Biện pháp hành chính

09/07/2011 00:07 GMT+7

CPI tháng 7 có nguy cơ tăng trở lại khi hàng loạt mặt hàng tăng giá, nhiều ngành không chịu giảm giá... Chặng đường kiểm soát lạm phát cuối năm còn dài nhưng ở chỗ này, chỗ kia, nhiệm vụ chung tay chống lạm phát đã bị coi như của người khác.

Rõ ràng nhất là ở ngành xăng dầu bởi đây là yếu tố tác động mạnh nhất tới chỉ số CPI trong 6 tháng đầu năm khi ấn định mức tăng cao tới gần 30%. Không như các mặt hàng khác, xăng dầu tăng kéo theo một loạt các chi phí tăng theo, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, kéo mức sống của người dân xuống thấp. Vì vậy, giảm giá xăng dầu sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong việc giảm giá thành sản phẩm. Nhưng bất chấp giá xăng thành phẩm của thế giới giảm (giá trong nước phụ thuộc vào giá thế giới); bất chấp sự lên tiếng của dư luận, bất chấp sự nỗ lực của Chính phủ trong việc kìm giá... ngành xăng dầu vẫn làm ngơ. "Bài" này đã được họ sử dụng nhiều lần trong những trường hợp tương tự và đạt hiệu quả. Ai nói mặc ai, giá xăng dầu vẫn "tăng dễ, giảm khó". Nhưng chẳng lẽ chúng ta lại bất lực trước một yêu cầu hoàn toàn chính đáng là minh bạch giá xăng dầu? Chẳng lẽ chống lạm phát lại không phải là nhiệm vụ của ngành xăng dầu? Chẳng lẽ lợi ích cục bộ của một ngành lại cao hơn lợi ích của cả nền kinh tế? Quyền lợi của một nhóm lại được đặt trên quyền lợi của người dân? Những điều này nghe thật nghịch lý nhưng đã và vẫn đang tồn tại trước những chật vật của người dân và khó khăn của cả nền kinh tế.

Nhiều năm nay, ngành xăng dầu luôn đòi hỏi "cơ chế thị trường" nhưng cái cơ chế thị trường mà ngành này đang thực hiện không có vai trò, vị trí, quyền lợi của người dân hay nói đúng hơn là của khách hàng. Tất cả những rủi ro về giá đều được "đẩy" lên vai người tiêu dùng. Doanh nghiệp xăng dầu lỗ, được bù lỗ; lãi thì hưởng. Doanh nghiệp xăng dầu đòi hỏi sự chia sẻ của khách hàng khi tăng giá nhưng khi giá giảm thì không hề có sự sẻ chia ngược lại. Có lẽ không có một lĩnh vực kinh doanh nào lại sướng như xăng dầu. Việc nắm "đằng cán" khiến cho ngành này liên tục hành xử thiếu sòng phẳng trong quan hệ cung cầu, giá cả và quyền lợi giữa doanh nghiệp xăng dầu và người dân.

Lạm phát đang "ăn mòn" cuộc sống của người dân; mức thu nhập thực tế của người dân ngày càng thấp đi; khoảng cách giàu nghèo cũng bị kéo rộng hơn... Ngành xăng dầu với cung cách kinh doanh của mình đóng góp bao nhiêu vào những con số đáng buồn trên? Mỗi người sẽ có câu trả lời của riêng mình. Nhưng một biện pháp hành chính từ cấp có thẩm quyền để lấy lại công bằng cho người dân và góp phần kiểm soát chỉ số CPI trong những tháng cuối năm là điều cần thực hiện ngay...

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.