Họ là những người rất trẻ, đa số là sinh viên đến từ các ngành công nghệ sinh học, môi trường lẫn cả ngành xây dựng, cơ khí, tài chính…
Các tình nguyện viên “Biệt đội giải cứu rau sạch” tại các trang trại của dự án - Ảnh: A.Q |
Khảo sát và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, tạo chuỗi cung ứng nông sản sạch, trang bị kiến thức về nông sản sạch, rau hữu cơ cho người tiêu dùng... là nỗ lực thầm lặng của các nhóm bạn trẻ Đà Nẵng hơn 1 năm qua, với mục tiêu “giải cứu” nông sản sạch.
Họ là những người rất trẻ, đa số là sinh viên đến từ các ngành công nghệ sinh học, môi trường lẫn cả ngành xây dựng, cơ khí, tài chính…
Từ phiên chợ rau sạch...
Từ chương trình 100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng (6.2015), một nhóm sinh viên ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), trong đó có Nguyễn Bình Tâm, đã lập kế hoạch xây dựng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi cung ứng nông sản sạch. Sau khi khảo sát các vùng dự án trồng rau sạch tại Đà Nẵng, thấy bà con nông dân vẫn khó khăn về đầu ra, về cơ hội đóng dấu tiêu chuẩn chất lượng cho nông sản để có thể đưa vào các siêu thị, nhà hàng lớn, các bạn trẻ đã quyết định “vào cuộc”.
“Khó khăn nhất đối với chúng tôi vẫn là thuyết phục bà con ở vùng nguyên liệu tin tưởng và tham gia dự án rau hữu cơ - organic. Phải để họ tin chúng tôi có thể giải quyết tốt vấn đề đầu ra thì họ mới tham gia dự án”, một thành viên dự án rau sạch Mộc Nhiên cho biết. Và một trong những cách giải quyết đầu ra là tổ chức phiên chợ rau sạch. Từ số rau sạch được cung cấp ở những nhà vườn của dự án, các bạn đã tổ chức gần 40 phiên chợ rau sạch vào dịp cuối tuần ở khắp các chợ tại Đà Nẵng, thu hút các bà nội trợ, khuyến khích họ mua ủng hộ nông sản sạch địa phương. Các phiên chợ còn kết nối được nhiều tình nguyện viên, là những sinh viên, những kỹ sư nông nghiệp trẻ tuổi tâm huyết chung tay giải quyết các vấn đề của rau sạch, thực phẩm sạch.
Các tình nguyện viên tại điểm bán rau sạch
|
Đến “Một triệu dân Đà Nẵng ăn rau hữu cơ”
Cũng từ đây, chương trình Một triệu người Đà Nẵng ăn rau hữu cơ của các nhóm bạn trẻ đã ra đời, với mục tiêu rất rõ ràng, không chỉ khuyến khích tìm hiểu và sử dụng rau sạch có xuất xứ từ các nhà vườn ở Đà Nẵng, mà còn tạo điều kiện để những người quan tâm rau sạch kết nối nhau thông qua các lớp học hằng tuần về rau hữu cơ. Lớp học phổ biến kiến thức về rau sạch không dùng thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ, không chất kích thích sinh trưởng, không phân hóa học, không giống biến đổi gien. Bên cạnh lý thuyết còn có chương trình thực hành tại các vườn rau của dự án để được trải nghiệm quá trình canh tác hữu cơ, sản phẩm canh tác hữu cơ.
“Vấn đề của chúng tôi là phải tạo cho được niềm tin với người dân về nguồn rau sạch trồng ngay tại Đà Nẵng. Chính việc người tiêu dùng không có niềm tin vào các sản phẩm nông nghiệp ở chợ truyền thống, họ luôn hoài nghi và tự ý gắn mác “Trung Quốc” cho nông sản Việt được trồng ở các tỉnh Tây nguyên, Nam bộ, thậm chí ngay cả những sản phẩm “sân nhà” của nông dân Quảng Nam, Đà Nẵng, khiến nông sản bị tẩy chay, nông dân điêu đứng”, Nguyễn Tuệ Trung, chủ dự án rau organic TRU (Đà Nẵng), tâm sự.
Tạo niềm tin, bắt đầu từ chính những việc nhỏ nhất: thành viên, tình nguyện viên các dự án rau sạch dành thời gian giúp các nông trại cải tạo đất, gieo hạt, làm nhà lưới, mở rộng diện tích canh tác. Bên cạnh đó, các kỹ sư nông nghiệp trẻ, các sinh viên ngành công nghệ sinh học còn hỗ trợ, trang bị công nghệ, kiến thức cho người nông dân địa phương để họ không chỉ trồng những loại rau phổ biến như rau mùi, rau muống, xà lách, cải, bầu bí... mà còn trồng cả những loại rau cao cấp với giá trị dinh dưỡng cao như cải bó xôi, cải cầu vồng, chùm ngây, măng tây.
Chuỗi phân phối từ đó cũng được các bạn trẻ mở rộng trên các trang mạng xã hội như Mộc Nhiên - Thực phẩm sạch Đà Nẵng, TRU Cửa hàng thực phẩm lành mạnh... với các lượt đăng tải chủng loại thực phẩm, giá cả và ship hàng liên tục trong ngày, khiến các hộ nông dân tham gia dự án ngày càng tin tưởng.
Hơn 1 năm đồng hành cùng nông dân, nhiều hộ dân tham gia dự án gọi các nhóm bạn trẻ với một cái tên chung là “Biệt đội giải cứu rau sạch”. “Chúng tôi là một đội theo đúng nghĩa của từ này. Dù ngành nghề có khác nhau nhưng có cùng chung lý tưởng tạo dựng chuỗi nông sản sạch, trở thành chỗ dựa tin cậy của người nông dân, tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, Nguyễn Bình Tâm, thành viên dự án rau sạch Mộc Nhiên (Đà Nẵng), chia sẻ.
Cần cơ chế hỗ trợ
Bà Quách Thị Xuân, Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, đơn vị phối hợp với các nhóm sinh viên, kỹ sư nông nghiệp tổ chức phiên chợ nông sản, chia sẻ: “Các bạn trẻ đang cần lắm những cơ chế hỗ trợ. Đó là quy hoạch vùng dự án, hoạt động truyền thông để thúc đẩy tiến độ dự án, có sự chung tay của cộng đồng khi cùng dùng thực phẩm sạch để hỗ trợ những nông dân sản xuất sạch”. Cụ thể hơn, Nguyễn Tuệ Trung nói: “Những cơ chế đó được hiểu bao gồm cơ chế hỗ trợ tăng diện tích trồng rau hữu cơ cho nông dân; hỗ trợ công nghệ nuôi trồng hiện đại; vận động các nguồn lực khảo sát, thẩm định và cấp chứng chỉ cho các hộ trồng rau sạch, rau organic và quản lý tiêu chuẩn; quy hoạch vùng cây trồng đi kèm với chế biến tạo chuỗi sản phẩm đầu ra; truyền thông, quảng bá thương hiệu các sản phẩm địa phương để người tiêu dùng tin cậy và ủng hộ”.
|
Bình luận (0)