Trung tâm Hapkido tại Sài Gòn có chiều hướng phát triển, nói theo thời ấy là đang “ăn nên làm ra” thì Kim Chấn Bát có một quyết định hết sức đột ngột.
Ông bàn giao công việc điều hành cho người đệ tử đáng tin cậy là bác sĩ Phạm Gia Cổn, để ra đi khai phá một miền đất mới. Những người bạn từng một thời trong quân ngũ, đang làm ăn tại Hồng Kông viết thư thúc giục ông tới đây. Vốn hâm mộ tài năng võ thuật của Kim, họ cho rằng ông sẽ có nhiều cơ hội hơn ở vùng “đất hứa” này.
|
Hồng Kông từng được mệnh danh là kinh đô điện ảnh châu Á, nơi khai sinh các dòng phim võ hiệp luôn được khán giả đón nhận. Thế nhưng võ thuật trong phim thường được diễn xuất một cách màu mè, pha nhiều múa may giả tạo. Khán giả thì không thể bị lừa mãi được và bắt đầu quay lưng. Các nhà sản xuất đã thấy trước điều đó. Kim Chấn Bát rời Sài Gòn đến Hồng Kông năm 1971, thì cũng là lúc Lý Tiểu Long từ Mỹ bay sang đang chuẩn bị vai chính trong phim Đường Sơn Đại Huynh, bộ phim sau này tạo nên cơn sốt vé và làm “nổ tung” màn bạc. Rất ngẫu nhiên bây giờ “một rừng lại có hai cọp”.
Nhờ một người bạn làm việc ở Sở Di trú hết lòng chạy lo thủ tục, chỉ 4 tháng sau khi đặt chân đến vùng đất “cảng thơm”, ông đã có giấy phép mở võ đường. Hồng Kông khi ấy là một đơn vị hành chính thuộc Vương quốc Anh, có một hệ thống luật pháp chặt chẽ và luật quy định không cho mở võ đường tư nhân. Các võ đường đang hoạt động đều thuộc các tổ chức hội đoàn. Việc một người “ngoại quốc” đến mở võ đường tư nhân ở đây có thể nói như là một sự thách thức.
Không nằm ngoài dự đoán, có nhiều thư thách đấu được gửi tới. Lời lẽ thách đấu rất rõ ràng và cách thức tiến hành cũng rất công bằng. Nếu không dám nhận lời có nghĩa là hãy đóng cửa võ đường. Kim Chấn Bát buộc phải chấp nhận các cuộc đấu, và đánh bại hầu hết các đối thủ khiêu chiến. Khi có người hỏi ông đã thật sự đánh thắng một cao thủ nào chưa, đại sư Kim khiêm tốn: “Những cao thủ thật sự không ai lại đi kiếm chuyện. Những kẻ ưa động thủ phần đông có võ công vào hạng trung bình”. Rồi ông cười cười nói vui: “Lúc ấy chỉ cần một trận thua thôi thì chắc chắn tôi phải xách đồ quay về Hàn Quốc rồi”.
Nền tảng võ thuật ở Hồng Kông vốn chịu ảnh hưởng của Thiếu Lâm nam phái, dụng quyền ít dụng cước (nam quyền bắc cước). Cước pháp nếu sử dụng cũng chỉ tung các cú đá nhắm vào mục tiêu hạ đẳng. Không có các đòn đá thượng đẳng và các đòn đá bay. Võ đường Flying Tiger của Kim Chấn Bát nổi danh với các đòn đá bay “cắt lưỡi kéo” tấn công cùng lúc hai mục tiêu trên không, hoặc đòn “én bay” tung hai chân công phá hai mục tiêu phía trước. Đòn “chim ưng vồ mồi” nhảy lên gối chân trụ đối phương để tung đòn chẻ xuống đỉnh đầu sau này Thành Long hay sử dụng cũng có xuất xứ từ đây. Chẳng mấy chốc Kim Chấn Bát trở nên nổi danh và được võ giới đặt cho biệt danh Kim Phi Hổ.
Không chỉ giỏi về võ thuật, Kim còn biết sử dụng truyền thông để quảng bá cho võ đường và môn võ hapkido. Lúc ấy tại Hồng Kông chỉ có 2 đài truyền hình, một đài chuyên phát tiếng Anh và một phát tiếng Hoa. Ông đã liên lạc và thuyết phục lãnh đạo đài cho ông biểu diễn và họ đồng ý cho phát hình 5 phút. Thế nhưng với sự hấp dẫn của các tiết mục, cùng với yêu cầu của khán giả xem đài, chương trình đã kéo dài tới 30 phút. Sự thành công rất lớn, khi ra đường nhiều người thấy ông là bao vây nói chúng tôi đã thấy ông trên truyền hình. Họ muốn làm quen, xin chữ ký, kể cả xin học võ.
Ít ai biết Kim cũng là người tiên phong trong việc thành lập công ty chuyên đào tạo cung cấp các diễn viên đóng vai thế thân. Nhiều stuntmen nổi tiếng sau này đều xuất thân từ studio của ông. Như đã nói ở bài trước, những tên tuổi nổi tiếng sau này như Thành Long, Hồng Kim Bảo, Mao Anh… đều xuất thân từ lò đào tạo này.
Khi “hiện tượng” Lý Tiểu Long bùng nổ cũng là lúc các hãng phim cạnh tranh đổ xô mời ông hợp tác. Ông phải suy tính rất kỹ trước khi nhận lời và thật sự bắt tay cùng hãng Kea Fa Productions theo lời mời của đạo diễn Lo Jo Lee. Sự thành công vang dội tới mức ông lần lượt thủ vai chính trong 8 bộ phim như: The Madarin, Black guide, Valley of the double dragon, Jet-do Karate… Lúc đó thế giới mới biết đến môn võ hapkido với các đòn đá bay đặc dị nhanh như tia chớp do Kim Chấn Bát diễn xuất đúng như thật và không cần đến kỹ xảo.
Vô tình nghề nghiệp làm cho Kim Chấn Bát và Lý Tiểu Long thật sự cạnh tranh với nhau, và đó cũng là quy luật. Nhà hai người lại ở rất gần, cứ mỗi sáng thức dậy chạy bộ cả hai thường xuyên chạm mặt. Ông kể: “Lý và tôi đều đeo kính đen, luôn chạy ngược chiều và gặp nhau hằng ngày nhưng không thèm nhìn mặt nhau. Sau này khi Lý chết đột ngột, tôi cứ hối tiếc hoài tại sao lúc đó mình không bắt tay nhau”. Kim đã đến dự đám tang của Lý Tiểu Long và mang theo nỗi hối tiếc không nguôi.
Kim Chấn Bát cũng thẳng thắn cho rằng về kỹ thuật ông bay đá cao hơn Lý Tiểu Long, nhưng về đóng phim thì Lý ăn đứt ông. Đặc biệt cách nhảy nhót, la hét của Lý tạo phong cách riêng rất lạ, sau này có nhiều người bắt chước nhưng đều không đạt. Về mặt võ thuật, theo ông, Lý Tiểu Long là một tài năng đặc biệt. Lý cũng là người rất nhạy cảm trong kinh doanh, luôn tìm ra cái mới được mọi người đón nhận. Lý Tiểu Long trở nên bất tử vì mệnh yểu, ông ra đi đúng lúc sáng chói nhất của đời mình.
Đây cũng là thời kỳ đỉnh cao của cuộc đời Kim Chấn Bát, ông không gục ngã trong vinh quang, cũng không đắm chìm trong thất bại. Ông vững chãi đi qua những thăng trầm, và còn trụ vững đến ngày hôm nay.
Cao Thụ
Bình luận (0)