 16, di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10 km.
Trong 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục đi theo hướng tây, ven biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu dần.
Do ảnh hưởng của bão Koinu, vùng biển phía đông bắc của khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7 - 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Khu vực bắc Biển Đông sóng cao 2 - 4 m, riêng khu vực phía đông bắc sóng cao 4 - 6 m, vùng gần tâm bão sóng cao 6 - 8 m.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 5.10
Bình luận (0)