Biển không rác

Ngày 2.5, trên tài khoản Facebook của mình, tôi chia sẻ tấm ảnh của một phóng viên chụp ở bãi biển Cồn Vàng, Thái Bình sau ngày nghỉ lễ 1.5.

Đó là cảnh hàng trăm nam thanh nữ tú kê bàn ghế ra bãi biển ăn nhậu hoặc vừa tắm vừa ăn hàng và để lại hậu quả là bãi biển trở thành một bãi rác với đủ loại chất thải.
Vào thời điểm chụp ảnh, vẫn còn nhiều bạn trẻ ăn mặc bảnh bao... đi dạo trên bãi rác ấy một cách thản nhiên.
Cả ngày hôm đó, nhiều bạn bè đã chia sẻ về trang mình, bình luận mà chủ yếu là phê phán hành vi thiếu ý thức ở biển Cồn Vàng ấy. Nhiều lời bình khá gay gắt và kêu gọi chính quyền Thái Bình cần có quy định nghiêm ngặt. Nhiều người đồng tình rằng giáo dục đang có lỗ hổng quan trọng là chỉ tạo ra bằng cấp mà thiếu việc giáo dục nhân cách, văn hóa cho lớp trẻ...
Tưởng chỉ có Thái Bình, hôm qua Báo Thanh Niên đã đưa một phóng sự ảnh gần 2 trang báo, tựa đề Người đi về, rác ở lại, tường thuật những cảnh nhếch nhác tương tự ở nhiều bãi biển Nghệ An, Phan Thiết, Thanh Hóa, ở các dòng sông cửa biển và cả ở quảng trường Lâm Viên, dọc bờ hồ Xuân Hương, TP.Đà Lạt... sau ngày nghỉ lễ.
Ngược lại với những hình ảnh khó coi trên, chúng ta lại có những điển hình về bảo vệ môi trường như các bãi biển Vũng Tàu, Nha Trang, bảo vệ rừng ở KonPlong, tỉnh Kon Tum hoặc như Đà Nẵng đã làm với bãi biển của mình từ hơn chục năm nay. Có nhiều bạn bè tôi trên Facebook nói rằng: Tại sao các tỉnh khác không giữ được bãi biển đẹp và sạch như Đà Nẵng đã làm? Tại sao Đà Nẵng mỗi ngày đón hàng vạn khách thập phương, kể cả khách nước ngoài và người dân địa phương đến mà biển vẫn không có cọng rác, mà nhiều dịch vụ phục vụ cho du khách chơi biển vẫn phát triển?
Tôi là người Đà Nẵng. Hằng ngày chúng tôi ra biển như một nhu cầu. Và vì vậy tôi có thể trả lời điều này: Đó là xuất phát từ định hướng và gương mẫu của những nhà quản lý địa phương từ hàng chục năm nay. Bắt đầu từ công việc tuyên truyền cho người dân hiểu sự cần thiết của môi trường, của biển đối với cuộc sống và “thương hiệu” Đà Nẵng, tạo cho người dân lòng tự hào về quê hương của mình. Sau đó là tổ chức thực hiện và kiểm tra kiểm soát bằng việc thành lập một Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển, lập ra các đội cứu hộ và vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, kiểm tra giá cả dịch vụ thường xuyên... với những cán bộ phụ trách tâm huyết, trách nhiệm. Lòng tự hào về quê hương của người dân sẽ phát triển trong môi trường có tổ chức chặt chẽ như vậy là yếu tố quyết định cho biển Đà Nẵng sạch và đẹp cho đến ngày nay.
Tất nhiên so với nhiều nơi khác ở nước ngoài mà chúng ta có dịp tới, Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm trong việc bảo vệ môi trường. Biển Đà Nẵng và môi trường nói chung chưa phải đã hoàn hảo. Chẳng hạn đưa các nội dung này vào chương trình giáo dục phổ thông ở nhà trường vẫn còn bất cập. Nhưng tuyên truyền lòng tự hào quê hương kết hợp với các biện pháp quản lý cũng là nội dung giáo dục xã hội mà Đà Nẵng đã làm được nhiều hơn những nơi khác...
Vì vậy, ngợi ca Đà Nẵng về phương diện này trong giai đoạn cả nước đang gặp nhiều khủng hoảng môi trường như hiện nay cũng không phải là nói quá!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.