Biển xâm thực nhiều nơi
Tình trạng biển xâm thực, triều cường dâng diễn ra nhiều năm nay và ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng hơn kể từ đầu năm 2022 đến nay, đã “nuốt trôi” nhiều diện tích đất rừng phòng hộ, đất nuôi trồng thủy sản, và đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Biển xâm thực cuốn trôi nhiều diện tích rừng phòng hộ tại khu vực cửa Lạch Hới |
Minh Hải |
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khu vực phía bắc cửa Lạch Hới (cửa sông Mã đổ ra biển) thuộc địa phận thôn Tân Xuân (xã Hoằng Phụ, H.Hoằng Hóa), tình trạng biển xâm thực đang diễn ra rất nghiêm trọng. Từ đầu năm 2022 đến nay, diễn biến biển xâm thực rất mạnh vào đất liền, kéo dài khoảng 1,5 km dọc bờ, lấn sâu vào đất liền có điểm 150 m.
Biển xâm thực mạnh, người dân Thanh Hóa sợ rơi vào cảnh màn trời chiếu đất |
Dọc khu vực bờ biển bị xâm thực hàng loạt gốc phi lao tuổi đời hơn 10 năm lộ hẳn bộ rễ lên khỏi mặt đất. Nhiều đoạn kè người dân tự xây bằng gạch, xi măng cũng bị nước biển đánh sập. Đáng chú ý, nhiều nhà dân bị nước biển tràn vào kể cả khi có thiên tai lẫn những ngày bình thường, khiến cho người dân lo lắng, hoang mang.
Cây hơn 10 năm tuổi và bờ kè đá bị sóng biển tàn phá |
Minh Hải |
Chị Lường Thị Ưng (30 tuổi, ngụ thôn Tân Xuân) cho hay: “Tôi về làm dâu và sống ở đây hơn 10 năm nay. Ngày mới về ở, mép nước biển còn cách nhà cả vài trăm mét. Để đi ra biển còn phải vượt qua rừng phi lao và bãi cát cao, chẳng ai nghĩ có một ngày biển tiến sát vào nhà, nước tràn vào nhà. Thế mà mấy năm nay, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến giờ biển xâm thực cuốn hết cây phi lao, giờ mép nước chỉ còn cách nhà vài ba chục mét. Nguy hiểm hơn, không chỉ lúc có bão, biển động mà ngày bình thường lúc thủy triều lên là nước biển lại tràn vào sân, gần ngập nền nhà. Có những hôm sáng ngủ dậy thấy nước biển tràn khắp sân rồi”.
Cạnh nhà chị Ưng là gia đình bà Bùi Thị Hương (55 tuổi, ngụ thôn Tân Xuân), có 3 thế hệ đang sinh sống cùng nhau.
Bà Hương bày tỏ lo lắng: “Cứ đà này thì cả khu vực đất đai từ đời ông cha chúng tôi ở đến nay sẽ bị biển nuốt mất thôi. Dân chúng tôi mong muốn chính quyền sớm bố trí tái định cư chỗ khác để ổn định cuộc sống chứ giờ sống ở đây cũng lo lắng lắm”.
Ao nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân xã Hoằng Phụ bị biển xâm thực gây hư hỏng |
Minh Hải |
Đáng lo ngại, hiện tượng biển xâm thực không chỉ diễn ra ở khu vực trên mà còn diễn ra ở khu vực cống 3 cửa, thuộc thôn 1 (xã Hoằng Trường, H.Hoằng Hóa). Thời gian qua, nhiều diện tích cây phi lao cũng đã bị biển xâm thực, cuốn trôi.
Còn tại xã đảo Nghi Sơn (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa), nước biển dâng và sóng lớn mỗi khi có bão cũng đã làm hư hỏng nhiều diện tích kè chắn sóng, nhà dân.
Biển xâm thực do thiên tai và nạn hút cát trái phép
Theo thông tin từ UBND xã Hoằng Phụ, biển xâm thực đã gây sạt lở, biến đổi hiện trạng đất đai với diện tích khoảng 15 ha. Trong đó, đất ở bị cuốn trôi, sạt lở khoảng 1.000 m2; đất nuôi trồng thủy sản khoảng 1,5 ha; đất quy hoạch cụm công nghiệp khoảng 2,2 ha; đất rừng phòng hộ hơn 11 ha. Nguyên nhân tình trạng biển xâm thực là do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết bất thường và nạn hút cát trộm đã làm thay đổi dòng chảy.
Tình trạng biển xâm thực cũng đang diễn ra ở thôn 1, xã Hoằng Trường (H.Hoằng Hóa) |
Minh Hải |
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết đến thời điểm hiện tại có 21 hộ với gần 80 nhân khẩu nằm ở khu vực nguy hiểm, khu vực sạt lở, biển xâm thực.
“Để đảm bảo an toàn, UBND xã đã xây dựng phương án sẵn sàng sơ tán 21 hộ dân đến ở nhờ gia đình người thân quen, hoặc trụ sở các cơ quan, đơn vị khi xâm thực tiếp diễn, hoặc có tình huống xấu xảy ra. Về lâu dài, huyện đã thuê đoàn khảo sát để xây dựng kè chắn ngăn chặn tình trạng biển xâm thực”, ông Bình cho hay.
Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết tình trạng biển xâm thực tại khu vực cửa Lạch Hới là rất nghiêm trọng, và cần có biện pháp kỹ thuật khẩn cấp để ngăn chặn, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân cũng như các đơn vị đóng ở khu vực cửa Lạch Hới.
Có vị trí biển xâm thực sâu vào đất liền 150 m cuốn trôi đất ở, đất rừng phòng hộ |
Minh Hải |
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở, biển xâm thực ở khu vực cửa Lạch Hới. Yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến biển xâm thực; cắm mốc, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân không đến gần; khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Bình luận (0)