Theo thông báo chính thức của Hãng trên website thì chức vụ tổng đạo diễn vẫn… bỏ ngỏ. Tuy vậy, sau vài tháng triển khai, Thái tổ Lý Công Uẩn đã có nhiều tín hiệu lạc quan, nhất là sau chuyến đi khảo sát của Hãng tại Trung Quốc (17.9 - 27.9.2007) trở về. Theo nhà biên kịch Thiên Phúc, chuyến đi đã giúp êkip làm phim tháo gỡ được hai nút thắt khó khăn nhất...
* Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã phát biểu: “Gà cúng cần phải để nguyên con…”, nhưng hiện nay, bên cạnh kịch bản đoạt giải “nguyên con” của ông còn có tới ba kịch bản khác cũng được điền thêm vào bên cạnh như của Lưu Trọng Ninh, Đỗ Minh Tuấn, Lê Đức Tiến – Lê Phương. Với tư cách là tác giả kịch bản gốc được đấu thầu sản xuất, ông có cảm thấy hài lòng?
|
- Tôi có theo dõi sát sao những gì báo chí viết về bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn và cảm thấy có yếu tố “nhiễu loạn thông tin”. Bởi thực chất kịch bản của tôi là kịch bản văn học đã được duyệt và đưa vào sản xuất - điều đó không hề thay đổi. Còn những kịch bản của Lưu Trọng Ninh, Đỗ Minh Tuấn, Lê Đức Tiến – Lê Phương là của đạo diễn đấu thầu, đóng góp những phương án để phục vụ việc hoàn chỉnh nâng cao kịch bản. Sau khi chính thức nhận được đơn đặt hàng sản xuất của Ban chỉ đạo dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hãng phim truyện Việt Nam đã mua toàn bộ tác quyền của ba đạo diễn đó để bổ sung cho kịch bản gốc. Ngay cả đạo diễn Đỗ Minh Tuấn lúc đầu không tán thành nhưng gần đây đã tự nguyện giao cho Hãng toàn quyền xử lý kịch bản của mình. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc này bởi chuyện sửa chữa kịch bản để ra một bộ phim là chuyện quá bình thường.
Trách nhiệm của Hãng phim truyện là “tiếp tục hoàn chỉnh nâng cao kịch bản” để tạo ra một bộ phim tốt. Kịch bản của tôi chú trọng việc dời đô và lên ngôi của cụ Lý Công Uẩn, giờ muốn thêm việc định đô và những kịch bản sau này đã bổ sung rất nhiều cho phần hoàn chỉnh đó. Một ban biên tập cũng được thành lập, ông Lê Đăng Thực làm trưởng ban, ông Lê Ngọc Minh, Lê Đức Tiến và nhà sử học Lê Văn Lan làm thành viên. Họ có nhiệm vụ thẩm định quá trình hoàn chỉnh dựa trên kịch bản gốc. Một sự trùng lặp thú vị, ông Lê Đức Tiến hay đùa là: “bốn ông họ Lê phò ông họ Đinh hoàn thành họ Lý”. Nhưng với tôi, nó như một cái “điềm báo” khi nhìn lại các mốc lịch sử: Đinh Tiên Hoàng rồi đến Lê Đại Hành và sau đó là Lý Thái Tổ, rất vận với nhau.
* Ông nói về “điềm” khi nhắc tới vị vua Lý Thái Tổ. Vậy vừa duy tâm, vừa thực tế đôi chút, khi viết kịch bản, ông tưởng tượng hình ảnh cụ Lý Công Uẩn như thế nào?
- Tôi tưởng tượng khuôn mặt Thái tổ Lý Công Uẩn như … cụ Hồ của chúng ta, đẹp và có uy. Gương mặt mà tôi tưởng tượng có lẽ sẽ rất khó cho đạo diễn nào chọn diễn viên đấy.
* Trên website của Hãng phim truyện có công bố bản dự thảo êkip đoàn làm phim. Trong đó, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chịu trách nhiệm về công tác diễn viên, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn lo về phần kỹ xảo và đạo diễn Lê Đức Tiến là giám đốc sản xuất. Vị trí đạo diễn chính vẫn để ngỏ. Là tác giả kịch bản gốc, cá nhân ông mong muốn ai sẽ đảm nhận vai trò đạo diễn bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn?
|
- Theo ý kiến cá nhân của tôi thì bộ phim này cần có một tổ đạo diễn. Điều đơn giản đầu tiên là trong thời gian làm phim, nếu người này ốm hay bận việc đột xuất thì phải có ngay người khác thay. Tổ đạo diễn này phải có… ba người vì hai người thì kiểu gì cũng… "đánh nhau", nên ba người thì tất yếu ông ở giữa kiểu gì cũng nhảy ra can (cười).
Và tôi mong muốn tổ đạo diễn này nên có một đạo diễn Việt kiều đã làm phim ở Việt Nam và có những thành tựu nhất định tham gia. Vì sao tôi mong muốn như vậy ? Bởi họ sẽ đem được công nghệ hiện đại của nước ngoài vào phim. Thứ hai là Thái tổ Lý Công Uẩn dành cho kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - một lát cắt lịch sử quá lớn với Việt Nam cũng như quốc tế. Phim sẽ được mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra với những người con Việt Nam trên thế giới, khích lệ tấm lòng yêu nước của bà con Việt kiều hướng về quê hương. Thứ ba là nếu một đạo diễn Việt kiều tham gia và họ nắm được nhiều mối quan hệ với thị trường nước ngoài nữa thì hướng phát hành ra thế giới là rất khả thi.
* Là một bộ phim về vua Lý Thái Tổ, quay ngược lại lịch sử 1.000 năm trước và tái hiện lại huyền tích “Thăng Long” (Rồng bay)? Bối cảnh và kỹ xảo có phải là vấn đề mà êkip làm phim hiện nay đang băn khoăn nhất?
- Đó quả là vấn đề vướng mắc nhất của chúng tôi khi bắt tay vào triển khai dự án làm phim. 1.000 năm trước nhà cửa như thế nào ? Trang phục, đạo cụ, phong tục… ? Đơn giản như cái chén uống nước tôi đang mời bạn đây nó ra sao ? Những điều này có thể thông qua lịch sử, qua dân gian, khảo cứu khoa học cộng thêm sự thăng hoa sáng tạo của những người nghệ sỹ để giải quyết được nhưng vấn đề thời gian, nhân lực, bối cảnh, kỹ xảo thì không thể nghiên cứu chế tạo là ra. Dù biết là mình đang đối mặt với một khối lượng công việc khổng lồ như thế nhưng cũng không có cách nào ngoài việc lao vào, phải học để tìm ra cách, chứ cứ ngồi đó mà kêu khó thì không bao giờ làm được cái gì. Rất may là chúng tôi đã tìm được câu trả lời thông qua chuyến đi tìm hiểu tại Trung Quốc – cái nôi của phim lịch sử.
* Ông có thể nói rõ hơn về việc tham quan cũng như mục đích chuyến đi Trung Quốc của êkip làm phim?
- Mong muốn lớn nhất trong chuyến đi này là học hỏi cách làm phim lịch sử của các đồng nghiệp bên Trung Quốc, đồng thời giải đáp hai vướng mắc của chúng tôi về kỹ xảo và bối cảnh. Mục đích của êkip khi đến Trung Quốc là tìm hiểu về kỹ xảo tại một trung tâm ở Thượng Hải và đặc biệt là khảo cứu hai trường quay Vô Tích ở tỉnh Giang Tô và Hoàng Điếm thuộc tỉnh Triết Giang. Đây là hai trường quay lớn nhất của điện ảnh Trung Quốc nằm cạnh Thái Hồ - một trong bốn hồ nổi tiếng nhất Trung Quốc cả ngoài đời cũng như trên màn ảnh. 40% phim của Trung Quốc được quay ở đây với những tác phẩm nổi tiếng như Đường Minh Hoàng, Thủy Hử, Tam quốc diễn nghĩa, Thích khách, Anh Hùng, Hoàng Kim Giáp….
Nếu Vô Tích được biết đến như là trường quay quy mô đầu tiên thì Hoành Điếm được ví như Hollywood của Châu Á. Nó hoành tráng, quy mô, tái tạo lại toàn bộ bối cảnh lịch sử Trung Quốc theo ba thời kỳ: Cổ đại - cận đại - hiện đại và được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn nguyên gốc. Tường bằng gạch, độ dầy 10m thì đúng 10m mà làm… Nơi cất giữ đạo cụ lớn như một sân vận động, mỗi mẫu có hàng ngàn chiếc và liên tục được bổ sung khi các đoàn làm phim yêu cầu. Nếu dùng ô tô để tham quan hết trường quay thì cũng mất… vài ngày mới đủ. Giá vé đắt nhưng người dân vẫn lũ lượt vào tham quan, họ coi đó là một hành động hướng về cội nguồn và tự hào.
Làm được điều này chứng tỏ điện ảnh Trung Quốc nhìn thấy chiều sâu, sự chuẩn bị kỹ càng, dám làm, chứ không phải là lối tư duy “ăn xổi ở thì”. Nếu Vô Tích chỉ quy hoạch lại như một khu du lịch thì Hoành Điếm gây dựng được cả một thành phố điện ảnh với dân cư sinh sống bình thường. Điều đáng phục ở đây là trước khi trở thành một thành phố sầm uất giàu có, Hoành Điếm chỉ là một khu thung lũng hoang vu và kinh phí để xây dựng được như hiện này là do chính tỉnh Triết Giang bỏ tiền ra làm chứ không phải do nhà nước hay hãng phim nào đầu tư. Nói chung nó quá ấn tượng với chúng tôi và chuyến đi này thực sự được mở mang rất nhiều.
* Và chuyến thăm trung tâm kỹ xảo ở Thượng Hải?
- Bản thân tôi đánh giá kỹ xảo của Trung Quốc ngang ngửa với Mỹ khi tham quan trung tâm của họ ở Thượng Hải. Chúng tôi được họ giới thiệu những thủ thuật như tạo ra một đoàn kỵ binh trên chiến trường dựa trên cơ sở vài người ban đầu. Cảnh đánh thành dựa trên mô hình rất nhỏ sau đó ghép với cảnh chiến đấu mà hiệu quả trên phim không thể phân biệt được… Cũng chính tại trung tâm này, cách đây không lâu là nơi làm hậu kỳ cho bộ phim Hà Nội 12 ngày đêm do tôi viết kịch bản. Sắp tới là Thái tổ Lý Công Uẩn, tôi cảm thấy rất vui và an tâm.
|
* Vậy sau khi tham quan xong, thu hoạch lớn nhất của ekip làm phim ?
- Nếu không đi thì không hình dung ra được. Đất nước ta trải qua 1.000 năm đô hộ, không ít thì nhiều cũng bị ảnh hưởng kiến trúc phong kiến của Trung Quốc. Nếu đối chiếu lịch sử thì cung điện thời Lý ảnh hưởng nhiều bởi đời cuối Đường bên Trung Quốc. Nên khi tham quan trường quay Hoành Điếm, chúng tôi khảo sát kỹ cung điện, đồ vật đời Đường và thấy rằng: Tông màu của họ gần với màu sắc của thời Lý. Không lòe loẹt như thời Tống, các cột, mái thờ… của thời Đường có gam trầm, gần gần với màu nâu sồng của ta. Thứ hai là khảo sát các đồ nội thất cũng như xem tư liệu về cuộc sống thời đó, những cuộc thiết triều, tiếp đón của vua quan… Tất cả là hơi hướng cho nhận thức, cộng thêm sự nghiên cứu tư vấn của các nhà cố vấn của mình để thuần Việt nó đi. Mình đi học họ chứ không phải nhại lại.
Còn về vấn đề kỹ xảo, sau khi được chứng kiến những gì họ có thể làm được, chúng tôi dường như trút được mọi gánh nặng trước đây, hai điểm mấu chốt đã hoàn toàn được mở nút. Giờ đây, êkip làm phim có thể thở phào mà nói rằng: Tầm vóc như phim Thái tổ Lý Công Uẩn mình làm ngon!
* Tuy rằng là khả quan, nhưng đầu tư cho bộ phim là cả một vấn đề lớn. Theo ông thì con số kinh phí để “làm ngon” là con số nào ?
Nếu bây giờ ngồi tính trên giấy thì không thể có được con số dự trù mà phải căn cứ vào việc tìm hiểu kỹ lưỡng bối cảnh, nhân lực, vật lực… phác thảo trên tầm dự toán thì mới có được con số để cung cấp cho báo chí. Với cá nhân thì tôi nói thế này: với một bộ phim 1.000 năm để xem cho sướng mắt, thậm chí có thể phát hành ra nước ngoài cho bà con Việt kiều khắp thế giới đương nhiên phải có một đầu tư thích đáng. Tiền nào của ấy, nếu động đến lịch sử mà đầu tư sơ sài quá thì nó sẽ trở thành phim dã sử chứ không phải là phim lịch sử nữa..
Xin cảm ơn ông.
Theo Hoàng Tuấn - TGĐA
Bình luận (0)