Xe máy điện “made in… sinh viên” có tính ứng dụng cao
Dự án này được phát triển trên ý tưởng từ cuộc thi Green Challenge (Di chuyển thân thiện với môi trường) do Bosch tại Việt Nam tổ chức vào năm 2015 và tổng tài trợ khoảng 4 tỉ đồng cùng các khóa huấn luyện thực tế, hỗ trợ kỹ thuật để triển khai. Anh Phúc - một khách mời tham gia buổi lễ này sau khi nhìn ngắm, “sờ mó” sản phẩm đã trầm trồ, khen: “Xe đẹp ghê, lại rất hợp lý với điều kiện giao thông TP.HCM hiện nay. Thị trường có bán, mình sẽ mua một chiếc để đi sẽ rất thú vị”.
Theo đại diện dự án, tất cả xe máy điện nêu trên đều được sạc thông qua trạm sạc, trạm sạc này sử dụng năng lượng mặt trời nhờ có những tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mái các trạm xe. Một chiếc xe sạc đầy điện có thể chạy được quãng đường 80 km với tốc độ tối đa 45 km/giờ. Người dùng từ 18 tuổi trở lên có bằng lái xe gắn máy có thể sử dụng xe máy điện này. Để sử dụng xe máy điện, người dùng cần tạo tài khoản tại http://bosch-green-challenge.com.vn/, sau đó đăng nhập để chọn trạm và đặt xe. Người dùng sẽ được cấp mã số và lấy thẻ kích hoạt xe tại trạm đã chọn. Chiếc thẻ này dùng để mở, khóa xe và mở ngăn chứa nón bảo hiểm dưới yên xe.
Cũng tại lễ khánh thành dự án này, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Lê Hoàng Minh đánh giá rất cao tiềm năng dự án và mong muốn được hợp tác cùng nhóm thực hiện dự án để triển khai rộng mô hình xe máy điện cộng đồng này. Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam cho biết: “Qua dự án này, Bosch muốn góp phần thúc đẩy việc hợp tác trong hoạt động nghiên cứu và phát triển giữa doanh nghiệp và trường đại học. Hệ thống này nếu được triển khai tại các thành phố lớn sẽ góp phần giải quyết những thách thức giao thông và môi trường hiện nay và sẽ là một trong những giải pháp góp phần xây dựng các thành phố thông minh”.
Cùng doanh nghiệp kéo sinh viên vào thực tế
Hệ thống xe máy điện cộng đồng ra đời là thành quả của dự án hợp tác giữa Bosch và Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Việt Đức. Hoàng Anh Tú, thành viên dự án, cho biết: “Khi tham gia dự án này em là sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa TP.HCM, hôm nay khi dự án hoàn thành, ra mắt mọi người em đã là nhân viên của Bosch”.
Anh Tú cho biết thêm: “Trước đây khi còn là sinh viên, mỗi dự án tụi em chỉ làm 1 - 2 mẫu, vì số lượng ít nên ít nảy sinh những vấn đề khó khăn, phức tạp. Ở dự án này vì số mẫu nhiều nên nảy sinh vấn đề, khó khăn, chẳng hạn như chất lượng và độ ổn định của các mẫu có đồng đều hay không khi sản xuất số lượng lớn; khó khăn về vấn đề nhân sự, quản lý thời gian… Nhờ được làm việc cùng doanh nghiệp nên em học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý giá, ứng dụng vào thực tế công việc”.
GS-TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi đánh giá dự án này có tiềm năng, có thể triển khai rộng rãi, thay thế dần xe máy chạy xăng dầu bằng xe máy nặng bằng năng lượng sạch, thân thiện môi trường, cải thiện môi trường sống”.
Cũng theo thầy Vũ Đình Thành, dự án này liên quan đến nhiều lĩnh vực nên phải có nhiều khoa của trường cùng phối hợp tham gia. “Sinh viên chúng ta lâu nay được đào tạo còn thiếu tính thực tế. Dự án này doanh nghiệp cùng các giảng viên kéo sinh viên vào thực tế, giúp sinh viên trải nghiệm và có kiến thức, qua đó để cho sinh viên hiểu rằng việc học lý thuyết và thực hành phải đi đôi, để khi sinh viên có thiết kế cũng biết rằng mẫu thiết kế của họ có khả năng ứng dụng thực tế hay không. Nếu không có những dự án như thế này, sinh viên chỉ được học lý thuyết và bay bổng quá, không thể ứng dụng vào thực tế cuộc sống”.
Bình luận (0)