Ngày 28.10, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tiếp tục tổ chức các phiên đấu giá biển số xe ô tô dưới hình thức trực tuyến. Một trong những biển số được chú ý là 30K-567.89 của Hà Nội.
Kết thúc lượt đấu ở khung 8 giờ 30 đến 9 giờ 30, biển số 30K-567.89 được một đại gia chốt giá lên tới gần 17 tỉ đồng.
Diễn biến này khá bất ngờ. Bởi lẽ, 30K-567.89 thuộc nhóm biển số "siêu đẹp" từng được đấu giá thành công tại phiên đấu giá lần thứ nhất hồi tháng 9. Tuy nhiên, do người trúng đấu giá bỏ bọc, các biển số này được đưa ra đấu giá lại.
Ở lần đấu giá thứ hai, biển số 30K-567.89 được chốt giá gần 17 tỉ đồng như đã nêu, cao hơn so với lần đầu hơn 13 tỉ đồng.
Điều này khác biệt so với 2 biển số cũng được đấu lại trước đó, gồm 51K-888.88 của TP.HCM và 36A-999.99 của Thanh Hóa.
So với lần đấu giá đầu tiên, cả hai biển số trên đều giảm giá trị rất nhiều. Trong đó, 51K-888.88 giảm từ hơn 32 tỉ đồng xuống còn hơn 15 tỉ đồng, 36A-999.99 giảm từ hơn 7 tỉ đồng xuống còn hơn 5 tỉ đồng.
Biển số 'siêu đẹp' 30K-567.89 bất ngờ tăng giá lên gần 17 tỉ đồng
Việc các biển số "siêu đẹp" được đưa ra đấu giá lại và vẫn có mức giá lên tới cả chục tỉ đồng không nằm ngoài dự đoán. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về khả năng sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng bỏ cọc.
Theo quy chế đấu giá, trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải hoàn thành việc nộp tiền trúng đấu giá (trừ đi 40 triệu đồng tiền đặt cọc). Nếu vi phạm, người trúng đấu giá sẽ mất tiền đặt cọc, biển số được đưa ra đấu giá lại.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia cho rằng việc phạt tiền cọc đối với trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc như trên chưa đủ sức răn đe, sẽ dẫn tới tình trạng bỏ cọc tràn làn, gây tốn kém, lãng phí về tiền bạc và thời gian. Các ý kiến đề nghị tăng mức đặt cọc hoặc xử phạt theo phần trăm giá trị trúng đấu giá, để hạn chế việc người trúng đấu giá "hủy kèo".
Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, quá trình tổ chức đấu giá biển số xe được tuân thủ theo quy chế đấu giá do công ty ban hành.
Quy chế này xây dựng dựa trên các quy định tại Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội và Nghị định 39/2022 của Chính phủ. Cả nghị quyết và nghị định đều nêu rõ trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc và biển số được đưa ra đấu giá lại.
Vì vậy, các nội dung trong quy chế đấu giá, gồm việc người trúng đấu giá bỏ cọc, đều phải xử lý theo pháp luật. Tổ chức đấu giá không được tự ý đưa ra thêm chế tài đối với trường hợp này nếu pháp luật không quy định.
Xem nhanh 20h: Bất ngờ biển số 'siêu đẹp' 30K-567.89 tăng giá
Cũng trả lời về vấn đề bỏ cọc đấu giá biển số, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho hay quy định hiện hành không cấm người trúng đấu giá bỏ cọc. Nếu bỏ cọc, người trúng đấu giá sẽ mất 40 triệu đồng tiền đặt cọc, biển số sẽ được đưa về kho để đấu giá lại.
Theo ông Đức, việc người dân tham gia đấu giá, trúng đấu giá và ký vào biên bản trúng đấu giá là hợp đồng dân sự; người ký sẽ phải có ý thức thượng tôn pháp luật (trong việc nộp tiền trúng đấu giá - PV).
Bình luận (0)