Biến động trên thị trường phân bón

17/08/2023 15:45 GMT+7

Giá phân bón giảm mạnh từ đầu năm đến nay nhưng dự báo sẽ tăng trở lại trong bối cảnh tình hình chiến sự trên thế giới tiếp tục kéo dài và giá lương thực tăng cao.

Biến động trên thị trường phân bón - Ảnh 1.

Giá phân bón đang tăng trở lại khi nhu cầu sản xuất lương thực trong nước gia tăng

ĐINH ĐANG

Nhà máy Phân bón Cà Mau đang bước vào giai đoạn bảo dưỡng kéo dài gần nửa tháng. Theo thông báo của doanh nghiệp này, đây là lần bảo dưỡng thứ 12, một hoạt động thường niên quan trọng của công ty. Phân bón Cà Mau chọn khoảng thời gian bảo dưỡng trùng với thời điểm dừng cấp khí ngoài giàn và thời điểm thấp vụ của người nông dân. Do có sự chuẩn bị, nắm bắt được cung cầu nên lượng hàng dự trữ đủ để cung ứng thị trường, phục vụ bà con.

Ông Nguyễn Duy Hải - Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau cho biết: Nhà máy Đạm Cà Mau đã trải qua thời gian dài hoạt động, nhiều trang thiết bị cần thay thế, bảo trì kỹ lưỡng, nhất là trong các hạng mục chính, yêu cầu sự chuẩn bị phải thật chi tiết, kỹ lưỡng. Năm 2023, Nhà máy dự kiến bảo dưỡng khoảng 2.600 hạng mục lớn, nhỏ. Với nỗ lực học hỏi, không ngừng nâng cao chuyên môn và khả năng tự chủ công nghệ, đội ngũ kỹ sư PVCFC ngày càng tự tin, tự chủ hoàn thành các hạng mục mà không cần sự trợ giúp từ chuyên gia bên ngoài".

Về nguồn hàng phân bón phục vụ bà con nông dân, từ đầu tháng 8 đến nay, Phân bón Cà Mau đã cung ứng ra thị trường hơn 100.000 tấn các loại, trong đó: có hơn 60.000 tấn Urea và gốc Urea các loại, hơn 30.000 tấn NPK Cà Mau các loại, gần 20.000 tấn các sản phẩm khác như DAP, Kali, N.Humate+TE và Hữu Cơ Cà Mau. Ngoài lượng hàng trên, Phân bón Cà Mau cũng đã chuẩn bị sẵn hơn 100.000 tấn sản phẩm các loại tại các kho khu vực, đảm bảo đủ cung ứng phục vụ nhu cầu của hệ thống và bà con nông dân trong thời gian tới. Nhà máy dự kiến hoàn thành bảo dưỡng ngày 28.8 và sẽ tiếp tục hoạt động ổn định, cung cấp sản phẩm ra thị trường, nhất là các dòng phân bón chất lượng cao như Ure hạt đục, NPK sử dụng công nghệ Polyphosphate...

Đối với phân bón nhập khẩu, ông Vũ Duy Hải, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phân bón Vinacam thông tin: Phân bón trên thế giới sau chuỗi giảm giá kéo dài từ nửa sau 2022 đã bắt đầu đà hồi phục mạnh và song hành với đà tăng của giá lương thực toàn cầu.Giá Urea Trung Đông/Trung Quốc từ 280 USD/tấn FOB vào giữa tháng 6 đã tăng vọt lên 430 USD/tấn FOB vào cuối tháng 7. Giá DAP Trung Quốc vào giữa tháng 7 có giá 430 USD/tấn FOB thì đầu tháng 8 đã có giá 550 USD/tấn FOB. Giá Kali cũng bắt đầu tăng 20 - 50 USD/tấn tùy loại. 

Ông Vũ Duy Hải dự báo: Hiện nay, các địa phương đều đẩy mạnh tiến độ gieo sạ vụ mùa và vụ thu đông với diện tích dự kiến tăng 50.000 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Giá Urea hạt đục nội tăng từ 9.000 đồng/kg vào cuối tháng 6 lên trên 11.000 đồng vào đầu tháng 8. Giá DAP 64 tăng từ 13.000 đồng/kg lên 15.000 đồng chỉ trong vòng vài tuần trở lại đây. Giá Kali, có loại đã tăng gần 1000 đồng/kg. Tình hình xáo động của thị trường như trên đang là cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các nhà sản xuất và kinh doanh phân bón trong nước. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Vinacam, dường như thuận lợi đang chiếm ưu thế để các nhà sản xuất, kinh doanh nội địa bứt tốc sản lượng cũng như lợi nhuận trong những tháng cuối năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.